(TNO) Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây 40 năm, nhưng những hình ảnh cuối cùng của cuộc chiến trong ngày 30.4.1975 lịch sử vẫn in đậm trong ký ức của cựu phóng viên chiến trường người Mỹ Peter Arnett, dẫu ông đã 81 tuổi.
Ảnh chụp Peter Arnett (phía sau) cùng các đồng nghiệp và hai bộ đội Việt Nam cung cấp thông tin cho họ trên bản đồ về hướng tiến công vào Sài Gòn vào ngày 30.4.1975 - Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Cùng bộ đội uống Coca, ăn bánh
Ngày 30.4.1975, đất nước thống nhất. Chiều hôm đó, một phóng viên ảnh tự do làm việc cho hãng tin AP (Mỹ) cùng hai bộ đội Việt Nam bước vào văn phòng của AP tại tòa nhà Eden, Sài Gòn.
“Hai anh bộ đội Việt Nam nói chuyện rất thân thiện với chúng tôi. Họ cho chúng tôi biết họ đã làm gì, vai trò của họ và cho biết họ tiến vào Sài Gòn để tái lập hòa bình tại Việt Nam”, ông Peter Arnett, cựu phóng viên chiến trường người Mỹ gốc New Zealand kể với Thanh Niên Online tại TP.HCM như vậy.
“Chúng tôi là phóng viên, nên chúng tôi bắt đầu đặt câu hỏi với hai anh bộ đội về cuộc tổng tiến công tiến vào Sài Gòn. Họ đã trả lời, chỉ vào bản đồ của chúng tôi trong văn phòng về các mũi tiến công vào Sài Gòn, đồng thời cung cấp cho chúng tôi một số thông tin về cuộc tổng tiến công”, ông Arnett, cựu phóng viên của AP, kể lại.
Hình ảnh hai người chiến sĩ này vẫn được ông Arnett nhớ như in với mô tả rất thân thiện. “Chúng tôi cùng nhau trò chuyện, uống Coca-Cola và ăn bánh”, ông Arnett nói.
Hai anh bộ đội ngồi xem ông Arnett cùng một phóng viên khác viết tin, tự gõ điện tín để gửi thông tin cập nhật về tòa soạn ở thành phố New York, Mỹ, rồi họ rời khỏi văn phòng AP.
Trưa ngày 30.4.1975, xe tăng quân giải phóng Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập - Ảnh chụp lại từ Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh, TP.HCM
|
Thống nhất
“Tôi xem đồng hồ. Lúc này 11 giờ 43 sáng. Tôi gõ bản tin mô tả chi tiết những gì tôi nhìn thấy ở Sài Gòn và chuyển cho người gõ telex là một người Việt Nam. Anh ta đọc bản tin và đứng ngồi không yên. Anh ta nhìn ra cửa. Tôi kéo anh ta nguồi xuống và bảo anh ta gửi bản tin cho tôi. Anh ta đã thực hiện rồi nhanh chóng chạy ra khỏi văn phòng và chúng tôi không bao giờ gặp lại người này”, ông Arnett có viết trong quyển sách hồi ký mới xuất bản của ông mang tựa đề Saigon has fallen.
“Cách đây 10 năm tôi chứng kiến những lính thủy đánh bộ Mỹ đầu tiên đến miền Nam Việt Nam. Họ được các cô gái trẻ đẹp tiếp đón nồng hậu, đeo vòng hoa vào cổ tại các bờ biển. Một thập niên trôi qua, và vào thứ Ba 30.4.1975, tôi chứng kiến lực lượng lính thủ đánh bộ Mỹ sơ tán người Mỹ và rút khỏi miền Nam Việt Nam”, ông Arnett có viết trong bản tin của AP về ngày 30.4.1975, theo một đoạn trích trong quyển hồi ký của ông.
Trực thăng Mỹ bóc binh lính Mỹ trên nóc tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn ngày 30.4.1975 - Ảnh chụp lại từ Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh, TP.HCM
|
Vào ngày 26.4 vừa qua, ông Arnett cùng hơn 20 cựu phóng viên nước ngoài từng tác nghiệp thời chiến tranh Việt Nam đã đến TP.HCM trong khuôn khổ chương trình tuần lễ báo chí nước ngoài nhân dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước.
Ông Arnett, người đoạt giải thưởng danh giá Pulitzer nhờ vào loại bài về chiến tranh Việt Nam, cho biết: “Tôi đến Việt Nam khi tôi còn là một phóng viên trẻ tuổi”.
“Đó là một ngày mưa vào tháng 6.1962, tôi đến Sài Gòn với hai chiếc vali. Ở tuổi 27 và là năm thứ hai làm việc cho AP, tôi từng lo ngại con đường sự nghiệp của tôi sẽ không thành công sau khi tôi bị trục xuất khỏi Indonesia vì những bài viết của tôi”, ông Arnett có viết trong hồi ký, kể về ngày đầu ông đặt chân đến Sài Gòn.
Peter Arnett trước và sau (trái, lúc còn là phóng viên chiến trường trẻ tuổi, do nhân vật cung cấp-phải, tại Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh, TP.HCM ngày 26.4.2015 - Ảnh: Phúc Duy)
|
“Đến Việt Nam tôi đã học được bài học về sự thật. Tôi viết về sự thật, những gì thật sự diễn ra, sự tàn bạo, chết chóc ở chiến trường Việt Nam để phục vụ cho độc giả”, ông Arnett, đưa tin về chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn 1962-1975, nói trong buổi giao lưu với Hội Cựu chiến TP.HCM.
“Tôi từng tham gia buổi duyệt binh đầu tiên sau ngày 30.4.1975. Tôi rất xúc động khi trở về Việt Nam lần này để chứng kiến buổi duyệt binh thời hòa bình”, ông Arnett chia sẻ.
Ông Arnett từng diện kiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Cựu phóng viên chiến trường Arnett cho hay ông trở về thăm Việt Nam hơn 20 lần kể từ khi chiến Việt Nam kết thúc.
“Kể từ năm 1985 trở đi tôi nhận thấy sự phát triển không ngừng của Việt Nam, những tòa cao ốc, những con đường mới, xe cộ động đức, Việt Nam mở cửa buôn bán giao thương và chứng kiến sự chuyển mình của Sài Gòn bây giờ là TP.HCM”, ông Arnett nói.
Bình luận (0)