Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Lê Quang Bình là việc xử lý những vi phạm ngay trong nội bộ các cơ quan BVPL chưa nghiêm. Lấy dẫn chứng là vụ phá rừng Tánh Linh (Bình Thuận), ông Bình nói: "Có tội không những không bị xử lý mà thậm chí còn được cất nhắc lên vị trí cao hơn". Đề xuất cho công tác phòng chống tội phạm nói chung và ngăn chặn vi phạm pháp luật ngay trong các cơ quan BVPL nói riêng, ông Bình cho rằng: "Dân có trăm tay nghìn mắt, tường tận mọi điều. Nếu tận dụng khả năng phát hiện và tố cáo tội phạm của dân thì tôi tin chắc chắn rằng việc phòng chống tội phạm hiệu quả hơn nhiều".
Nhìn vấn đề tội phạm dưới một góc độ khác, ĐB Lê Minh Hồng (Ninh Bình) phản ánh: "Nhìn vào báo cáo hiện có hơn 17.000 đối tượng đang có lệnh truy nã, trong đó có hàng ngàn tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm sẵn sàng gây án bất cứ lúc nào, nhân dân không khỏi lo lắng. Nhưng cái người ta lo sợ hơn là có những thế lực ngầm đứng đằng sau những tội phạm không phải quy án ấy, những tội phạm giấu mặt ngay trong các cơ quan BVPL. Vụ án Năm Cam là một dẫn chứng rằng lo lắng ấy có căn cứ nhưng vấn đề chúng tôi quan tâm ở đây là sau khi vụ án ấy bị phanh phui, loại tội phạm này cũng không giảm là bao".
Đa số các ĐB trong phiên thảo luận hôm qua đã chỉ ra rằng, các báo cáo của TAND tối cao, Viện KSND tối cao hay như báo cáo phòng ngừa tội phạm của Chính phủ cũng giống như mọi năm, mắc phải một khuyết điểm là chỉ nặng về liệt kê con số mà không phân loại được tội phạm để đưa ra kiến nghị khắc phục hoặc chỉ ra khuyết điểm trong công tác điều tra, xét xử. ĐB Trịnh Xuân Thu (Thanh Hóa) nói: "Tôi đồng ý với đánh giá của các cơ quan, tình trạng vi phạm quy định về thời hạn tố tụng, án bị đình chỉ, án sửa cao... xảy ra nhiều nhưng cái quan trọng là phải làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong việc này, nếu cố ý để vi phạm thì phải kiến nghị xử lý nghiêm". ĐB Võ Minh Phương (Lâm Đồng) tiếp tục: "Vấn đề cử tri quan tâm là các ngành phải đề xuất giải pháp đối với những nội dung nổi cộm trong ngành mình; các cơ quan tư pháp phải phối hợp với nhau giải quyết, không nên kéo dài tình trạng năm nào các báo cáo cũng kết luận tình trạng tội phạm diễn biến phức tạp".
Các ĐB cũng chính thức đề nghị, năm 2006 các cơ quan tư pháp nên tập trung đấu tranh với loại tội phạm tham nhũng, ma túy, tội phạm có tổ chức và có vũ khí. "Tội phạm tiền giả đang tăng mạnh với chiều hướng nghiêm trọng đòi hỏi chúng ta cũng phải có những phương thức đấu tranh mới", ĐB Trịnh Xuân Thu kiến nghị.
*Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, QH đã cho ý kiến vào dự án Luật Công an nhân dân... Đánh giá hiện tượng cán bộ công an mãi lộ, bảo kê... không còn là cá biệt mà đã trở nên phổ biến cho nên mặc dù Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn giải thích rằng công an cũng là công dân, cũng phải chịu sự điều chỉnh chung của pháp luật nếu làm sai, các ĐBQH vẫn đề nghị phải ghi những điều này thành những điều nghiêm cấm trong luật. "Đây là những hành vi nghiêm cấm có tính chất đặc thù công việc, cần phải quy định rõ trong luật để cán bộ công an chấp hành tốt hơn và nhân dân giám sát tốt hơn", ĐB Nguyễn Kim Khanh (Bình Phước) nhấn mạnh. Hầu hết các ý kiến đều thống nhất xác định công an xã, phường, thị trấn là 1 trong 4 cấp của lực lượng công an nhân dân nhưng xây dựng thành lực lượng chuyên trách hay chỉ bán chuyên nghiệp là vấn đề còn chưa thống nhất. Những ĐB ủng hộ xây dựng lực lượng chuyên trách dẫn chứng rất nhiều vụ việc, do công an xã tiếp cận vụ án đầu tiên nhưng không có nghiệp vụ, vô tình xóa dấu vết gây khó khăn cho các lực lượng chuyên trách điều tra tiếp theo. Nhưng với lý do "gánh nặng biên chế" khi chính quy hóa lực lượng này (hiện có khoảng 30.000 người), những ĐB phản đối cũng không phải là không có lý.
Tuyết Nhung
Bình luận (0)