'Phùng Quán & tôi' - kỷ niệm trong trí nhớ bạn bè

27/12/2020 10:36 GMT+7

“Có lẽ một ngày gần đây mình sẽ tan biến đi đâu đó, và câu chuyện “Phùng Quán” chỉ còn là chuyện đùa vui hài hước - một chút kỷ niệm trong trí nhớ bạn bè…”

Đó là đoạn cuối trong bức thư của Phùng Quán viết cho người bạn thân của mình - Xuân Đài, từ “Hồ Tây đêm 4/3/88…”, được in trong cuốn sách Phùng Quán & tôi của tác giả Xuân Đài (NXB Phụ Nữ Việt Nam, 2020).
Bức thư khiến bạn đọc rưng rưng, không chỉ vì tình bạn của hai người đàn ông tri âm tri kỷ, hay thủ bút của một nhà văn mà tên tuổi nằm lòng trong bạn đọc, với Vượt Côn Đảo, Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo, Bên bờ Hiền Lương, Tuổi thơ dữ dội, Trăng hoàng cung… Mà còn xúc động bởi cái triết lý vô thường của đời người, sự thấu tận những quy luật bào mòn và phôi pha của cuộc sống và nhìn nó bằng đôi mắt bình thản khi tất cả những gì đã trải cũng đủ làm nên cung bậc hỉ nộ ái ố trong cuộc đời này.
Kỹ sư Nguyễn Đình Thơ đem đến cho Quán ba tập giấy trắng có kẻ dòng, vì Thơ biết Quán thích viết trên giấy trắng có kẻ dòng. Ba tập giấy dày chín trăm trang đóng bìa đẹp. Thơ bảo Quán, Đài bảo tôi đưa giấy cho ông viết cái hồi ký.
Quán gật đầu nhưng lại bảo, Đài rắc rối quá.
Ít tháng sau, tôi từ Sài Gòn ra gặp Quán, hỏi hồi ký viết đến đâu rồi. Quán cười, quẳng cho tôi tập giấy có trang bìa để tập 1. Tôi giở ra đọc, chỉ thấy có ba dòng, nổi cáu, sao Quán không viết? Quán bảo, tự viết về mình, tao thấy dơ lắm. Tôi bảo, xưa nay các cụ vẫn làm vậy có ai thấy dơ đâu. Quán nên viết, để những gì Quán đã trải qua có ý nghĩa. Quán vẫn một mực, tao với mày quen nhau từ thời con nít, tao quá hiểu về mày và mày quá hiểu về tao, nếu mày thích viết về tao thì mày viết”.
Đó là một trong những nguyên do cho sự ra đời của tác phẩm Phùng Quán & tôi. Dù như tác giả Xuân Đài chia sẻ trong Lời tác giả từ đầu cuốn sách, khi nhà văn Phùng Quán còn sống, ông đã không viết một dòng nào. Thậm chí có lẽ cũng ít người biết về ông, người bạn nối khố thầm lặng, người bạn tri âm tri kỷ thầm lặng của Phùng Quán. Nay ở “tuổi già phiền muộn, nhiều chuyện đáng nhớ tôi lại quên”, Xuân Đài quyết định viết cuốn sách về bạn mình như một cách để không quên những điều cần nhớ.
Cuốn sách gây xúc động cho người đọc về một tình bạn xuyên qua bao khó khăn gian khổ và thăng trầm cuộc đời, những ngày cùng trọ ở Hà Nội, nhận ra nhau sau chặng đường lang bạt kỳ hồ. “Lúa Xanh, Lúa Xanh thiếu sinh quân” khi ấy đã là người bị kỳ thị vì dính vào “Nhân văn giai phẩm”. Những kỷ niệm của cả hai gắn với bối cảnh miền Bắc những ngày sau giải phóng, cuộc sống gian khổ thiếu thốn và không thiếu những hồ nghi ấu trĩ, ám ảnh nhưng luôn thấm đẫm tình người, luôn khao khát vượt lên; những câu chuyện xoay quanh sự ra đời của những bài thơ đau đớn, xót xa, tâm huyết... cho ta hiểu một xuất xứ chân thật, giá trị nhân văn sâu sắc, những điều mà sự hời hợt không thể thấu cảm nổi.
Đọc Phùng Quán & tôi, ta biết được những câu chuyện cảm động về nhà văn mà chỉ người bạn thân Xuân Đài mới biết (như chuyện câu cá trộm ở hồ Tây, chuyện cả cuộc đời Quán không có nhà…), cũng hiểu được những góc khuất tâm tư mà chỉ với người bạn thân như Xuân Đài, Phùng Quán mới thổ lộ. Ví như chuyện ông “viết đơn xin vô hội” (Hội Nhà văn VN), trong bức thư nói trên gửi Xuân Đài, Phùng Quán đã chia sẻ rất thành thực, qua đó ta thấy cái khắc khoải, đau đáu của ông vẫn luôn là vì giá trị đích thực của văn chương, vì một nền văn học cống hiến và phục vụ cho nhân dân, cho đất nước: “Một việc như cậu hỏi, nếu viết ra giấy thì thật dài dòng, nhưng có thể tóm tắt thế này: Hội nhà văn, những người đã từng hành hạ mình, đã phải nhận lỗi, và để chuộc lại lỗi đó, họ cố hết sức sửa sai, trả lại Hội tịch cho mình và các anh Dần, Đạt, Hoàng Cầm, Hoàng Tích Linh”…
Tác giả Xuân Đài được biết đến qua các tác phẩm: Tuổi nhỏ Hoàng Văn Thụ (truyện dài), Tạ tội (thơ), Tuổi thơ kiếm sống, Chuyện cà kê (Chuyện kể), Ba người trong hẻm đuôi voi, Hai người đàn ông và người đàn bà ở phố Hàng Đào (Tập truyện ngắn). Là người theo suốt những thăng trầm của bạn và thuộc lòng những tác phẩm của bạn, là người nặng lòng với cái tên Phùng Quán không chỉ như một bạn đọc bình thường, Xuân Đài đã viết nên cuốn sách bằng tất cả ký ức yêu thương, trân trọng và chia sẻ. Và chính điều đó khiến Phùng Quán & tôi lưu lại trong lòng bạn đọc thật sâu và nặng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.