Phòng game hậu cách ly xã hội: Tái sinh sau cuộc khủng hoảng chưa từng có

Hạ San
Hạ San
09/05/2020 12:50 GMT+7

Trải qua nhiều khó khăn trong giai đoạn cách ly xã hội mùa Covid-19, đồng thời là một trong những ngành nghề cuối cùng được dỡ bỏ lệnh ngừng kinh doanh, bức tranh phòng game tại TP.HCM có đủ những nốt thăng trầm, thử thách lẫn cơ hội.

Những đợt sóng chưa có tiền lệ của thị trường phòng game Việt


Ngày 15.3.2020 có lẽ sẽ là cột mốc khó quên của thị trường phòng game Việt, khi Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và UBND TP.HCM chính thức áp lệnh ngừng kinh doanh đối với các ngành nghề, dịch vụ không thiết yếu. Trong số đó, kinh doanh phòng game là một trong những đối tượng áp dụng chính. Đáng chú ý, lệnh ngừng kinh doanh được đưa ra trong không khí khẩn trương, cấp bách nhằm đối phó với tình trạng lây lan khó lường của Covid-19, khiến cho những cá nhân/đơn vị tham gia ở lĩnh vực phòng game hầu hết đều rơi vào trạng thái “không kịp trở tay”.

 

Khác với quan điểm thường thấy xem phòng game là lĩnh vực kinh doanh “ngồi không ăn bát vàng”, trong các ngành nghề xoay quanh mảng giải trí game, phòng game (hay phòng Net, iCafe… như một số cách gọi khác) là một trong những phân khúc kinh doanh vất vả nhất, không dành cho những người thiếu đam mê hoặc dành ít tâm trí cho việc vận hành. Mặc cho thực tế nhiều thương hiệu phòng game tại TP.HCM đã và đang đạt được tỉ suất lợi nhuận cao, đây vẫn là thị trường nhiều “đắng cay”, vất vả, chịu ảnh hưởng nặng từ định kiến xã hội. Bên cạnh đó, với đặc thù phải liên tục tái đầu tư dòng tiền để duy trì phòng game ở trạng thái tốt (cấu hình máy, thiết bị ngoại vi, không gian, nâng cấp dịch vụ…)... gần như rất ít người kinh doanh ở lĩnh vực này chủ trương tích lũy khoản tài chính nhàn rỗi.  

Các phòng game đã sẵn sàng đón khách

Chính vì những đặc thù này, thị trường phòng game Việt đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt “càn quét” của dịch bệnh Covid-19. Đây là một trong những ngành nghề đầu tiên nhận lệnh ngừng kinh doanh, và cũng nằm trong số cuối cùng được dỡ lệnh theo chủ trương của Chính Phủ vào ngày 07.05. Theo nguồn tin của chuyên mục Game báo Thanh Niên, quãng thời gian ngừng kinh doanh vừa qua đã chứng kiến số lượng kỷ lục các phòng game thanh lý, bán tháo phần cứng/trang thiết bị. Cao điểm, một số đơn vị thu mua và tháo lắp phòng game nhận đến hàng chục đơn hàng mỗi ngày. Hầu hết các trường hợp “rời bỏ cuộc chơi” này đều là những phòng game đã có 3-4 năm kinh doanh, vận hành.


Ở thời điểm bài viết này được đăng tải, Chính phủ đã đồng ý cho lĩnh vực kinh doanh phòng game được hoạt động trở lại, nhiều tỉnh thành đã và đang triển khai công văn cho phép chính thức, đánh dấu sự trở lại của thị trường phòng game. Tuy nhiên, những tổn thất và thiệt hại ở thời điểm này là gần như không thể đo lường, đặt nhiều câu hỏi về tương lai của ngành nghề kinh doanh này.


Thiệt hại hàng trăm triệu đồng mỗi tháng


Khác với bức tranh phòng game của nhiều năm về trước, hiện nay, thị trường này đang là cuộc chơi của những doanh nghiệp có vốn đầu tư từ vài tỉ đến hàng chục tỉ. Nhờ đó, diện mạo của ngành nghề đang dần trở nên chuyên nghiệp, bài bản, phù hợp với tinh thần Thể thao Điện tử (eSports), đồng thời đẩy lùi được nhiều tệ nạn xã hội. Dù vậy, chính điểm khác biệt này cũng tạo ra vô vàn khó khăn cho người kinh doanh phòng game trong giai đoạn Covid-19.


Trao đổi với chuyên mục Game báo Thanh Niên ngay tại cơ sở kinh doanh Cybercore Gaming Fenix (đường Tân Kỳ Tân Quý, P.15, Q.Tân Bình, TP.HCM) khi đang tạm ngừng kinh doanh mùa dịch, anh Đặng Thanh Tuấn - chủ doanh nghiệp - cho biết Fenix đã phải trải qua những thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Với vốn đầu tư lên đến 5,4 tỉ Đồng, Fenix là một trong những phòng game cao cấp hàng đầu của khu vực Quận Tân Bình.  

