Phó vụ trưởng Vụ ĐH- SĐH Ngô Kim Khôi: Điểm sàn đảm bảo cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu

13/08/2006 22:21 GMT+7

Như Thanh Niên đã đưa tin, Hội đồng xác định điểm sàn xét tuyển ĐH-CĐ năm 2006 đã quyết định điểm sàn xét tuyển đại học. Thanh Niên đã phỏng vấn ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ ĐH-SĐH chung quanh vấn đề này.

* Ông nhận xét như thế nào về điểm sàn xét tuyển hệ ĐH năm nay?

- Điểm sàn xét tuyển hệ ĐH và CĐ năm nay phản ánh đúng kết quả thi của các thí sinh, mặc dù mức điểm xét tuyển có thấp hơn năm 2004 và 2005. Có 4 lý do giải thích vì sao điểm sàn năm nay thấp hơn 2 năm trước: thứ nhất là công tác tuyển sinh tốt, hiện tượng tiêu cực, gian lận trong thi cử được hạn chế đến mức tối đa. Thứ hai: năm nay bỏ chế độ cộng điểm thưởng vào kết quả thi ĐH-CĐ đối với các thí sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi (hằng năm có khoảng 30.000 em thuộc đối tượng này được cộng điểm thưởng từ 1,5 - 2 điểm). Thứ ba: năm nay cán bộ chấm thi không quy tròn điểm của từng bài thi. Tổng điểm nếu có chỉ được quy tròn một lần. Lý do thứ tư rất quan trọng, đó là đề thi năm nay được đánh giá hay, có khả năng phân loại rất cao. Với 4 lý do này, hội đồng đã quyết định điểm sàn năm nay là khối A và D: 13 điểm; khối B và C: 14 điểm.

Mức điểm sàn này đảm bảo được chất lượng đầu vào của các trường; đảm bảo cho các trường tuyển đủ chỉ tiêu Nhà nước giao, và đảm bảo cơ cấu vùng miền, cơ cấu xã hội, nhất là các trường ở các vùng dân tộc thiểu số, các trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.

* Với mức điểm sàn như trên, số thí sinh trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 ở các khối đạt tỷ lệ như thế nào so với chỉ tiêu tuyển sinh?

- Với mức điểm sàn như đã công bố, thì khối A có tỷ lệ thí sinh đạt kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn là 156.802 em, đạt 164,37% so với chỉ tiêu. Khối B có 39.631 em, đạt 201,09%. Khối C: 35,364 em, đạt 219, 65%. Khối D1 với mức điểm sàn 13,0 điểm trở lên có 52.505 em, đạt tỷ lệ 225, 48%.


Thí sinh xem kết quả thi ở ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM - ảnh: Đ.N.T

Với chất lượng đề thi và công tác tuyển sinh năm nay, Ban thường trực chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ đã tính đến khả năng luân chuyển của thí sinh trong các vùng. Trừ khu vực đồng bằng sông Cửu Long, còn lại các vùng khác vẫn cân đối được, thậm chí hệ số luân chuyển còn dôi dư. Các trường ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thiếu thí sinh nhưng không nhiều ở khối A, nhưng chúng tôi đã tính 2 phương án cho các trường đóng tại địa bàn này.

Phương án 1: đối với các trường được giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương như ĐH An Giang, ĐH Cần Thơ, ĐH Y-Dược Cần Thơ, ĐH Sư phạm Đồng Tháp, ĐH dân lập Cửu Long và Trường ĐH Tây Đô mới thành lập, thì được vận dụng điều 33 của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Nghĩa là các trường được phép định điểm trúng tuyển với mức chênh lệch điểm giữa các đối tượng là lớn hơn 1 nhưng không quá 2, và chênh lệch giữa các khu vực là lớn hơn 0,5 nhưng không quá 2. Ví dụ: Nếu em nào thuộc diện ưu tiên 1, ở khu vực 1 (dân tộc thiểu số), với mức chênh lệch đối tượng là 1,5 và chênh lệch khu vực là 1,5 điểm, thì điểm sàn thấp nhất để thí sinh có thể nộp hồ sơ dự tuyển là 5,5 điểm. Với điểm sàn này thí sinh có thể được tham gia xét tuyển, nhưng các trường sẽ căn cứ vào số lượng hồ sơ và lấy điểm từ cao xuống thấp. Với phương án này các trường ĐH tại chỗ có thể cân đối đủ chỉ tiêu.

Phương án 2: chúng tôi tính đến số thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh ĐBSCL dự thi ở các trường ngoài vùng nhưng không trúng tuyển NV1 vào các trường này, thì các em có thể xin xét tuyển vào tại các trường ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.