Giá trị kinh tế của khuynh hướng ăn mặc theo phong cách thời trang cao cấp thu nhỏ này không hề thấp. Một số phiên bản thiết kế hàng hiệu dành cho con nít có giá hàng trăm bảng Anh mỗi bộ. Sau khi mẹ con Victoria Beckham-Harper diện trang phục chất liệu cashmere giống nhau đi dạo trên đường phố New York (Mỹ), giá quần áo trẻ em theo mẫu người lớn ở các cửa hàng London (Anh) tăng đến 80%.
Theo Primark, nhà bán lẻ quần áo và phụ kiện xứ sở Ireland, doanh số bán các bộ trang phục mini-me của họ cũng tăng vọt sau khi diva Beyoncé chia sẻ lên trang xã hội hình ảnh cô và con gái 6 tuổi Blue Ivy cùng mặc một chiếc đầm của thương hiệu Gucci. Trong khi số tiền nữ ca sĩ chi ra đến 3.000 bảng Anh thì các loại hàng của Primark giá rất bình dân, chỉ 30 bảng/bộ, trong đó bán chạy nhất là áo khoác jeans. Riêng Matalan, nhà bán lẻ thời trang gia đình của Anh lại tập trung vào hai mảng: quần áo ngủ chung kiểu dáng cho cả nam, nữ và trẻ em, cùng áo khoác viền lông thú giả vớ giá 24 bảng/áo cho trẻ em và 45 bảng/áo cho người lớn. Các sản phẩm thời trang và phụ kiện của nhiều thương hiệu khác cũng “ăn nên làm ra” nhờ cơn sốt mini-me này. Các mẫu áo khoác Barbour chần bông, áo trench coat Burberry, giày bốt Ugg, vớ sọc hiệu Paul Smith hay áo khoác da lộn Chloe… tất cả đều là mẫu mini, bán chạy như tôm tươi.
Tootsa MacGinty, công ty kinh doanh thời trang trực tuyến, trước đây chỉ thiết kế các bộ sưu tập lưỡng tính cho trẻ em, nay cũng tung ra thêm các phiên bản tương tự cho người lớn. Ngược lại, một số nhãn hàng từng có những bộ sưu tập đình đám dành cho người lớn như Gucci hay Balmain, nay lại chào hàng các phiên bản cho trẻ con. Không chỉ mẹ con Beyonce và Victoria Beckham chiêu dụ được các fan của mình lao theo trào lưu này, nhiều tuần lễ thời trang cao cấp cũng dùng cả sàn catwalk để “góp gió thành bão” cho trào lưu thời trang gia đình mini-me. Ở show diễn của nhà Jean Paul Gaultier mới đây, mẫu nữ Coco Rocha đã xuất hiện cùng với con gái 2 tuổi trong bộ đồ màu xanh giống hệt nhau. Rồi ở sàn catwalk tại Milan của Dolce & Gabbana, người ta thấy các người mẫu nắm tay với từng đứa trẻ tung tăng trong từng bộ áo ngủ cùng kiểu.
|
Phong cách ăn mặc gia đình không chỉ xuất hiện với mẹ - con gái, bố - con trai, mà còn thấy ở các cặp anh chị em trong nhà. Đã nhiều lần người ta chứng kiến chị em Kardashian ăn mặc giống nhau, gần nhất là trong chiến dịch quảng bá trang phục denim và đồ lót của Calvin Klein. Cả hai đã tạo được hiệu quả đặc biệt khi số khách hàng tìm mua các sản phẩm này của thương hiệu tăng 43%, chỉ một tháng sau khi chiến dịch được tung ra.
Doanh số thị trường trang phục con nít năm nay tăng mạnh là do nhiều bậc cha mẹ có tâm lý muốn con cái mình được trầm trồ khen ngợi khi chúng tung tăng ở sân chơi trong những mẫu mã hợp xu hướng ăn mặc mới nhất. Thế là những bộ sưu tập của các tuần lễ thời trang cao cấp trong năm đã có thêm đầu ra nhờ cơn sóng mini-me này. Nên biết, riêng ở Anh, giá trị thị trường trang phục trẻ em hằng năm là 5 tỉ bảng, trong đó đồ được thiết kế cao cấp cho các bé đã chiếm 500 triệu bảng, tăng 25% chỉ trong 1 năm.
Còn vì sao các thành viên trong gia đình lại thích ăn mặc giống nhau? Carolyn Mair, tác giả cuốn sách Tâm lý về thời trang lý giải, ăn mặc kiểu này tạo cho người ta có cảm giác thuộc về nhau. Theo bà, nó còn như một phát ngôn tích cực về gia đình của họ trước những người chứng kiến, nghĩa là họ muốn nói, chỉ có những cặp hay các gia đình nào tự hào đang sống hạnh phúc với nhau mới ăn mặc như vậy.
Bình luận (0)