'Pig': Tâm thư Nicolas Cage gửi Hollywood

Thế Sang
Thế Sang
08/08/2021 11:30 GMT+7

Phim Pig (Michael Sarnoski chỉ đạo) dường như là nơi mà tài tử Nicolas Cage suy ngẫm về đời, về nghiệp diễn.

Xem Pig, khán giả như có cảm giác mình đắm vào thế giới hư cấu của tiểu thuyết gia người Mỹ Ernest Hemingway, vì ở nơi đó, người xem chỉ có thể tiếp cận phần nào về cuộc đời nhân vật, nếu không muốn nói là rất ít. Sự gặp gỡ giữa Pig và thế giới tự sự của Ernest Hemingway nằm ở chỗ: tình tiết. Pig mở đầu với một khung cảnh xám xịt trong rừng, nơi nhân vật Rob của Nicolas Cage sống khắc khổ, lầm lũi cùng với chú lợn chuyên đào nấm của mình. Cả hai phối hợp ăn ý với nhau trong việc tìm nấm để bán cho nhà hàng trong thành phố. Có lẽ, tình tiết gây cấn duy nhất của phim, đó là lúc chú lợn bị bắt đi trong đêm vắng. Mất lợn, Rob phải lặn lội vào tận thành phố để tìm, lúc này, khán giả mới có được những manh mối về quá khứ của Rob.
Sự khó chịu ở đây là kịch bản Pig lược đi hầu như toàn bộ các chi tiết về cuộc đời của Rob như cách mà Ernest Hemingway chỉ để độc giả của mình biết về quá khứ của ông lão đánh cá qua những trang sách cuối cùng của quyển tiểu thuyết Ông già và biển cả. Và càng khó chịu hơn khi những lời thoại của phim cũng rời rạc, chấp vá, đôi khi tưởng chừng như ăn khớp với nhau nhưng nếu xem kỹ lại nhiều lần, ta mới vỡ lẽ ra là chúng đôi khi dẫn đến những tình tiết khác, nếu không muốn nói là khó hiểu. 

Như một viên thuốc đắng bọc đường

Pig là thế giới đầy đau khổ của đám đàn ông không có đàn bà, nơi mà nỗi đau và những dằn vặt luôn ngự trị từ đầu đến cuối phim. Nhân vật của Nicolas Cage bị mắc kẹt lại quá khứ, luôn nhớ về Lori, người vợ quá cố. Nhân vật này, trong hành trình đòi lại heo, đã tìm đến căn nhà năm xưa mà anh sống với vợ, và ngồi lầm bầm về cây hồng năm nào trong sân vườn. Amir (Alex Wolff đóng), người đồng hành của Rob, thì luôn nhớ về người mẹ tự sát của mình... Màu sắc xám xịt của từng khung hình cộng với nhịp phim chậm, nếu không muốn nói là quá chậm, càng tôn lên sự ủ dột của cốt truyện về những người đàn ông cô độc, do đó, nó lại gợi nhớ đến một tác phẩm trọng tình tiết khác năm 2013 của Hà Lan là Màu xanh tàn khốc (Blue Ruin) do Jeremy Saulnier chỉ đạo. Pig không có những thét gào và sự giật gân như Blue Ruin. Nhưng Pig cũng "tàn khốc" như Blue Ruin ở chỗ cả hai phim đều che giấu những sự thật chẳng mấy dễ chịu đằng sau bề nổi mà khán giả thấy.
Mượn quan niệm của nhà văn chuyên viết truyện ngắn nổi tiếng của Mỹ là O.Henry để nói về phim này: Pig như một viên thuốc đắng bọc đường. Nếu vượt qua được lớp đắng, có lẽ, Pig còn nhiều điều chờ ta khám phá hơn thế. 

Tạo hình của Nicolas Cage trong phim Pig

Ảnh: Neon

Khác với một Nicolas Cage điên loạn, gào thét trong Mandy (2018), Pig cho thấy một Nicolas Cage trầm lắng, có nhiều suy nghