Nguyên bản ngôi nhà cụ Tôn Thất Đạm là kiến trúc nhà rường mẫu ở kinh đô Huế thời Nguyễn. Ngôi nhà được dựng khoảng năm 1885 ở xã Xuân Long, TP.Huế. Đáng chú ý, trong các đồ nội thất, có chiếc ghế gỗ sưa được ban tặng thời vua Khải Định và nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá được công nhận là di vật bảo tồn quốc gia. Ông Lê Văn Vĩnh sưu tầm được ngôi nhà cổ này thông qua một thương lái mua nhà cổ Huế năm 1999. Sau đó, ông Vĩnh dành hơn 10 năm tiếp tục sưu tầm họa tiết hoa văn, các cấu kiện hư hỏng… của nếp nhà; thêm 3 năm kết hợp với nghệ nhân làng mộc Mỹ Xuyên (Huế), mộc Kim Bồng và mộc Văn Hà (Quảng Nam) phục dựng ngôi nhà; trong nhà có phủ thờ cụ Tôn Thất Đạm, tại Bảo tàng nhà Việt ở Vinahouse. Ngôi nhà đã mở cửa đón du khách đến thăm.
Cụ Tôn Thất Đạm (1864 - 1888) quê ở xã Xuân Long, TP.Huế (Thừa Thiên-Huế), từng đảm nhận chức vụ Khâm sai chưởng lý quân vụ đại thần triều đình Huế, là con của quan Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết. Từ tháng 2.1886 - 10.1888, cụ Tôn Thất Đạm được cha giao nhiệm vụ cùng với người em (Tôn Thất Thiệp) bảo vệ vua Hàm Nghi. Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt, Tôn Thất Đạm chọn cái chết tại Nghệ Tĩnh để tận trung với vua, lúc mới 24 tuổi.
Bình luận (0)