Phòng biến chứng hạ đường huyết ở người mắc đái tháo đường

Liên Châu
Liên Châu
02/10/2020 11:07 GMT+7

Theo Bệnh viện Nội tiết T.Ư (Hà Nội), biến chứng hạ đường huyết đột ngột nguy hiểm hơn rất nhiều so với tăng đường huyết đối với người bệnh đái tháo đường.

Đặc biệt, trường hợp hạ đường huyết xảy ra ban đêm, ở người già, nếu không phát hiện để xử trí ngay có thể dẫn đến tử vong.
Nguyên nhân gây hạ đường huyết đối với bệnh nhân đái tháo đường có thể là do không tuân thủ điều trị của bác sĩ. Giai đoạn đầu khi điều trị đái tháo đường, mức đường máu chưa ổn định. Nếu bệnh nhân nhịn ăn quá mức, hoạt động thể lực quá sức, có thể gặp hạ đường huyết ở người mắc đái tháo đường kèm theo bệnh suy thận, người có bệnh tim mạch (dùng thuốc chẹn bêta và giãn mạch vành).
Người bị hạ đường huyết xuất hiện đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, lả đi đột ngột, hồi hộp, tim đập nhanh, vã mồ hôi, run chân tay, đói cồn cào.
Khi thấy xuất hiện các dấu hiệu hạ đường huyết, phải nhanh chóng ăn một số thực phẩm chứa đường như: bánh kẹo hoặc uống một cốc nước đường (200 ml). Sau khi tỉnh táo trở lại thì nên ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Để dự phòng hạ đường huyết cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc theo chỉ định, đúng liều, đúng thời gian, không tự ý tăng liều hoặc thêm thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ; ăn đầy đủ, đúng bữa, đặc biệt khi bệnh nhân đang điều trị bằng insulin.
Nên kiểm tra đường huyết thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ để điều chỉnh thuốc điều trị đái tháo đường; không hoạt động thể lực quá mức; không uống rượu bia. Luôn mang theo bên mình vài viên glucose nếu đang điều trị đái tháo đường để có thể sử dụng ngay khi bị hạ đường huyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.