Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21.6, Thanh Niên giới thiệu cảm nghĩ, chia sẻ của một số gương mặt tiêu biểu đoạt giải Báo chí Quốc gia.
Thẳng như cây cau, thơm như lá trầu...
“Oscar báo chí” là cách gọi của anh chị em làm báo khi nói về giải Báo chí Toàn quốc (nay là giải Báo chí Quốc gia), cũng vì đây là giải thưởng danh giá nhất của làng báo Việt Nam.
Nhiều đồng nghiệp nói rằng, giải thưởng không quan trọng, điều quan trọng là tác phẩm của mình được công chúng đón nhận. Tôi thì nghĩ, cả hai đều quan trọng như nhau. Nếu tác phẩm vừa được công chúng đón nhận lại vừa được giải thưởng thì không còn gì bằng!
Một số đồng nghiệp khác lại cho rằng, giải thưởng chỉ chọn những tác phẩm "có vấn đề" đáp ứng với tiêu chí của giải chứ không chọn tác phẩm hay. Tôi lại nghĩ khác, nếu đọc thật kỹ những tác phẩm đoạt giải qua hằng năm thì nó có cả hai yếu tố đó.
Tôi chưa có điều kiện đọc và xem hết các tác phẩm được giải năm nay, nhưng những tác phẩm đoạt giải của Thanh Niên thì tôi đã đọc, rất thích và thấy đồng nghiệp mình ngày nay trẻ tuổi nhưng rất có tài và quan trọng hơn là biết dấn thân cho nghề nghiệp mà mình đã chọn.
Về làm phóng viên Thanh Niên được một năm thì tôi nhận được giải Báo chí Toàn quốc với tác phẩm Lê Hồng Sơn - kỳ nhân đất Hương Khê. Trước đó, khi bài báo này được in trên Thanh Niên, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã gửi thư khen Lê Hồng Sơn. Tôi nhận được rất nhiều điện thoại của bạn đọc bày tỏ sự xúc động với tấm gương của một thanh niên khuyết tật. Sau đó ít lâu, tôi cùng ra Hương Khê với một bạn đọc, anh ấy trao cho Sơn một số tiền kha khá, nhiều bạn đọc cũng chung tay giúp đỡ để Sơn có thể thực hiện ước mơ mở cơ sở nghề mộc của mình. Tác phẩm có hiệu ứng, lại được giải, đối với tôi, niềm vui như được nhân đôi.
Năm sau, tôi lại được trao giải B (không có giải A) giải Báo chí Toàn quốc với tác phẩm Chuyện chưa kể về người mẹ 30 năm trồng cây chắn cát. Mẹ Nghèng ở Quang Phú, Đồng Hới (Quảng Bình) lại được Chủ tịch nước gửi thư khen và sau đó mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Năm kế tiếp, tôi được trao giải nhất duy nhất giải Báo chí Quốc gia viết về đề tài môi trường với tác phẩm Một lão nông tài ngang... tiến sĩ. Bài báo viết về thương binh Ngô Văn Lý ở Quảng Bình nhân giống và trồng được cây huỷnh, một loại cây lấy gỗ có giá trị cao (một cây huỷnh trồng 7 năm bán giá bằng 5 ha bạch đàn). Nhiều bạn đọc khắp nơi nhờ tôi dẫn đến nhà ông Lý mua giống và bây giờ họ đều trở thành tỉ phú. Chúng tôi thường liên lạc với nhau và tôi rất vui vì mình đã làm được một việc có ích. Bây giờ ông Lý đã mất, con ông ngoài trồng huỷnh còn nhân giống và trồng bạt ngàn rừng sưa (gỗ huê đỏ) rất có giá trị.
Giải thưởng báo chí đầu tiên của tôi lúc đó (1998) 10 triệu đồng là cả một gia tài (giải năm 1999 là 15 triệu đồng và giải báo chí về môi trường năm 2000 cũng 15 triệu đồng). Thế nên, tôi hay nói vui "giải thưởng không quan trọng, quan trọng là có giải thưởng".
|
Có một điều hơi lăn tăn là hồi đó, việc tổ chức trao giải mấy lần trước chưa thật khoa học. Có lần Thủ tướng Phan Văn Khải trao, có lần Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao. Trên sân khấu rất long trọng nhưng về tìm cho được người để đổi bằng chứng nhận đúng tên mình (và nhận tiền thưởng) thì rất rắc rối. Bây giờ chắc cũng đã khác rồi.
Tôi ước mơ lễ trao giải thưởng Báo chí Quốc gia phải được long trọng hơn, hoành tráng và hấp dẫn (bất ngờ) hơn, kiểu như một Oscar của báo chí Việt Nam thì sẽ kích thích người làm nghề hơn nữa. Lúc đó, nhất định tôi phải đầu tư cho tác phẩm của mình và thử sức lần nữa. Có tác phẩm hay lại có giải thưởng, vậy thì tại sao không?
Để có giải thưởng cũng không phải là chuyện dễ. Tôi có câu chuyện riêng muốn kể thế này: Thuở nhỏ, hầu như ngày nào sau công việc đồng áng, tụi tôi lại theo mạ ra vườn. Anh em chúng tôi chìa bàn tay bé nhỏ đón nhận những lá trầu hình trái tim mạ tôi hái, bỏ vào rổ. Sáng sớm hôm sau, ngay từ tinh mơ, mạ tôi lại đội thúng trầu cau đi chợ Thùi để bán. Những lúc hái trầu, bẻ cau, mạ tôi thường nói: “Các con à, lòng tốt con người thẳng như cây cau, thơm như lá trầu xanh...”.
