Tòa vừa dứt lời tuyên án, ông cúi đầu cảm ơn HĐXX rồi vừa luống cuống vừa vội vàng, ông cố gắng bước nhanh ra khỏi phòng xử, không dám một lần ngoảnh đầu nhìn lại.
Một lần “ăn vạ”
Theo nội dung vụ án, ngày 20-6-2011, đoàn công tác của quận Thủ Đức - TPHCM tổ chức tiến hành khảo sát khu đất công để thực hiện chủ trương lập hố rác trên địa bàn. Trong lúc đoàn đang đi khảo sát, ông L.X.D (69 tuổi) chạy ra, trên tay cầm một con dao. Cho rằng việc làm hố rác gần nhà mình sẽ gây ô nhiễm, ông D. chửi bới và dùng dao gí vào bụng dọa tự tử.
|
Sau một hồi nghe đoàn công tác giải thích, ông D. vứt dao vào bụi cây rồi lại chạy đến nằm trước bánh ô tô của đoàn. Để đoàn công tác tiếp tục làm việc, cuối cùng, phường đội buộc phải khiêng ông về nhà. Tuy nhiên, với hành vi trên, ông bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ.
Xử sơ thẩm, TAND quận Thủ Đức tuyên phạt ông D. mức án 6 tháng tù. Ông làm đơn kháng cáo xin được hưởng án treo vì tuổi đã cao, sức khỏe yếu, thường xuyên bị cơn bệnh giày vò. Ông khai hơn chục năm trước, con hẻm vào nhà ông trũng sâu bùn đất. Trời mưa, người lớn đi qua phải xắn cao quần, bọn trẻ thì cởi đồ vắt lên vai.
Vì vậy, ông cùng những người dân ở đây, người góp của, kẻ góp công chung sức tôn tạo con đường. Nghe đến chủ trương lập hố rác trên địa bàn, ông sợ cả khu phố bị ô nhiễm. “Nếu lập bãi rác, không biết tôi và những người dân ở đây sẽ sống ra sao, tiền bạc cũng không có để mua nhà nơi khác, nghĩ quẩn nên tôi mới làm vậy…” - ông khó nhọc trình bày. “Bị cáo phải hiểu rằng đất đai là của Nhà nước, của nhân dân.
Việc sử dụng đất đai phải có chủ trương của Nhà nước và chủ trương ấy được pháp luật bảo vệ. Bị cáo không thể nói đó là đường do bị cáo làm ra mà hành xử như vậy. Nhà được cấp chủ quyền có sổ hồng, sổ đỏ, khi cần sửa chữa cũng phải xin phép huống chi đây là con đường thuộc đất công? Đoàn công tác chỉ mới khảo sát xem chủ trương trên có khả quan không, sau đó mới đưa ra quyết định.
Khi nào có quyết định, bị cáo không đồng ý vẫn có quyền khiếu nại, thậm chí khởi kiện ra tòa. Thanh niên thì người ta nói là do nóng nảy, bồng bột chứ đằng này bị cáo đã lớn tuổi rồi thì phải chín chắn chứ...” - vị đại diện VKSND TPHCM nghiêm giọng phân tích.
Hối hận cuối đời
Ông cúi đầu lắng nghe rồi lặp đi lặp lại nhiều lần câu nói: “Tôi sai rồi. Tôi ân hận lắm. Nếu có chết đi, nỗi đau này tôi vẫn mang…”. Giờ nghị án, ông ngồi thui thủi một mình, run run xếp lại tập hồ sơ bệnh án.
Khi chúng tôi hỏi thăm, ông thở dài buồn bã: “Ngay hôm đó về nhà, tôi đã tự kiểm điểm mình, thấy mình già rồi mà còn ngu, còn dại, tự nhiên lại lăn ra thế làm gì không biết? Giờ tôi chỉ mong sao tòa cho tôi hưởng án treo để những ngày tháng còn lại của cuộc đời tôi được sống tự do bên con cháu…”. Ông cho biết mấy năm trước, ông từng phẫu thuật khối u ở ruột; chuyện ăn uống, thuốc men và nghỉ ngơi phải kiêng khem cẩn thận.
Từ ngày xảy ra chuyện, khối u tái phát hành hạ, ông phải phẫu thuật thêm lần nữa. Đôi mắt mệt mỏi, ông nhìn chăm chăm vào khoảng không trước mặt, tâm sự về nỗi dằn vặt lớn nhất cuối đời. Hiện các con của ông đều đã lớn, có gia đình riêng. Không muốn các con bận lòng, trong lần tòa xử phúc thẩm, ông nói dối là đi công chuyện rồi tự đón xe ôm, một mình đến tòa. “Không biết tòa có chấp nhận kháng cáo không, nếu không, lại làm các con phải suy nghĩ và buồn nữa” - ông nén tiếng thở dài.
Sau khi nghị án, HĐXX xét thấy bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải, có nơi cư trú rõ ràng, thời gian tại ngoại không có biểu hiện vi phạm pháp luật, hiện tuổi đã cao, sức khỏe yếu, xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình thức tù giam cũng đủ giáo dục răn đe bị cáo. Trên cơ sở đó, HĐXX tuyên chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo, tuyên phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Mong sao với mức án khoan hồng này, tuổi già của ông bớt đi phần nào nỗi âu lo, mặc cảm sai trái để được sống thanh thản bên con cháu.
Từ ngày xảy ra chuyện, ông nghĩ ngợi về tiếng xấu cho mình thì ít mà nghĩ cho con thì nhiều. Sợ con xấu hổ với bạn bè, sui gia và lối xóm.
Theo Mai Thi / Người Lao Động
Bình luận (0)