“Phù phép” bán nhà sở hữu nhà nước: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

05/04/2013 03:40 GMT+7

Ông Trần Ngọc Cư, Chánh thanh tra tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết sau khi có kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh đã có công văn đồng ý chuyển hồ sơ cho Cơ quan điều tra Công an tỉnh để điều tra làm rõ.

Phi vụ bán nhà đất số 24 Phan Đăng Lưu (P.Phú Hòa, TP.Huế) được xem là điển hình của sự “phù phép”, gây xôn xao dư luận. Ngay sau khi được giải quyết mua khu nhà trên với giá chỉ hơn 260 triệu đồng, các hộ liên quan đã bán lại giá 2,1 tỉ đồng.

 “Phù phép” bán nhà sở hữu nhà nước: Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
Nhà đất 46 Hồ Xuân Hương, dù đang tranh chấp nhưng cũng bị “phù phép” đưa vào diện nhà thuộc sở hữu nhà nước để bán theo Nghị định 61/CP - Ảnh: Gia Tân

Ngôi nhà này có 4 tầng với tổng diện tích sàn 144 m2 (diện tích đất 37 m2), từng được bố trí cho Công an P.Phú Hòa làm nhà ở cho cán bộ, chiến sĩ. Đến năm 2008 có 3 hộ Lê Hữu Khánh (cán bộ Công an P.Phú Hòa), ông Phạm Minh Hòe và ông Phan Văn Toàn đang ở. Khi Hội đồng bán nhà ở lập phương án bán cho 3 hộ trên thì không được HĐND tỉnh thông qua vì diện tích mỗi căn hộ quá nhỏ, không bảo đảm điều kiện sinh hoạt. Để mua được nhà, 3 hộ trên thỏa thuận cử ông Lê Hữu Khánh đứng ra mua và ngày 31.5.2010 ông Khánh mua được với giá 262.988.532 đồng. Trong khi ông Khánh trước đó có hộ khẩu tại 151 Trần Hưng Đạo (cùng P.Phú Hòa, TP.Huế) và chỉ mới chuyển đến số 24 Phan Đăng Lưu ngày 7.12.2004, cũng không thuộc đối tượng được mua nhà theo quy định của Nghị định 61/CP.

Sau khi mua được nhà, ông Khánh ký hợp đồng bán lại cho ông Toàn với giá 1,2 tỉ đồng nhưng theo hợp đồng đặt cọc thì “giá thực” là 2,1 tỉ đồng và số tiền này được chia đều cho cả 3 hộ.

Bán cả nhà đang tranh chấp

Không dừng lại ở đó, nhiều nhà đang tranh chấp, nhà chưa thuộc sở hữu nhà nước cũng được giải quyết… bán luôn theo Nghị định 61/CP.

Chẳng hạn, nhà số 46 (số cũ là 14) Hồ Xuân Hương (P.Phú Hiệp), do ông Dương Tự Đề mua lại của vợ chồng ông bà Lê Kinh và Nguyễn Thị Đông vào năm 1942. Sau khi ông Đề mất, khuôn viên nhà đất này được giao lại cho hai người con là GS Dương Thiệu Tống và bà Dương Thị Ái Lan bảo quản thờ tự. Năm 1965, GS Dương Thiệu Tống vào TP.HCM công tác nên đã nhờ ông Vũ Quang Vinh (trú tại chùa Tăng Quang, số 1/1 Nguyễn Chí Thanh) trông coi. Năm 1976, ông Tống cho ông Hoàng Văn Huân ở không có điều kiện. Năm 1979, ông Huân có nhà ở nơi khác nên đã giao ngôi nhà này lại cho Phòng Quản lý nhà đất tỉnh Bình Trị Thiên quản lý. Ngày 4.9.1979, UBND tỉnh Bình Trị Thiên có quyết định tạm cấp ngôi nhà này cho ông Đào Dưng (nguyên Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Thuận An) và vợ là Nguyễn Thị Bao. Trong các năm 1988 - 1992, GS Dương Thiệu Tống đã có đơn khiếu nại gửi TAND TP.Huế, nhưng sau nhiều lần giải quyết vẫn không thành.

Trong lúc chờ giải quyết tranh chấp, Sở Xây dựng có công văn gửi Trung tâm nghiệp vụ hành chính công TP.Huế đề nghị chưa xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Bao (lúc này ông Đào Dưng đã chết). Tiếp đó, Hội đồng tư vấn giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp của tỉnh cũng có công văn đề nghị UBND tỉnh không xem xét việc xin hợp thức hóa nhà của đương sự.

Thế nhưng đến cuối tháng 5.2010, ngôi nhà cũng được chia 3 và bán luôn cho 3 hộ, với giá chưa đến 50 triệu đồng. Ngay sau đó, cả 3 hộ này cũng đã bán ngay cho người khác với tổng giá trị trên hợp đồng chuyển nhượng là 773.200.000 đồng.

Ngoài ra, còn nhiều khu nhà đất khác chưa được xác lập sở hữu nhà nước nhưng cũng đã bán tháo cho 149 hộ.

Bùi Ngọc Long

>> “Phù phép” bán nhà sở hữu nhà nước
>> Khởi tố 14 nghi phạm lừa đảo mua bán nhà đất
>> Bán nhà chính sách
>> Lãnh án vì lừa bán nhà đất ảo
>> Lừa bán nhà hóa giá, chiếm gần 20 tỉ đồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.