Sự tham dự của Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo, ông Kurt Campbell - Phó trợ lý Tổng thống Hoa Kỳ kiêm điều phối viên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức quốc tế cho thấy sự phát triển về chiều sâu và tầm quan trọng của mối quan hệ song phương mà cả hai quốc gia đã đạt được gần đây ở tầm Đối tác Chiến lược toàn diện.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang bày tỏ mong muốn quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam - Hoa Kỳ đi vào thực chất, hiệu quả và hai bên sớm đạt được giá trị thương mại song phương ở mức 200 tỉ USD, cùng nỗ lực quan tâm và ưu tiên dùng nguồn lực để hiện thực hóa những cam kết trong tuyên bố chung khi nâng cấp quan hệ giữa hai nước.
Nội dung thảo luận tại hội thảo lần này xoay quanh các vấn đề về lộ trình hướng đến Net Zero, tháo gỡ các nút thắt trong huy động nguồn lực, sản xuất và kinh doanh, khai phá tiềm năng của kinh tế số và sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới, việc đảm bảo khả năng tiếp cận, chi trả và đổi mới trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, việc hài hoà chính sách với tiêu chuẩn quốc tế để duy trì và tăng cường đầu tư…
Trong phiên thảo luận liên quan tới lộ trình hướng đến Net Zero, chủ đề mà Chính phủ, doanh nghiệp Việt Nam đang đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây, Thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Vietjet Air Hồ Ngọc Yến Phương mở đầu phiên thảo luận về kế hoạch hoạt động của Vietjet để hướng tới việc phát thải bằng 0, đặc biệt trong lĩnh vực hãng hàng không nơi mà các tiêu chuẩn quốc tế là phổ biến chung cho toàn thế giới.
Bà Phương chia sẻ: "Tại Đại hội đồng thường niên IATA - Hiệp hội hàng không quốc tế lần thứ 77 ở Boston, Hoa Kỳ, vào ngày 4.10.2021, các hãng hàng không thành viên đã thông qua nghị quyết cam kết nỗ lực đạt được mức phát thải carbon ròng từ hoạt động của mình vào năm 2050. Vietjet với tư cách là thành viên của IATA, chúng tôi xác định chương trình Net Zero Carbon là sứ mệnh mà các doanh nghiệp cần phải theo đuổi ngay từ khi bắt đầu hoạt động để hướng tới phát triển bền vững. Vietjet đã lặng lẽ bắt đầu hành trình giảm thải CO2 từ hơn 10 năm trước, khi Vietjet chỉ mới có tàu bay, đến nay hãng hàng không đã vận hành hơn 100 tàu bay và các hoạt động ESG cũng lớn mạnh theo hành trình phát triển và tăng trưởng của chúng tôi, góp phần quan trọng vào thành công của hãng khi tối ưu nguồn lực, tiết kiệm nhiên liệu bay và đặc biệt là bảo vệ môi trường, phát triển bền vững".
Nói về những chuyến bay phát thải ít CO2, lãnh đạo Vietjet thông tin: Khi truy cập website Vietjet, khách hàng sẽ thấy logo chương trình Fly Green của Vietjet. Mỗi chuyến bay Vietjet đều góp phần tiết kiệm nhiên liệu, giảm khí thải ra môi trường. Mỗi vé máy bay bán ra cũng kêu gọi đóng góp 5.000 đồng vào quỹ Fly Green để triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, nghiên cứu phát triển các công nghệ xanh… Đội tàu bay hiện đại hơn 100 chiếc của Vietjet có khả năng tiết kiệm từ 15% - 20% nhiên liệu, cấu hình cũng được tối ưu giúp chuyên chở được nhiều khách hơn, giảm phát thải trên mỗi hành khách so với các hãng khác tới 25% - 30%.
Vietjet cũng là hãng hàng không tiên phong chuyển đổi từ vé giấy sang vé điện tử, sử dụng các phương thức thanh toán online, checkin online, kiosk checkin thay vì các phương thức truyền thống, giúp hạn chế tối đa việc sử dụng giấy mực in… Các trang thiết bị phục vụ trên tàu bay hiện giờ của hãng cũng được sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, có thể tái chế như tre, dừa, bao bì phân hủy...
Lãnh đạo Vietjet cũng cho biết, trong thời gian tới hãng sẽ tiếp tục bổ sung đội tàu bay mới hiện đại để thay thế dần các tàu bay cũ, hiện thực hóa chiến lược đầu tư vào đội tàu bay hiện đại tiếp tục giảm phát thải, tiết kiệm chi phí, tối ưu cấu hình để chở được nhiều khách hơn. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số cũng sẽ được thúc đẩy nhanh chóng và mạnh mẽ hơn.
"Chúng tôi mong muốn những điều tốt nhất cho cộng đồng. Chuyển dịch xanh chắc chắn là một trong những ưu tiên hàng đầu mà Vietjet, và chương trình không carbon và ESG là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của ngành hàng không nhằm giải quyết vấn đề của khí hậu và thúc đẩy bền vững. Các quyết định và sáng kiến liên quan tới Net Zero Carbon không chỉ cần thêm nguồn lực và đầu tư, như là một chương trình hành động thiết thực để giải quyết các tác động của môi trường của ngành hàng không, không thể chậm trễ triển khai vì chúng ta chỉ còn 7 năm để tiến tới năm 2030 khi các quốc gia trên thế giới yêu cầu phải thực thi Net Zero Carbon. Đầu tư vào công nghệ và các chương trình thực tiễn sẽ mang lại lợi ích lâu dài như phát triển về các sản phẩm thay thế sẽ tiết giảm chi phí và gia tăng hiệu quả kinh doanh, tiến trình này sẽ thúc đẩy đổi mới, tạo việc làm liên quan tới năng lượng tái tạo và công nghệ xanh. Điều quan trọng là phải xem các sự sáng tạo này như là khoản đầu tư cho sức khỏe của hành tinh chúng ta vào thế hệ tương lai" - Phó tổng giám đốc Vietjet Air nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, sau 6 năm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hoa Kỳ đã trở thành một sự kiện được mong đợi rất nhiều đối với cộng đồng doanh nghiệp ở cả hai quốc gia và là minh chứng cho sự kết nối hơn nữa để tạo ra một môi trường thuận lợi thu hút đầu tư mới và thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng bền vững ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang cũng mong muốn các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong thời gian tới sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các nguồn đầu tư dịch chuyển từ tài chính xanh và bền vững, phát triển các dự án đầu tư quy mô lớn. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, doanh nghiệp của Hoa Kỳ triển khai hiệu quả các dự án tại Việt Nam.
Bình luận (0)