Cuối tuần qua, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế). Để đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Bộ GD-ĐT lưu ý nhiều nội dung, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc bảo đảm quy chế thi, bảo mật đề thi..., tránh gian lận khi làm bài.
CẢNH GIÁC VỚI 2 XU HƯỚNG
Kỳ thi tốt nghiệp năm 2024 là kỳ thi cuối cùng của chương trình giáo dục 2006. Bối cảnh này có thể tác động đến 2 xu hướng: Thứ nhất, học sinh (HS) có tâm lý chủ quan, vì thế nào cũng đỗ tốt nghiệp. Thứ hai, tâm lý những người làm công tác coi thi, chấm thi sẽ "nhẹ nhàng" hơn để giúp HS có nhiều cơ hội tốt nghiệp.
Vì vậy, ngành GD-ĐT, các trường học, phụ huynh HS cần cảnh giác để hạn chế 2 xu hướng trên, quyết liệt trong phòng chống gian lận thi cử.
Theo đó, Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay được bổ sung điểm mới, những vật thí sinh bị cấm mang vào phòng thi gồm: giấy than, bút xóa, đồ uống có cồn; vũ khí và chất gây nổ, gây cháy; tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Quy định này nhằm khắc phục vấn đề vật dụng thí sinh được mang vào phòng thi liên quan đến thiết bị công nghệ cao cấm mang vào phòng thi của năm 2023.
Tại hội nghị tập huấn quy chế và nghiệp vụ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, đại diện lãnh đạo Cục An ninh chính trị nội bộ (A03) Bộ Công an cũng đã chỉ ra nhiều thiết bị mà thí sinh thường gian lận trong thi cử. Trong đó, đặc điểm chung của thiết bị này là các tai nghe siêu nhỏ, được kết nối với thiết bị nghe gọi, phát sóng, "ngụy trang" thành nút áo, mắt kính, máy tính…
GIAN LẬN HỌC ĐƯỜNG ĐẾN TỪ ĐÂU?
GS-TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp VN, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến gian lận học đường, phân thành 3 nhóm: gia đình, nhà trường và xã hội.
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi nuôi dưỡng, dạy dỗ và rèn giũa để hình thành và phát triển nhân cách một con người. Ngày nay, mỗi gia đình thường chỉ có từ 1 - 2 con, vì vậy sự yêu thương và kỳ vọng lớn lao vào con cái trở thành xu hướng phổ biến. Sự kỳ vọng đó có thể là động lực để con phát triển, cũng có thể là gánh nặng áp lực dẫn đến những hậu quả khôn lường, có trường hợp các con bị trầm cảm, tự tử hoặc có trường hợp chính cha mẹ và bản thân HS chấp nhận tiêu cực, gian lận để có được điểm cao, đủ chuẩn để vào trường top, trường điểm…
Về phía nhà trường, việc chạy theo thành tích là một biểu hiện "nói dối" đã trở thành "phổ cập" ở một số trường học, thể hiện rõ nhất là tỷ lệ HS giỏi nhiều lớp rất cao. Hệ thống thi cử, thi đấu, thi đua khá nặng nề khắp các cấp, các ngành... tạo áp lực rất lớn cho người thi, khiến các em phải học thêm, luyện thi; thầy dạy đối phó, trò học đối phó. Từ đó, ngay cả HS khá, giỏi cũng sẵn sàng gian lận, đạo văn. Không nhiều trường học có quy định và giải thích rõ ràng những hành vi nào là gian lận, là đạo văn để HS và giáo viên (GV) tránh.
Dạy thêm - học thêm đã trở thành tệ nạn, ngay từ lớp 1 HS đã phải học thêm. Nhiều GV dạy thêm như một sinh kế, rồi có người tha hóa, biến chất, khi chính những người thầy "nhắm mắt" cho điểm, nâng điểm hay gợi ý trước đề thi để HS đạt điểm cao.
Ngoài ra, thực trạng xã hội có ảnh hưởng không nhỏ đến gian lận học đường, nếu như thói giả dối và các thói hư tật xấu khác của con người không bị ngăn chặn. Điều này góp phần làm cho gian lận học đường ngày càng nghiêm trọng hơn. Trong khi đó, chế tài xử phạt các hành vi gian lận học đường chưa đủ răn đe.
GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG GIAN LẬN HỌC ĐƯỜNG
Hệ lụy của gian lận học đường là rất lớn. Vì vậy, cần có giải pháp để ngăn chặn.
Trước hết, cần nâng cao nhận thức của HS, GV và phụ huynh về gian lận học đường, gian lận thi cử. Từng nhà trường cần đưa ra quy định rõ ràng về những hành vi được coi là gian lận. Từ đó, HS và GV sẽ tự mình nghiêm khắc hơn với gian lận học đường.
Dạy và học, kiểm tra đánh giá dựa vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực HS, được quy định trong chương trình giáo dục, đánh giá vì sự tiến bộ của HS. Nhà trường tập trung vào mục tiêu giúp HS làm chủ kiến thức, vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học vào đời sống và học tập, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp.
Phối hợp với công an, tư pháp tuyên truyền cho HS, GV và phụ huynh về các luật, nghị định xử phạt liên quan đến gian lận học đường, đến bí mật quốc gia, trong đó có đề thi, bài thi; tập huấn chống gian lận bằng thiết bị công nghệ cao cho cán bộ quản lý và GV.
Việc tuyển sinh ĐH, CĐ cần đa dạng phương thức tuyển sinh như những năm gần đây để giảm áp lực thi THPT, xét tuyển bằng điểm học bạ cần nhiều điều kiện hơn để tuyển thí sinh đủ năng lực học ĐH.
Theo GS-TS Trần Đức Viên, giải quyết tận gốc tình trạng gian lận học đường không chỉ gói gọn ở khâu tổ chức thi nghiêm túc, mà phải xóa bỏ được tư tưởng gian lận của người học. Khi các khuôn khổ pháp luật, thể chế và các thang bậc giá trị đã chuẩn mực thì thói giả dối, nạn gian lận thi cử sẽ được giảm thiểu.
Những vụ gian lận thi cử nổi cộm
Năm 2006, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT đã xảy ra các vụ gian lận thi cử ở nhiều nơi. Như vụ gian lận xảy ra tại hội đồng thi THPT Phú Xuyên A (Hà Tây, nay là Hà Nội), HS nộp tiền "bồi dưỡng" cán bộ coi thi để họ làm ngơ trước tình trạng quay cóp, phân phát lời giải các môn cho thí sinh ở nhiều phòng thi. Hay vụ việc xảy ra tại hội đồng coi thi bổ túc THPT Trừ Văn Thố, H.Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, có 536 thí sinh có bài thi giống hệt nhau, phải hủy kết quả. Trước tình hình trên, Bộ GD-ĐT đã phát động phong trào "Hai không - Nói không với tiêu cực thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".
Năm 2012, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT lại xảy ra vụ gian lận thi cử tại hội đồng thi THPT Đồi Ngô (Bắc Giang), một số giám thị đã để mặc thí sinh thả sức gian lận, chép bài nhau, thậm chí có giám thị đưa bài giải cho thí sinh. Vụ việc gây nên bức xúc dư luận, vì khi đó ngành GD-ĐT đã thực hiện "hai không" được 6 năm.
Năm 2018, trong kỳ thi THPT quốc gia xảy ra vụ gian lận thi cử lớn chưa từng có trong lịch sử giáo dục nước nhà. Tại 3 hội đồng chấm thi của 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã để một số người làm công tác chấm thi sửa điểm, nâng điểm cho 222 thí sinh từ 15 đến 27 điểm (Hà Giang có 114 thí sinh; Hòa Bình có 64 thí sinh; Sơn La có 44 thí sinh). Số thí sinh này sau đó dự tuyển ĐH bằng điểm gian lận, kết quả có 6 thí sinh là thủ khoa, á khoa các trường ĐH lớn. Vụ việc chấn động này dẫn đến một số lãnh đạo, cán bộ của các ngành giáo dục, công an… của 3 tỉnh trên bị khởi tố, kỷ luật; nhiều thí sinh buộc thôi học ở các trường ĐH sau khi bị phát hiện gian lận.
Các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây thường xuyên xảy ra hiện tượng thí sinh gian lận thi cử, đặc biệt sử dụng công nghệ cao. Phần lớn các thí sinh sử dụng điện thoại di động hoặc các thiết bị thu phát, chụp đề thi rồi gửi ra bên ngoài nhờ giải.
Bình luận (0)