Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Chống tham nhũng phải dựa vào dân

29/06/2006 01:23 GMT+7

Sau khi được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ, bên hành lang Quốc hội, ông Trương Vĩnh Trọng đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề chống tham nhũng.

* Thưa ông Trương Vĩnh Trọng, ông sẽ là Phó thủ tướng phụ trách phòng, chống tham nhũng?

- Ông Trương Vĩnh Trọng: Việc đó ngày mai, ngày mốt, Chính phủ họp sẽ có phân công cụ thể. Nếu được giao nhiệm vụ đó, tôi cho rằng sẽ rất khó khăn.

* Vì sao lại khó, thưa ông?

- Có nhiều lý do. Nhưng cũng có thuận lợi là đã có Luật Phòng, chống tham nhũng. Tới đây, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp Hội nghị lần thứ 3, sẽ có một số chỉ thị về chống tham nhũng. Điều này sẽ tạo sự nhất trí trong Đảng, rồi ra ngoài nhân dân để tất cả mọi người cùng làm tốt. Chống tham nhũng phải dựa vào dân, không có dân thì không làm được. Nói thật, không có vai trò của báo chí thì chống tham nhũng khó thành công. Nhưng báo chí cũng phải nói đúng sự thật, đảm bảo tính chính xác.

* Làm Trưởng ban Nội chính Trung ương nhiều năm, quá trình ấy sẽ giúp gì cho ông khi được phân công phụ trách chống tham nhũng?

- Tôi về làm Trưởng ban Nội chính Trung ương từ ngày 15/5/2001. Ở cương vị này, tôi đã tập trung lo mảng cải cách tư pháp. Đến nay, lĩnh vực này đã có những chuyển biến cơ bản. Công tác xét xử ngày càng giảm bớt oan sai, điều này cũng đáng mừng. Năm 2004, có 5 vụ oan, năm 2005 có 4 vụ oan. Ở Ban Nội chính Trung ương, tôi đã cùng với các ngành hữu quan xử lý nhiều vụ án lớn như vụ Năm Cam, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ án Mường Tè... Qua đó, mình cũng nắm bắt được tham nhũng như thế nào. Nếu tiếp tục nhiệm vụ chống tham nhũng, tôi nghĩ việc này cũng có đà để làm cho tốt hơn.

* Ưu tiên hàng đầu của ông khi ở cương vị Phó thủ tướng phụ trách chống tham nhũng là gì ?

- Ưu tiên hàng đầu của tôi là cố gắng ngăn chặn, làm từng bước, từng bước để đẩy lùi tham nhũng.

* Chỉ có những người trong bộ máy công quyền mới có thể tham nhũng. Trong quá trình công tác, chắc chắn ông phải quen biết những người có chức, có quyền. Khi thực hiện nhiệm vụ, nếu phải xử lý người thân, người quen, ông nghĩ sao ?

-  Sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành một nghị định về trách nhiệm người đứng đầu. Thứ hai là sẽ mở một đợt giáo dục cho cán bộ, công chức về đạo đức của Bác Hồ, xung quanh 4 chữ "cần, kiệm, liêm, chính", đặc biệt là chống tham nhũng. Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, huy động quần chúng và báo chí chống tham nhũng. Lúc đó, tham nhũng sẽ phải giảm.

* Ông có tin là mình sẽ đẩy lùi được tham nhũng?

- Hứa gì trước thì rất khó. Nhưng "thuận vợ, thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn". Tôi tin rằng nếu mình nỗ lực cao, cùng với sự đồng lòng của mọi người, nhất là nhân dân thì cuộc chiến chống tham nhũng sẽ đạt kết quả tốt.

* Những vụ việc đã phát hiện như vụ PMU 18 chẳng hạn, sau khi có Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, liệu có được giải quyết dứt điểm ?

- Có Ban chỉ đạo hay không thì những vụ đó cũng phải giải quyết dứt điểm. Nhưng muốn giải quyết gì thì đều phải có chứng cứ. Báo chí nói nhiều chuyện nhưng khi kiểm tra lại thì không phải như vậy.

Xuân Toàn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.