Đến sân bay quốc tế Phuket thì trời đã nhá nhem tối. Có thể thấy sân bay không quá đông đúc như tôi vẫn tưởng về một sân bay quốc tế ở thành phố du lịch như Phuket. Theo một nhân viên sân bay, đây là thời điểm du lịch, mọi bữa sân bay Phuket lúc nào cũng tấp nập khách du lịch nhưng kể từ sau thảm họa sóng thần số lượng du khách giảm hẳn. Hôm sau, có dịp rảo bộ trên đường phố Phuket, tôi thấy hàng quán ở đây đóng cửa khá sớm, độ chừng 9h30 – 10h tối. Riêng ở bãi biển Patong - nơi bị sóng thần tàn phá nặng nề nhất, các loại hình dịch vụ du lịch đã được khôi phục gần như 80%, song đâu đó vẫn còn thấy một nét gì đó hoang tàn.
Theo người dân ở đây, du khách cũng đã bắt đầu quay trở lại bãi biển. Một số tò mò muốn xem bãi biển như thế nào sau cơn thịnh nộ của đại dương, trong khi số khác đơn thuần chỉ là đến để nghỉ mát cùng gia đình. Tôi thử hỏi một du khách Mỹ tên Dane rằng sao ông không sợ khi đến Phuket - nơi số người thiệt mạng đa số là du khách nước ngoài. Dane cho biết ông không bận tâm chuyện này lắm và sóng thần thì lâu lâu mới xảy ra thôi! Ông muốn được tận hưởng không khí của biển cả. Hỏi thêm nhiều du khách khác, tôi nhận thấy khá nhiều du khách có cùng suy nghĩ giống Dane.
Trong buổi lễ chỉ đạo một cuộc diễn tập di tản sóng thần tại bãi biển Patong hồi hạ tuần tháng 4, Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cho biết sẽ có nhiều cuộc diễn tập như vậy diễn ra trong thời gian tới và yêu cầu người dân không nên xem thường. Ông cho hay: “Có thể mọi người sẽ cảm thấy khó chịu nhưng khi sự việc xảy ra thì mới thấy các cuộc diễn tập có ích thế nào.” Ngài thủ tướng cũng khẳng định nhiều cuộc diễn tập sẽ giúp Thái Lan lấy lại lòng tin nơi du khách, từ đó giúp khôi phục ngành du lịch trong nước. Riêng Thứ trưởng Nội vụ S.Pongpanit cho biết các trường học ở Phuket sẽ đưa môn học về sóng thần vào chương trình học của trường. Học sinh sẽ được học cách “chung sống với nguy hiểm” để họ có thể tự giúp mình cũng như nhiều người khác khi thiên tai xảy ra.
Ngày mai trời lại sáng
Xác con tàu được dựng làm tượng đài ở làng Ban Nam Khem, Khao Lak - nơi sẽ trở thành nhà bảo tàng trưng bày các hiện vật liên quan tới sóng thần trong tương lai
Cùng ngày, chúng tôi lên xe đi thăm Khao Lak, thuộc tỉnh Phang Nga - nơi sóng thần càn quét không thương tiếc. Trên đường đến Khao Lak, chúng tôi thấy quang cảnh ở đây mới xác xơ thế nào. Anh hướng dẫn viên của Trung tâm Cứu trợ di động thuộc FES cho biết, trước đây đi trên đường phố ở Khao Lak, du khách khó có thể nhìn thấy biển vì các khách sạn, nhà hàng, khu nghỉ mát mọc san sát 2 bên đường, che khuất tầm nhìn của du khách. Vậy mà lần này ngồi trên xe, chúng tôi có thể thấy rõ mồn một làn nước xanh trong của bãi biển ở Khao Lak. Hai bên đường lác đác vài khách sạn đã bị sóng thần phá nát chỉ còn trơ trọi khung nhà trống trơn. Đến làng chài Thai Mai, thuộc huyện Tap Tawan - một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề nhất ở Khao Lak, chúng tôi mới thấy khung cảnh tan hoang thế nào. Toàn bộ nhà cửa, tàu thuyền - phương tiện kiếm sống chủ yếu của người dân trong làng - đã bị sóng thần hủy hoại. Sau thiên tai, chính phủ Thái Lan dựng các trại cứu tế tạm thời cho những người bị nạn. Đến làng, chúng tôi thấy thanh niên trong làng hùng hục đóng tàu. Ngư ông Wan Chai buồn bả kể lại làng của ông có đến hơn 100 người thiệt mạng. Làng có 17 tàu đánh cá thì tất cả đã bị sóng thần phá hủy. Chai cho hay một số tổ chức từ thiện của Mỹ đã hỗ trợ chi phí đóng tàu. Theo ông Chai, chi phí đóng một chiếc tàu là từ 200.000-300.000 baht (khoảng 5.000-7.000 USD), mất từ 10- 15 ngày.
Rời làng Thai Mai, chúng tôi lên đường đi đến làng đánh cá Ban Nam Khem (BNK) ở vùng Ta Kua Pa, thuộc tỉnh Phang Nga. Trên đường vào làng chúng tôi thấy rõ sự đổ nát của ngôi làng sau thảm họa. Chúng tôi còn thấy hẳn xác một con tàu được chính quyền ở đây dựng làm tượng đài. Theo anh hướng dẫn viên, tại xác con tàu này mai mốt sẽ mọc lên một nhà bảo tàng để trưng các hiện vật liên quan đến thảm họa sóng thần vừa qua. BNK hình thành cách đây khoảng đâu 4 thập niên. Có khoảng 1.600 hộ gia đình với dân số ngấp nghé 5.000-6.000 người. Đây là một trong những làng đánh cá lớn nhất ở Thái Lan với khoảng 420 tàu đánh cá. Thế nhưng gần như tất cả đã bị nát tan cùng với nhiều nhà cửa của cư dân trong làng. Được biết có khoảng gần 2.000 người tại làng đã thiệt mạng hay mất tích trong thảm họa vừa qua. Khoảng 1.100 hộ gia đình còn lại hiện sống trong một số trại cứu tế tạm thời ở Ta Kua Pa. Những người này đang chờ quân đội Thái Lan dựng lại nhà mới, dự kiến sẽ hoàn thành trong vài tháng tới. Quân đội lên kế hoạch xây dựng 800 nhà.
Thảm họa sóng thần đã qua đi nhưng nỗi khắc khổ vẫn còn đọng lại trên khuôn mặt của người dân 2 làng chài tôi có dịp ghé thăm. Thế nhưng, họ luôn động viên nhau cố hoàn thành xong công việc đóng tàu để có thể sớm quay trở lại với biển cả. Mọi nỗi đau rồi cũng sẽ qua đi, tôi hy vọng người dân làng chài Thai Mai, BNK và cũng như những nơi khác sẽ sớm vượt qua giai đoạn đầy khó khăn và thử thách này.
Châu Yên
Bình luận (0)