Tại cuộc họp trực tuyến về định giá đất hôm qua 30.10, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Nghị định 44/2014/NĐ-CP sẽ được triển khai tại các địa phương, vì thế cần thẳng thắn chỉ ra những tồn tại để khi ban hành không gây khó khăn, vướng mắc mới.
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN-MT), cho biết sau khi tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện điều kiện áp dụng từng phương pháp định giá đất: so sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh giá đất.
Dự thảo cũng bổ sung quy định chi tiết về các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất để bảo đảm tính minh bạch, tránh yếu tố chủ quan của người định giá khi áp dụng phương pháp so sánh; các nguồn thông tin và thứ tự ưu tiên, điều kiện để áp dụng phương pháp định giá đất; trách nhiệm của đơn vị xác định giá đất trong việc thu thập thông tin, các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp thông tin…
Từ góc độ địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng đề nghị cá thể hóa trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong từng khâu của quá trình xác định, thẩm định, phê duyệt giá đất cụ thể.
"Nên chăng cần có quy định cho phép địa phương quyết định giá đất cụ thể, linh hoạt hơn so với kết quả định giá đất ban đầu để thu hút nhà đầu tư", ông Dũng kiến nghị.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Quách Tất Liêm đề nghị cần có quy định cơ quan thẩm định độc lập chi phí phát triển của nhà đầu tư trong dự án áp dụng phương pháp thặng dư để tính giá đất.
Một trong những nội dung được các địa phương hết sức quan tâm là quy định xử lý chuyển tiếp đối với các dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất... mà chưa có quyết định phê duyệt giá đất ở thời điểm trước và sau ngày 1.7.2014 (khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực).
Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, hiện nay đối với các dự án lớn, có thời gian thực hiện kéo dài, thành phố và các doanh nghiệp thực hiện xác định giá đất và giao đất theo phân kỳ đầu tư, trọn ô, trọn thửa.
Lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình, Kiên Giang cũng nêu thực tiễn khi không thể giải phóng toàn bộ mặt bằng để giao đất một lần cho nhà đầu tư, nhất là với các dự án lớn. Tuy nhiên, phải quy định chặt chẽ về diện tích, số lần giao đất nếu không sẽ xuất hiện tình trạng triển khai dự án manh mún, thậm chí trục lợi từ chính sách như cố tình làm chậm tiến độ dự án để giữ đất.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh mọi vướng mắc để đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế, thậm chí vi phạm pháp luật, chủ yếu do vấn đề định giá.
"Phương pháp, trình tự, nội dung xác định giá đất của các phương pháp phải khả thi, sát thực tế, phù hợp với năng lực thực hiện, khoa học, khách quan, minh bạch, bảo đảm lợi ích công bằng giữa người dân, doanh nghiệp, nhà nước. Không đẩy việc khó xuống cho địa phương", Phó thủ tướng yêu cầu.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ TN-MT bảo đảm tính chính xác, thống nhất của các công thức tính toán; chỉnh sửa điều kiện áp dụng phương pháp so sánh. Bổ sung thông tin, dữ liệu, chỉ số sử dụng định giá đất từ các nguồn chính thống; lượng hóa chi phí phát triển dự án; trách nhiệm từng cơ quan, đơn vị trong cả quá trình xác định, thẩm định, phê duyệt giá đất…
Về kiến nghị của các địa phương đối với việc giao đất, thu tiền sử dụng đất theo phân kỳ đầu tư, Phó thủ tướng nêu rõ cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định phân kỳ đầu tư, kế hoạch sử dụng đất khi phê duyệt dự án làm căn cứ thực hiện.
Đặc biệt, Bộ TN-MT cần chủ trì nghiên cứu phương án xác định các hệ số, chỉ số phụ áp dụng kết hợp với hệ số điều chỉnh giá đất của thửa đất, khu đất theo giá đất trong bảng giá đất đối với diện tích phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất dưới 30 tỉ đồng (thành phố trực thuộc T.Ư), 10 tỉ đồng (các tỉnh miền núi, vùng cao), 20 tỉ đồng với các tỉnh còn lại.
Bình luận (0)