Phụ nữ trong gia đình thời hiện đại: Tam tòng hay bình đẳng?

15/10/2006 10:09 GMT+7

Trong gia đình, có thể nói mối quan hệ vợ - chồng là mối quan hệ “chủ đạo”, không phải chỉ vì nó là mối quan hệ được thiết lập đầu tiên để tạo nên một “tổ chức” gọi là gia đình, mà còn vì nó là mối quan hệ sẽ chi phối toàn bộ các mối quan hệ khác (quan hệ cha mẹ - con cái, quan hệ anh – chị - em) trong quá trình tồn tại và phát triển của “tổ chức” này.

Tam tòng
 
Lịch sử gia đình Việt Nam khoảng 40-50 năm trở về trước, quan hệ vợ - chồng được thiết lập trên một cái nền quan niệm về đức hạnh của người phụ nữ: Người phụ nữ phải là người “tam tòng”: khi còn ở với cha mẹ thì phải phục tùng cha, khi đi lấy chồng phải phục tùng chồng và nếu chồng chết thì phải theo sự sắp đặt của con trai. Quan niệm này cho đến ngày nay vẫn còn được “vận dụng”, khi không chỉ ở các vùng thôn quê mà ngay cả ở những nơi đô thị hằng ngày hằng giờ tiếp thu văn hóa văn minh hiện đại, vẫn còn rất nhiều người phụ nữ cả đời không dám trái ý chồng, cho dù đó là sự áp đặt trong cả chuyện chăn gối. 

Theo thống kê của Trung tâm tư vấn Gia đình và ly hôn (FDC – trực thuộc T.Ư Hội KHHGĐ Việt Nam), trong vòng 2 tháng, trong số 107 ca tư vấn đề ly hôn thì có tới 29,1% người vợ muốn ly hôn vì chồng gia trưởng, bạo hành. Trên thực tế, số phụ nữ đang chung sống với những người đàn ông có thói gia trưởng, bạo hành còn lớn hơn nhiều. Từ mối quan hệ “chồng chúa vợ tôi” dẫn đến việc “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, không chỉ ở chuyện hôn nhân mà ngay cả việc lựa chọn tương lai của con cái cũng đều phải theo sự xếp đặt của cha mẹ.

Bình đẳng
 
Giới trẻ 5-10 năm trở lại đây hầu như không còn chấp nhận những cuộc hôn nhân dựa trên nền quan niệm ấy nữa. Họ không chấp nhận, không phải chỉ vì những người phụ nữ đòi quyền bình đẳng, mà còn vì đàn ông cũng không muốn làm “chúa” nữa khi không muốn hoặc không thể gánh vác vai trò “trụ cột gia đình”. Phụ nữ ngày nay, có gia đình rồi vẫn được tự do với các mối quan hệ xã hội bên ngoài, tự do tìm kiếm hay đón nhận cơ hội nghề nghiệp, tự do quyết định các vấn đề tài chính; trong khi đàn ông lập gia đình rồi nhưng vẫn như chưa vướng bận gì vì không phải oằn vai, nhăn trán mang gánh nặng kinh tế gia đình. Quan hệ vợ - chồng, vì thế dễ chịu hơn, không ai ép được ai và cũng không ai phải chịu lép vế với ai. Nhưng, cũng chính vì lẽ đó, họ chia tay nhau quá dễ dàng! Chỉ một lời nói, cử chỉ cảm thấy bị xúc phạm là họ sẵn sàng ký vào tờ đơn ly hôn mà không chút lo ngại cho cuộc sống ngày mai, vì họ đâu phải phụ thuộc vào ai! Và do vậy, có vẻ như những đứa trẻ ngày nay ít bị “sốc” khi cha mẹ chúng ly hôn. Trong khi đó 40-50 năm trước, chuyện cha mẹ bỏ nhau, đối với con cái, gần như là điều không thể xảy ra.

Mặt trái

Tấm huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Những quan niệm sống kiểu như trên cũng vậy. Những người theo "chủ nghĩa" "tam tòng" thì cho rằng gia đình phải có tôn ti trật tự, trên bảo dưới phải nghe và người "cầm trịch" không ai khác phải là người thuộc phái mạnh. Nhưng, cùng với sự tiến bộ của xã hội, phụ nữ ngày nay không còn là những người chỉ quanh quẩn với góc nhà, mảnh vườn nữa. Được học hành chung với nam giới, họ có cơ hội bộc lộ hết năng lực của mình. Và thực tế cho thấy, trên tất cả mọi lĩnh vực, sánh ngang với nam giới, phụ nữ đều có thể tham gia, làm tốt, thậm chí còn tốt hơn cả phái mạnh. Mà đã như vậy thì họ đâu thể chịu cứ phải nghe theo sự sắp đặt của người khác, nhất là khi đó lại là một sự sắp đặt không hợp lý! Thêm nữa, một "trật tự" thiếu dân chủ trong gia đình đã và sẽ còn phải nhận lãnh những hậu quả khôn lường khi sự ức chế tâm lý đạt đến đỉnh điểm. Đó là việc: khi người phụ nữ tìm được cơ hội "vùng lên" (như kiếm được tiền hay tìm được người một người có thể tâm tình, giải tỏa) thì sự xào xáo trong gia đình là khó tránh khỏi; khi những đứa con bị ép buộc phải học cái này, phải quan hệ với người kia, bị cấm không được làm việc nọ... sẽ tìm mọi cách để giải thoát cho mình bằng việc bỏ nhà đi, tìm đến ma túy hay những cuộc chơi thác loạn để "quên sự đời", thậm chí tìm đến cái chết v.v...