Phòng game Cybercore Gaming Fenix

Nhân vật cung cấp

Phòng game được ra đời dựa trên những ký ức đẹp của anh Tuấn về Gamepro (thương hiệu phòng game nổi tiếng, do một cái tên uy tín trong cộng đồng game thủ thành lập là ông Lê Hữu “Teddy” Thành), và được tinh chỉnh, tối ưu từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất bởi chính trải nghiệm của anh Tuấn ở góc độ game thủ kỳ cựu. Cũng nhờ đó, Fenix có nhiều hoạt động eSports đa dạng, thậm chí sở hữu đội tuyển chuyên nghiệp và từ đó tạo dựng được cộng đồng game thủ trung thành đông đảo. Trong bối cảnh phòng game này đang dần ổn định được hiệu quả kinh doanh kể từ ngày khai trương (11.12.2019), thì lệnh cấm bất ngờ ập đến.

Ngay trong tháng đầu tiên ngừng kinh doanh, Fenix đối diện với bài toán chi phí nặng nề. Trước hết là tiền thuê mặt bằng rơi vào tầm 75 triệu đồng mỗi tháng, chi phí trả lãi ngân hàng tương đương 50% số vốn đầu tư, chi phí điện nước, lương nhân viên, khấu hao máy móc, thiệt hại doanh thu... lên đến hơn 300 triệu Đồng mỗi tháng. Mọi việc càng trở nên nặng nề hơn khi các công việc kinh doanh khác cũng bị đình trệ theo. Đôi lúc, tôi cũng nghĩ đến chuyện bán đi đam mê của mình (thanh lý phòng game Fenix - PV) để chống chọi với mùa dịch, vì người ta chỉ làm vì đam mê khi có sự ổn định về tài chính”. 


Dù vậy, ông chủ của Fenix đã tìm mọi cách bình ổn dòng tiền, kể cả việc chấp nhận thế chấp nhiều tài sản cá nhân để đưa Fenix vượt qua giai đoạn khó khăn. Đến nay, phòng game đã được bảo dưỡng và chuẩn bị sẵn sàng các khâu để hoạt động trở lại. 

Anh Đặng Thanh Tuấn lạc quan về tình hình kinh doanh sau cách ly xã hội

Nhân vật cung cấp

Cũng không nên quá bi quan vì đây là tình chung của cả xã hội, ai cũng chịu sự ảnh hưởng không ít thì nhiều. Dù vậy thì trong mọi thử thách đều sẽ ẩn chứa cơ hội, sau lệnh ngừng kinh doanh vì cách ly xã hội, tôi tin những phòng game trụ vững qua mùa dịch đều sẽ nhận được sự bùng nổ về khách hàng gần như ngay lập tức. Nhìn chung, tôi có cái nhìn khá lạc quan về viễn cảnh của ngành nghề trong tương lai” - Anh Tuấn nhận định.


Rối ren vì những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh


Dù vậy trong suốt giai đoạn ngừng kinh doanh vì dịch, không phải cơ sở phòng game nào cũng chấp hành nghiêm lệnh cách ly như Fenix. Một số phòng game hoạt động “chui” đã bị cơ quan chức năng bắt quả tang, trong khi một số khác vẫn hoạt động âm thầm và tạo ra sức cạnh tranh không lành mạnh. Theo nguồn tin trực tiếp của phóng viên Thanh Niên Game, có thể kể đến một số cái tên như CBC Gaming L.G (Q.Bình Tân, TP.HCM), I.M Cyber Game (Bình Dương)... Trong những group mạng xã hội trên Facebook, nhiều chủ phòng game cũng chia sẻ đã hoạt động “chui” trong giai đoạn dịch, do không thể ứng phó được với áp lực tài chính.


Trao đổi về vấn đề này, anh Lâm Tuấn Đạt (được biết với nickname “Bo Lâm”) - chủ phòng game Cybercore Gaming Dragon (đường Âu Cơ, P.Phú Trung, Q.Tân Phú) - cho biết bản thân khá buồn với những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” kể trên, đồng thời kiên quyết không "mở chui" cơ sở kinh doanh Dragon.

Cybercore Gaming Dragon có vốn đầu tư lên đến 20 tỉ Đồng

Nhân vật cung cấp

Bản thân tôi cho rằng, khó khăn này lá khó khăn chung, thiệt hại về vật chất là rất nặng nề. Tuy nhiên, tôi không ủng hộ cách làm “chui” của nhiều anh chị trong thời gian cách lý. Bởi nếu có một trường hợp bệnh gây lây nhiễm cộng đồng tại phòng game, thì chính bản thân người chủ, ngành nghề lẫn đất nước đều bị thiệt hại còn nặng nề hơn. Nhiều doanh nghiệp tỷ đô đã phá sản sau dịch, sự mất mát của chúng ta cũng chưa thấm vào đâu so với họ”.


