Lực lượng chức năng đang tập trung phòng chống loại tội phạm này, cùng với đó đòi hỏi ý thức cảnh giác của người dân.
Một tên trộm đột nhập nhà người dân ở P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM |
Trao đổi với Thanh Niên, thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM, nhận định trong thời gian áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội, nhiều loại tội phạm hạn chế hoạt động. Vì vậy, sau khi thành phố nới lỏng, các băng nhóm tội phạm sẽ gia tăng hoạt động, nhất là trộm cắp, cướp giật tài sản…
Ở những tỉnh thành khác, lực lượng chức năng cũng ghi nhận nhiều vụ trộm đột nhập nhà dân khi các thành viên trong gia đình đang phải đi cách ly tập trung hoặc F0 đang được chữa trị ở các bệnh viện dã chiến. Táo tợn hơn, tội phạm còn mua sắc phục, công cụ giả danh dân quân, công an… dựng “kịch bản” kiểm tra giấy đi đường, điều kiện ra đường trong thời gian giãn cách, cách ly phòng, chống dịch Covid-19 để trấn lột, giật điện thoại, tài sản của người dân.
Mỗi người dân tự ý thức
Bạn đọc (BĐ) Nguyễn Ích Quý phản ánh: “Bạn tôi mới bị cướp giả cán bộ vào kiểm tra giấy phép kinh doanh rồi lấy luôn điện thoại”.
Trường hợp tương tự cũng được BĐ Văn Nhơn chia sẻ: “Ra đường, đặc biệt là ở những chốt kiểm soát cửa ngõ, giáp ranh giữa các tỉnh thành cần nâng cao cảnh giác. Khi tôi đưa điện thoại ra để khai báo thủ tục đi đường, xong vừa bỏ vào túi quần thì đúng lúc 2 kẻ chở nhau trên xe máy từ phía sau lao lên giật hụt. Lời khuyên là khi cần ra đường nên thực hiện việc khai báo từ nhà. Bản thân mỗi người dân ra đường trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, phát sinh nhiều tệ nạn, cũng phải tự có ý thức, biện pháp bảo vệ bản thân”.
Không gian mạng cũng là mảnh đất màu mỡ để tội phạm hoạt động, như BĐ Minh Tuyền chỉ ra: “Tội phạm có thể lợi dụng mọi bất cập trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 để tiến hành các hoạt động phạm tội. Ở một số tỉnh thành, muốn đi lại phải đạt điều kiện tiêm vắc xin (1 mũi, 2 mũi). Lợi dụng các phần mềm xác nhận “thẻ Covid-19” đang gặp một số sự cố do phải liên thông dữ liệu giữa các nền tảng, phần mềm khác nhau, thông qua các forum, mạng xã hội, nhóm chat, bọn tội phạm đã ra giá cho việc “nâng cấp”, chỉnh sửa dữ liệu về tiêm vắc xin, yêu cầu đưa thông tin (họ tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD…) cho chúng để chỉnh sửa… Một số người tin tưởng đã bị chiếm đoạt thông tin cá nhân”.
Hai kẻ trộm xe của một nạn nhân ở H.Bình Chánh, TP.HCM |
Chính quyền, tổ dân phố sát sao hơn
Người đứng đầu Chính phủ, cũng như Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Trưởng tiểu ban An ninh - trật tự - xã hội thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đã chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường chủ động giải quyết kịp thời, nhanh gọn các vụ việc phức tạp phát sinh về an ninh, trật tự liên quan dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch bệnh, không để kéo dài, tạo phản ứng dây chuyền; đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm xuất phát từ khó khăn về kinh tế - xã hội, việc làm, lợi dụng cả nước đang tập trung chống dịch để thực hiện hành vi phạm tội; không để tội phạm lộng hành hoặc phát sinh tình hình trật tự xã hội phức tạp.
Từ chỉ đạo này và kế hoạch đã có từ trước đó ở các địa phương, công tác trấn áp tội phạm đang được triển khai sâu rộng. Tuy nhiên, theo nhiều BĐ, trong tình hình dịch phức tạp, bên cạnh lực lượng chức năng, cần phát huy hơn nữa mặt trận phòng chống tội phạm toàn dân. “Nếu người dân nào phát hiện ra những thủ đoạn có dấu hiệu lừa đảo, lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi (nộp tiền để được tiêm vắc xin, đi “cửa sau” để được nhận các gói hỗ trợ, rao bán thuốc đặc trị hỗ trợ Covid-19 thuộc loại được cơ quan chức năng kiểm soát, kiểm tra…), thì nên thông báo trên các group (nhóm) chat của các Tổ Covid-19 cộng đồng cảnh báo và để cơ quan chức năng xem xét, ghi nhận, xác minh”, BĐ Nguyễn Thị Ánh Nguyệt đề xuất.
Hàng loạt tiện ích số vừa được Bộ Công an bổ sung cho CCCD gắn chíp |
Bên cạnh đó, BĐ Lê Thưởng cũng đề nghị: “Có những gia đình người mất, người đang điều trị Covid-19 ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung nên không có điều kiện chăm sóc nhà cửa. Với những trường hợp này, tổ dân phố, khu phố nên cử người giúp coi sóc nhà cửa, đảm bảo an ninh trật tự”.
TP.HCM thực hiện Chỉ thị 18 là điều tất yếu, nhằm từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường. Tuy nhiên, việc ổn định an ninh trật tự xã hội, phòng chống tội phạm phải đặt ở mức ưu tiên hàng đầu song song với việc kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ cửa ngõ ra, vào TP. Trong thời gian đầu khi thực hiện Chỉ thị 18, người dân cũng nên giới hạn đi lại sau 21 giờ nhằm an toàn hơn cho bản thân.
Tấn Lộc
Đề nghị cơ quan chức năng giám sát chặt hơn loại tội phạm liên quan đến mua, bán ma túy, chất kích thích để “bay, lắc”. Dù giãn cách hay không giãn cách thì bọn tội phạm này vẫn sẽ hoành hành.
Bình luận (0)