Ngược lại, quan niệm bình đẳng theo kiểu "tiền anh anh tiêu, tiền tôi tôi quản", ai làm việc của người nấy, không ai phải có nghĩa vụ lo lắng hay chăm sóc cho người kia; việc chăm sóc, dạy bảo con cái thì mỗi người một phần, bỏ tiền thuê người đảm nhiệm; không có người được đưa ra quyết định cuối cùng và nếu có sự chưa thống nhất thì ai cũng có quyền thực hiện theo ý mình; con cái muốn học gì, chơi với ai là tùy nguyện vọng và sở thích... Thế mới có chuyện con muốn một thứ gì, hỏi xin bố không được thì xin mẹ chắc sẽ xong, rồi đến khi con "xảy ra chuyện" cả bố lẫn mẹ đều "té ngửa" không biết vì đâu và từ bao giờ. Thế mới có chuyện cằn nhằn, cắn nhả nhau ngày này qua tháng khác chỉ vì những việc kiểu "em nấu cơm sao anh không chịu rửa bát", rồi đến một lúc cả nhà ra tiệm ăn cho... đỡ mất công. Thế mới có chuyện người vợ mải lo công tác, kinh doanh giao phó việc nhà cho người giúp việc, đến khi trở về thì thấy chồng mình đã có người "nâng khăn sửa túi" khác mất rồi! Bình đẳng kiểu ấy, hai chữ "gia đình" biết giữ được không?

Và dung hòa

Có một thời gian dài chúng ta đã muốn "vươn tới" việc xây dựng mô hình gia đình theo kiểu bình đẳng Tây u. Nhưng cho đến hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu đã đưa ra những bằng chứng cho rằng người phương Tây lại đang muốn "du nhập" những ưu thế của mô hình gia đình truyền thống của người phương Đông chúng ta. Điều đó chứng tỏ rằng mỗi kiểu gia đình có những ưu điểm nhất định. Vậy thì dại gì ta lại không làm cái việc như người xưa từng nói là "gạn đục khơi trong". Cũng chẳng đến nỗi khó khăn như kiểu "đãi cát tìm vàng", khi có một sự nhận thức đúng đắn trong các quan niệm "phục tùng" và "bình đẳng".

Hai chữ "phục tùng" thật rõ nghĩa: có "phục" thì mới "tùng". Muốn người khác nghe theo mình thì bản thân mình phải giỏi, và ngược lại. Nhưng một cá nhân không thể "thập toàn" được. Vì thế nên chăng, trong gia đình, căn cứ vào năng lực của mỗi người mà có sự "phân chia quyền hạn" một cách tương đối. Mỗi người "phụ trách" một vấn đề và người phụ trách có quyền đưa ra quyết định cuối cùng trong lĩnh vực mà mình phụ trách. Như vậy, chẳng ai phải chịu "lép" và cũng không ai có quyền tối thượng cả, mà mọi việc trong gia đình sẽ được giải quyết theo cách tối ưu khi nó được giao cho đúng người có năng lực.

Còn "bình đẳng" thì sao? Người viết còn nhớ một câu nói đùa của một đấng nam nhi: "Các bà cứ đòi bình đẳng. Đấy, đàn ông cởi trần ra đường, các bà cũng làm vậy đi cho bình đẳng!". Một câu nói đùa nhưng rõ ràng cũng có điều cần phải suy ngẫm. Ở đâu đó người ta nói rằng con đường đi đến trái tim người đàn ông đi qua cái bao tử. Đây có thể xem là một kinh nghiệm khá "đắt" trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình mà những người phụ nữ của gia đình nên biết. Tuy nhiên, không phải và không thể lúc nào việc chăm lo cho hoạt động của cái bao tử của các thành viên trong gia đình lúc nào cũng là người phụ nữ. Bình đẳng, cũng không nên hiểu là kiểu "em nhặt rau, anh quét nhà", mà là khi người phụ nữ được quyền đi ra ngoài làm việc kiếm tiền thì cũng hãy để cho người đàn ông có quyền trở thành người nội trợ trong gia đình. Và đối với sự ổn định, bền vững của gia đình, đây là hai trách nhiệm nặng nề ngang nhau.

Như trên đã nói, việc phân chia công việc trong gia đình theo năng lực của mỗi người vừa duy trì được một sự "phục tùng" nhất định, vừa loại bỏ sự lạc hậu trong mối quan hệ "chồng chúa vợ tôi" vốn gây nhiều thiệt thòi cho chị em phụ nữ, và đây cũng chính là một thể hiện của sự tôn trọng lẫn nhau - một khía cạnh của tính bình đẳng trong quan hệ gia đình.

Như vậy, có thể thấy mối quan hệ vợ chồng muốn bền vững và tốt đẹp, ngoài tình yêu còn cần một sự công nhận - bao gồm đánh giá đúng và tạo điều kiện phát huy - năng lực của nhau. Theo đó, người vợ không luôn luôn phải "tòng phu" và người chồng cũng không nhất thiết phải để vợ cùng... cởi trần ra đường như mình (để cho bình đẳng).

K.H

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.