Phòng game Dragon của anh Đạt sở hữu tổng vốn đầu tư thuộc dạng cao nhất ở TP.HCM: 20 tỉ Đồng, sở hữu cấu hình máy thuộc dạng “khủng” và trang bị cơ sở vật chất cao cấp gồm cả ghế massage. Do đó, gánh nặng tài chính mỗi tháng khi bị dừng hoạt động cũng rất nặng nề.  

Anh Lâm Tuấn Đạt (đứng giữa) trong ngày khai trương Cybercore Gaming Dragon

Nhân vật cung cấp

Cũng tương tự như nhiều anh chị trong nghề khác, vốn đầu tư của Dragon cũng phải có một phần vay mượn ngân hàng. Do đó, chi phí duy trì mỗi tháng của chúng tôi cũng thật sự khá “căng”. Rất may là lệnh ngừng kinh doanh đã được gỡ bỏ và thị trường phòng game sắp được hoạt động chính thức trở lại, nếu không, tôi cũng không chắc Dragon có thể “gồng” thêm được nữa hay không. Một điều tích cực nữa là trong hoạn nạn chung của toàn ngành, đâu đó vẫn có những sự thông cảm, tình người. Chẳng hạn như mặt bằng Dragon được cô Quy (PV: chủ nhà) giảm 50% tiền thuê và cho phép trả chậm. Anh em trong ngành kinh doanh phòng game như tôi rất trân trọng những tình cảm này”.


Sẵn sàng cho sự bùng nổ sau dịch


Ngoài việc bị động chờ đợi lệnh ngừng kinh doanh kết thúc, nhiều đơn vị trong lĩnh vực phòng game trong thời gian cách ly xã hội cũng đã có nhiều “chiến thuật” riêng để ứng phó thử thách. Hệ thống phòng game WAYS Station do WAYS trực tiếp đầu tư/vận hành (14 chi nhánh và hơn 100.000 hội viên, được xem là chuỗi phòng game do một đơn vị đầu tư có quy mô lớn nhất miền Nam), cũng đã có nhiều động thái để đối phó với Covid-19. Cụ thể, WAY Station đã áp dụng chương trình cho thuê máy tính giá ưu đãi dành cho hội viên - xu hướng mà nhiều chủ phòng game tại Việt Nam cũng thực hiện. Ngoài ra, WAYS Station cũng tận dụng thời gian “ngủ đông” để nâng cấp phần cứng.


Theo chia sẻ của đại diện WAYS Station, đơn vị này nhìn nhận giai đoạn cách lý xã hội như một thời gian “chuẩn bị chạy đà” cho các kế hoạch phát triển trong tương lai. Cho rằng song song với thử thách chính là cơ hội, WAYS Station đang rục rịch ra mắt nhiều chi nhánh mới theo tiến độ kinh doanh đã được đề ra trước mùa dịch.


Tương tự như WAYS Station, nhiều phòng game tại TP.HCM cũng giữ vững niềm tin vào cơ hội sau dịch, chấp nhận thiệt hại tài chính để duy trì trạng thái tốt cho phòng game chờ ngày kinh doanh trở lại. Đây là nhận định có cơ sở, bởi như đã đề cập ở phần đầu bài viết, nhiều doanh nghiệp phòng game đã chọn lựa phương án từ bỏ cuộc chơi trong bối cảnh nhu cầu của game thủ gần như không có sự suy giảm. Ngoài ra, đây cũng chính là thời điểm vàng để những nhà đầu tư có ý định bước vào lĩnh vực phòng game.

Một điểm chung của cả Cybercore Gaming Fenix, Cybercore Gaming Dragon và WAYS Station chính là việc các phòng game này đều áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi khá hấp dẫn sau dịch, như một cách “bung sức” để trở lại cuộc đua. Đáng chú ý là các cơ sở này đều siết chặt câu chuyện vệ sinh, nâng cao ý thức chống dịch cho cả nhân viên lẫn khách hàng. Đây có thể xem là một nét mới, có khả năng sẽ thay đổi quan niệm về vệ sinh/môi trường cho lĩnh vực kinh doanh phòng game giai đoạn hậu cách ly.


Covid-19 có thể xem là cột mốc thay đổi bức tranh tổng thể thị trường game, một bài test khắc nghiệt nhưng cũng mang lại nhiều bài học quý giá. Dù vậy, trước tình hình diễn biến phức tạp của Covid-19 ở quy mô toàn cầu, chưa thể nhận định rằng thị trường phòng game đã “chiến thắng” đại dịch. Sự thay đổi về thói quen tổ chức của các giải đấu eSports, giá phần cứng/thiết bị, tỉ lệ game thủ sở hữu PC cá nhân trong mùa dịch, sự đình trệ ngày ra mắt của nhiều tựa game “hot”, tâm thế sẵn sàng nếu có đợt bùng phát mới,... là những chi tiết vẫn để lại nhiều vết gợn nhỏ trong viễn cảnh tương lai gần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.