Sốt xuất huyết làm nhiều người tử vong, khiến các gia đình lo lắng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 27.7, cả nước có 59.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 49.000 trường hợp phải nhập viện điều trị (tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước), trong đó có 17 trường hợp tử vong (tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ).
Tại sao năm nào ngành y tế cũng luôn nói tăng cường phòng chống dịch bệnh, nhất là SXH, rồi kinh phí nhà nước dành cho chống dịch bệnh không nhỏ, nhưng cứ đến hẹn lại lên, bệnh SXH vẫn cứ tăng? Năm nay, ngành y tế lý giải, mới nghe có vẻ hợp lý, chẳng hạn, bệnh SXH đến chu kỳ của đỉnh dịch lặp lại sau 10 năm. Tuy nhiên điều quan trọng nhất phải thấy là, nếu không có lăng quăng, không có muỗi thì không thể có bệnh SXH - là điều hiển nhiên ai cũng hiểu.
Từ lâu, việc vệ sinh môi trường để không có lăng quăng là nguồn gốc căn cơ của phòng bệnh SXH, không để dịch gia tăng. Cho dù có chu kỳ hay không có chu kỳ lặp lại của đỉnh dịch, nếu như hệ thống y tế dự phòng làm tốt công tác phòng bệnh thì bệnh SXH không thể gia tăng. Việc để muỗi truyền bệnh làm gia tăng, bùng phát bệnh SXH như hiện tại dẫu có lý giải gì đi chăng nữa thì trách nhiệm chính vẫn là công tác dự phòng của ngành y tế chưa hoàn thành. Cần lưu ý, việc cho rằng do chu kỳ dịch bệnh, dễ tạo cho cán bộ y tế và cả người dân tâm lý rằng bệnh tăng là... đương nhiên. Điều này rất nguy hiểm, có thể kéo theo nhiều ca mắc bệnh và nhiều người tử vong do bệnh SXH.
Cần thiết việc ngành y tế cần tập trung phối hợp với các cơ quan liên quan (như xây dựng, môi trường...) để giải quyết căn cơ nguồn gốc làm phát sinh bệnh, đó là các ổ lăng quăng, môi trường gây phát sinh muỗi...
Để bệnh SXH gia tăng, ngoài trách nhiệm của ngành y tế còn có trách nhiệm của những cơ quan khác như xây dựng (các công trình xây dựng dở dang làm ứ đọng nước, ngăn dòng chảy khiến phát sinh lăng quăng, muỗi) và ý thức của người dân. Nếu cơ quan khác xử lý nghiêm những công trình xây dựng để đồ vật ngổn ngang, làm phát sinh lăng quăng; nếu người dân có ý thức phòng bệnh, dọn dẹp môi trường ở nhà mình, không để nước tù đọng ở các vật chứa thì lăng quăng, muỗi không có điều kiện phát triển, bệnh SXH khó xảy ra.
Bình luận (0)