Phố Wall khởi sắc, chứng khoán Á, Âu tiếp tục giảm mạnh

04/08/2011 09:10 GMT+7

(TNO) Kết thúc phiên giao dịch 3.8 (vào rạng sáng nay, 4.8, giờ VN), các chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch Phố Wall (Mỹ) bất ngờ chuyển xanh sau khi các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết đang xem xét khởi động một chương trình kích thích kinh tế mới.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á, châu u tiếp tục giảm mạnh trên dưới 2%. 

Chỉ số thị trường S&P 500 của Mỹ khép lại phiên giao dịch ngày 3.8 với 1.260,34 điểm, tăng 0,5% so với phiên trước đó. Trong nửa phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số này thậm chí đã mất tới 1,6% tổng số điểm, tạm thời chấm dứt chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp.

Sau 8 phiên giảm điểm liên tiếp, chỉ số Dow Jones Industrial đã bất ngờ tăng nhẹ 29,82 điểm, tương đương tăng 0,3%, chốt phiên ở mức 11.896,44 điểm. Thiếu chút nữa chỉ số này đã phải ghi nhận chuỗi giảm 9 phiên liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1978. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,9%, lên thành 2.693,07 điểm.

Có vẻ như kế hoạch nâng trần nợ công cho nước Mỹ đã nhanh chóng phát huy tác dụng. Trong khi mới tháng trước, FED còn e dè xem xét các điều kiện kinh tế Mỹ và cho rằng đây chưa phải là thời điểm “bơm” thêm tiền vào thị trường thì nay, thông tin FED sẽ tiếp tục trợ giúp kích cầu kinh tế Mỹ đã nhanh chóng lọt ra ngoài không lâu sau khi Tổng thống Mỹ ký thông qua quyết định nâng trần nợ công.

Tuy nhiên, cũng có các chuyên gia cho rằng, việc nhiều chuyên gia kinh tế nhận định khả năng kinh tế Mỹ rơi trở lại “hố khủng hoảng” một lần nữa là hoàn toàn có thể chính là nguyên nhân khiến FED không thể ngồi yên hơn nữa.

Cùng với tin tức tốt lành từ FED, chứng khoán Mỹ trong phiên này cũng nhận thêm hậu thuẫn từ nhiều thông tin kinh tế khác. Theo số liệu thống kê của công ty chuyên phân tích thị trường lao động uy tín ADP Employer Sercives, trong tháng 7 vừa qua, các công ty của Mỹ đã tạo thêm được 114.000 việc làm mới cho người lao động. Trước đó, các chuyên gia của Bloomberg đã dự đoán mức tăng sẽ đạt khoảng 100.000 việc làm.

Báo cáo chính thức về thị trường lao động Mỹ tháng 7 sẽ được Bộ Lao động công bố trong 2 ngày tới.

Hồi đầu phiên, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm khi Viện Quản lý nguồn cung công bố chỉ số phát triển ISM dành cho khu vực ngành dịch vụ của Mỹ trong tháng 7.2011 đã giảm xuống 52,7 điểm (so với 53,3 điểm hồi tháng 6). Con số này không đạt kỳ vọng 53,5 điểm của các chuyên gia kinh tế.

* Tại châu u, thị trường chứng khoán ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong vòng 4 tháng qua do giới đầu tư lo ngại đà phục hồi kinh tế Mỹ đang chậm lại, đồng thời nền kinh tế lớn nhất thế giới này có thể sẽ lại bị đánh tụt hạng tín dụng một lần nữa. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế châu u. Cùng với đó, nhiều báo cáo kinh doanh công bố trong phiên này cũng khiến giới đầu tư thất vọng.

Chỉ số STXE 600 chung cho toàn khu vực giảm mạnh 2% trong phiên này, là mức giảm phiên mạnh nhất kể từ 15.3 tới nay.

Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 133,88 điểm, tương đương giảm mạnh 2,34%, chốt phiên ở mức 5.584,51 điểm. CAC 40 của Pháp giảm 1,93%, xuống còn 3.454,94 điểm. DAX của Đức để mất 2,3% tổng số điểm, xuống mức 6.640,59 điểm.

Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha giảm 0.85%; FTSE MIB của Ý giảm 1,54%; PSI General của Bồ Đào Nha giảm 1,21%; ISEQ của Ireland giảm 2,63%; Athex Composite của Hy Lạp giảm 3,76%.

* Tại châu Á, chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 2,3% trong phiên 3.8 (kết thúc chiều cùng ngày, giờ VN). Tổng cộng trong 2 phiên qua, chỉ số này đã giảm 3,9%, là mức giảm trong 2 phiên liên tiếp lớn nhất kể từ 15.3.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản trong phiên này mất 207,45 điểm, tương đương giảm 2,11% so với phiên trước đó, chốt phiên ở mức 9.637,14 điểm. HSI của Hồng Kông giảm mạnh 428,74 điểm, tương đương giảm 1,91%, xuống còn 21.992,7 điểm.

Chỉ số Shanghai Composite và CSI 300 của Trung Quốc lần lượt giảm nhẹ 0,03% và 0,05%. KOSPI của Hàn Quốc giảm mạnh 2,59%. S&P/ASX 200 của Úc giảm 2,27%. Straits Times của Singapore giảm 1,47%.

Thu Hạnh
(Theo Bloomberg, Reuters)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.