Phụ huynh cần sổ liên lạc điện tử?

09/11/2009 12:04 GMT+7

Những thông tin về học tập, sinh hoạt tại trường của học sinh được thông qua hệ thống tổng đài, báo đến phụ huynh mỗi ngày bằng tin nhắn trên điện thoại di động “Hôm nay, học sinh không thuộc bài, thường xuyên nói chuyện riêng và không tập trung trong giờ học...”. Đó là tin nhắn qua điện thoại di động mà chị Nhung, phụ huynh của một học sinh lớp 9A10 Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1 - TPHCM, nhận được tuần qua.

Hai vợ chồng cùng đi làm nên chị không có nhiều thời gian theo sát con nhưng qua tin nhắn này, chị phải lưu tâm đến chuyện học hành của con. Theo chị, hình thức sổ liên lạc... điện tử này rất thiết thực.

Như luôn bên cạnh con  

Chị Nhung giải thích: “Không ai có thể theo sát con khi chúng đến trường nhưng thông qua sổ liên lạc điện tử, phụ huynh biết được việc học hành và các sinh hoạt khác của con mỗi ngày, y như lúc nào cũng ở bên cạnh con vậy”. Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, cũng rất tâm đắc với sổ liên lạc điện tử. Bà cho biết từ cuối năm học vừa qua, hằng ngày, bà đều nhận được thông tin học tập, sinh hoạt của đứa cháu ngoại học tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1. Những tin nhắn như: “Điểm kiểm tra toán 10, tiếng Việt 10. Hôm nay bé ăn cơm khoai mỡ, ăn khỏe, tập bóng bàn tốt...” đã làm yên lòng bà khi ở nhà.

Bác sĩ Phượng cho rằng nhu cầu sử dụng sổ liên lạc điện tử cần ở tất cả các bậc học nhưng cần thiết hơn đối với học sinh lớn và chưa ngoan. Đối với phụ huynh bận chuyện làm ăn không có điều kiện theo sát con thì thông tin họ nhận được mỗi ngày về tình hình học tập của con mình ở trường là rất quý giá. Ở đối tượng này, phụ huynh cần nắm bắt thông tin hằng ngày để kịp thời dạy dỗ các cháu. Ông  Bùi Duy Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, kể nhiều phụ huynh khi nhận được thông tin chưa tốt về con mình liền trực tiếp đến trường hoặc ở xa thì gọi điện thoại đến trường để trao đổi, phối hợp trong việc giáo dục học sinh. Vì những tiện ích trên, ngày càng nhiều phụ huynh tham gia sử dụng sổ liên lạc điện tử. Thống kê tại Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo cho thấy có khoảng 80% phụ huynh tham gia; tại Trường Tiểu học Kết Đoàn, quận 1 có khoảng 50%... Phí tham gia dịch vụ này là 50.000 đồng/tháng/học sinh. Sở GD-ĐT TPHCM cho biết phụ huynh nào có nhu cầu thì tham gia, không bắt buộc.

Cần chú ý tâm lý học sinh

Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết ngành giáo dục vẫn thực hiện sổ liên lạc truyền thống mỗi tháng một lần nhằm thông báo tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh. Nhưng hiện nay, phụ huynh có nhu cầu được thông tin thường xuyên hơn, trong khi chỉ những trường hợp nào cá biệt, nhà trường mới mời phụ huynh đến làm việc. Những vấn đề khác của học sinh như học tập có dấu hiệu đi xuống, chưa tập trung trong giờ học ở một số tiết... cũng cần thông báo kịp thời, trực tiếp cho phụ huynh nhưng nếu gọi điện thoại quá nhiều thì cũng “kẹt” cho giáo viên nên hình thức sổ liên lạc điện tử là phù hợp và nhanh chóng, kịp thời.

Tuy có nhiều tiện lợi nhưng theo bà Hoàng Thị Hồng Hải, nguyên trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Phú - TPHCM, cũng cần chú ý đến tâm lý học sinh. Nhiều em rất nhạy cảm khi có cảm giác nhất cử, nhất động của mình đều có thể bị phản ánh đến cha mẹ, từ đó tạo tâm lý không thoải mái cho các em.

Bà Hải cho rằng việc sử dụng sổ liên lạc điện tử nên có liều lượng vừa phải và tùy đối tượng. Đối với học sinh chưa ngoan hoặc thay đổi bất thường thì nên thông báo với phụ huynh qua sổ liên lạc điện tử.Với học sinh ngoan và đang có sự tiến bộ thì một tuần thông báo một lần là đủ.

Theo Huy Lân (Người Lao Động)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.