Để lá trầu xanh và thơm, cây cau thẳng và sung sức, mỗi sáng tinh mơ mạ múc cạn cả một giếng nước tưới vườn. Lời mạ theo suốt cuộc đời cầm bút của tôi. Tôi tự nhủ lòng mình, đừng bao giờ nguôi đi khát vọng, nguôi đi niềm say mê, nguôi đi tình yêu nghề nghiệp...
Tôi đau đáu nỗi lo “thân cau” đời mình còi cọc, “lá trầu” trong ngực mình không xanh tươi như mạ hằng mong, tôi lo giếng nước vườn lòng mình khô cạn, tôi lo mình không làm được như lời mạ dặn ngày xưa...
PV Hoài Nam, giải B (không có giải A) Báo chí Quốc gia 2011 thể loại điều tra, với loạt bài Tinh luyện dầu ăn bằng chất tẩy rửa: Nhập vai để điều tra Đầu năm 2011, tôi tình cờ nghe được câu chuyện của những người chiên đậu hũ và chả cá "mua dầu không mùi rất kinh tế vì chiên đi chiên lại nhiều lần tới cạn dầu mà vẫn không bị đen". Bán tín bán nghi, tôi đã âm thầm đeo bám lái dầu khi người này đến giao dầu cho một cơ sở chiên đậu hũ ở quận Thủ Đức, phát hiện cơ sở tinh luyện dầu Thái Thành (879/56/18 hương lộ 2, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân) là cơ sở tinh luyện dầu đen thành dầu không mùi.
Sau khi lên nhiều phương án, tôi chọn đóng vai lái dầu để thâm nhập lấy bằng chứng. Do cơ sở Thái Thành quá cảnh giác, nên phải mất 7 tháng đeo bám, tôi mới có đủ bằng chứng khẳng định cơ sở Thái Thành tinh luyện dầu ăn bằng chất tẩy rửa, bán ra thị trường hàng chục tấn/tháng, gây nguy hiểm cho người sử dụng... PV Tiến Trình, giải B (không có giải A) ảnh Báo chí Quốc gia 2011, với chùm ảnh Dồn sức hộ đê cứu lúa: Góc nhìn về những người hùng Cuối tháng 9.2011, tin hàng loạt con đê bảo vệ ruộng vườn, nhà cửa của người dân “thất thủ” làm cánh nhà báo miền Tây không khỏi sửng sốt. Tôi đến với “điểm nóng” Kinh 7, xã Ô Long Vĩ (Châu Phú, An Giang) giữa lúc lũ dữ đang chiếm thế thượng phong, cuồn cuộn tràn vào nhấn chìm mùa màng, nhà cửa...
Giữa dòng nước hung hăng, những chiếc xáng cạp được điều tới cắm cọc xây bờ ngăn lũ đã rất khó khăn để không bị cuốn trôi, vậy mà nhiều người dân vẫn đưa những chiếc xuồng mỏng manh cùng lực lượng chức năng vá đê. Trong số đó, nhiều nhà cửa đang bị lũ nhấn chìm, cũng không ít người ở vùng an toàn, song tất cả đều xả thân chống lũ. Thay vì chọn cách tác nghiệp dễ nhất là đứng bên đây bờ ghi lại hình ảnh chống lũ, tôi quá giang xuồng qua sông để tác nghiệp cùng hướng với những con người xả thân chống lũ. Quyết định đối mặt hiểm nguy để ghi hình lúc ấy không phải tôi muốn có “cảm giác mạnh”, càng không nghĩ đến chụp ảnh để đi dự giải. Đơn giản, tôi muốn bạn đọc Thanh Niên có thêm góc nhìn về những người xông pha chống lũ dữ, đó là những người đáng được sẻ chia, nể trọng mà tôi gọi họ là những người hùng. PV Káp Thành Long, giải C Báo chí Quốc gia 2011 thể loại phản ánh, với loạt bài Gian nan cuộc chiến giữ than: Môi trường cho nhà báo trẻ Tôi tốt nghiệp đại học năm 2005 và tháng 9 năm ấy trở thành phóng viên Báo Thanh Niên. Đến nay, sau 7 năm làm báo đã cho tôi cơ hội đặt chân đến cả 63 tỉnh thành của đất nước, được đến những nơi địa đầu từ Trường Sa đến Lũng Cú, từ Lai Châu đến mũi Cà Mau...
7 năm làm ở báo cũng cho tôi biết bao cảm xúc, từ những máu lửa hăng hái của cậu sinh viên mới ra trường khi tham gia chuyên án bán độ tại SEA Games 23 cuối năm 2005 đến giai đoạn đầu của vụ PMU 18. Rồi cả những lo lắng, trăn trở và đau đớn khi nhìn đồng nghiệp vướng vòng lao lý hậu PMU 18. Và hôm nay, niềm vui đến bất ngờ khi loạt bài Gian nan cuộc chiến giữ than của tôi và anh Thái Sơn đoạt giải Báo chí Quốc gia. Cảm ơn Thanh Niên đã cho tôi cơ hội để rèn luyện và trưởng thành, để một cậu sinh viên mới ra trường có cơ hội để dám nghĩ và dám làm những đề tài lớn. Tôi vẫn thường nói với các em sinh viên hay những phóng viên mới vào tòa soạn, Thanh Niên là một môi trường tuyệt vời cho những người trẻ. |
Nguyễn Thế Thịnh
>> Cha, con và ảnh báo chí
>> Lễ kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí Cách mạng VN
>> Kỷ niệm 87 năm ngày Báo chí Cách mạng VN
>> Báo Thanh Niên đoạt 5 giải Báo chí Quốc gia
Bình luận (0)