Tôi gọi Phú Mỹ Hưng là “khu đô thị không ích kỷ” cũng vì lẽ đó.
Đầu tiên, Phú Mỹ Hưng không phải là một khu đô thị khép kín, không bị bao bọc bởi những tường rào khô khốc hay những thanh chắn vô hồn như nhiều khu dân cư, khu đô thị mới khác. Ngoài ranh giới tự nhiên là những dòng sông, Phú Mỹ Hưng không tự tạo cho mình một ranh giới nào với các khu vực lân cận. Các cửa ngõ kết nối vào Phú Mỹ Hưng đều rộng lớn và thông thoáng, đó là đại lộ Nguyễn Văn Linh (trục Đông - Tây) và đại lộ Nguyễn Lương Bằng (trục Bắc - Nam), mang đến cảm giác về một Phú Mỹ Hưng luôn mở rộng vòng tay chào đón tất cả mọi người.
Đi cùng với sự “mở” về địa lý chắc chắn sẽ là những áp lực về cơ sở hạ tầng và tiện ích xã hội. Tuy nhiên, có đi sâu vào bên trong, có khám phá Phú Mỹ Hưng, ta sẽ thấy được chủ đầu tư khu đô thị này đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào cho sứ mệnh trở thành một khu đô thị của cộng đồng.
Sự chuẩn bị có lẽ đã bắt đầu từ trong quy hoạch. Ngoài những khu để ở, ta dễ dàng nhận ra những phân khu chức năng khác của Phú Mỹ Hưng như khu y tế, khu tài chính - thương mại, khu văn hóa - giải trí ... qua những bệnh viện lớn (Tâm Đức, FV), qua hệ thống các ngân hàng (HSBC, ANZ, Agribank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, ACB, Techcombank ...) và qua các thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới (Unilever, Toyota, Mercedes Benz, BMW, Vinamilk, Manulife, Petroland, KFC, Circle K, Burger King, Co.op Mart, Hoàng Yến, Di Bửu...). Những tiện ích, những dịch vụ đó, tất nhiên không chỉ dành để phục vụ cho cư dân Phú Mỹ Hưng mà còn cho bất cứ ai có nhu cầu.
Thử một chiều cuối tuần nào đó dạo bước trong Phú Mỹ Hưng, bạn sẽ thấy được thế nào là một khu đô thị dành cho tất cả. Người già tập dưỡng sinh trong công viên. Trẻ em vui chơi trên đồi cỏ. Từng đôi nam thanh nữ tú sánh bước bên Hồ Bán Nguyệt, cầu Ánh Sao. Nhiều gia đình đưa nhau vào Crescent Mall mua sắm, ăn uống, xem phim... Hãy thử tiếp cận và làm quen với những người đó, tôi dám cá với bạn rằng không quá 10% trong số họ là cư dân Phú Mỹ Hưng. Chẳng hề gì, những công viên, cầu Ánh Sao, Hồ Bán Nguyệt, Crescent Mall... từ lâu đã là “tài sản” chung của người dân thành phố. Năm 2013, trong một cuộc bình chọn do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức, cầu Ánh Sao đã được chọn vào danh sách “100 điều thú vị của TP.HCM”.
Không chỉ dừng lại ở cơ sở hạ tầng và tiện ích xã hội, Phú Mỹ Hưng còn thể hiện sự “phóng khoáng” với tất cả mọi người qua những chương trình, sự kiện do mình tổ chức. Điểm qua những chương trình, sự kiện của Phú Mỹ Hưng mà tôi từng tham gia (hoặc biết), chưa bao giờ tôi thấy có sự giới hạn hay phân biệt giữa người ở ngoài và cư dân của khu đô thị. Đêm nhạc Trịnh Công Sơn: ai đến cũng được tặng vé. Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng: miễn phí cho tất cả khách tham quan. Ngày hội Phú Mỹ Hưng - Hướng về trẻ em: mở cửa tự do, bé nào đến chơi cũng có quà mang về. Đặc biệt, chương trình Đi bộ từ thiện Lawrence S. Ting, dù được tổ chức trong khu đô thị, nhưng đối tượng thụ hưởng lại là những đồng bào nghèo ở các quận, huyện vùng ven.
Rõ ràng, nhân cách hóa mà nói, Phú Mỹ Hưng đã mang trong mình những tính cách đặc trưng của con người và vùng đất Sài Gòn - Nam bộ: phóng khoáng và hào sảng.
Từ những tính cách đó mà tôi, và nhiều người dân Sài Gòn khác, luôn tự hào khi gửi lời mời đến những người bạn phương xa: “Khi nào bạn đến Sài Gòn, nhất định sẽ đưa bạn đi tham quan khu đô thị Phú Mỹ Hưng”.
Bình luận (0)