Reuters trích dẫn một nguồn tin ngoại giao cao cấp của EU cho biết, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Thổ Nhĩ Kỳ, các lãnh đạo phương Tây đã đồng ý gia hạn lệnh trừng phạt chống lại Nga thêm 6 tháng, đến tháng 7. 2016.
Lệnh cấm vận của Phương Tây sẽ khiến người Nga đối mặt với tình trạng thiếu hụt thực phẩm vào mùa đông này, theo RIA Novosti - Ảnh: AFP |
Theo Lenta ngày 22.11, tại cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đã quyết định gia hạn lệnh trừng phạt để tiếp tục gây áp lực lên Nga vào thời điểm trước kỳ bầu cử địa phương ở Donbass.
“Các cuộc bầu cử ở Ukraine luôn diễn ra một cách khó khăn, phức tạp. Chúng ta sẽ có cơ hội để có được những gì mong muốn, nếu chúng ta tiếp tục giơ thẻ phạt. Biện pháp trừng phạt tài chính vẫn phải được giữ nguyên hiệu lực cho đến cùng”, nguồn tin cho biết.
Reuters bình luận rằng quyết định gia hạn lệnh trừng phạt được đưa ra bất chấp những lời kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc chiến chống lại IS.
Ngày 18.11, tờ The Wall Street Journal đưa tin về các kế hoạch của EU và Mỹ nhằm kéo dài và mở rộng lệnh trừng phạt chống lại Nga. Các biện pháp được gia hạn hiệu lực bao gồm hạn chế hợp tác với các công ty quốc phòng và năng lượng của Nga.
Nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước thành viên EU và Mỹ, đã áp dụng lệnh trừng phạt đối với Nga. Biện pháp trừng phạt được đưa ra từ khi Crimea sáp nhập Nga hồi tháng 3.2014, và sau đó liên quan đến các cuộc xung đột ở miền đông Ukraine mà theo phương Tây là do Nga xúi giục (mặc dù Moscow nhiều lần khẳng định vô can). Trong danh sách “đen” của EU bao gồm 150 cá nhân (cả Nga lẫn Ukraine) và nhiều công ty, tổ chức, hiệp hội (đặc biệt các tổ chức ở Crimean mà EU cho là ly khai).
Gói các biện pháp được thông qua trong cuộc các nhà lãnh đạo của “Bộ tứ Normandy” (Ukraine, Nga, Đức, Pháp) tại Minsk, thủ đô Belarus vào tháng 2.2015, bao gồm việc ban bố lệnh ngừng bắn, rút vũ khí hạng nặng ra khỏi các chiến tuyến đối đầu, cải cách hiến pháp (soạn thảo và thông qua một hiến pháp mới, bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2015), củng cố quyền lập pháp và đặt danh xưng đặc biệt cho một số khu vực thuộc Donetsk và Luhansk, tổ chức các cuộc bầu cử địa phương.
Theo điều 12 của biên bản cuộc gặp bộ tứ, mọi vấn đề liên quan đến bầu cử địa phương cần được thảo luận và thống nhất với đại diện các khu vực riêng biệt của vùng Donetsk và Luhansk. Các cuộc bầu cử cần được tiến hành phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), đồng thời phải chịu sự giám sát của Văn phòng Dân chủ và Nhân quyền trực thuộc tổ chức này.
Bình luận (0)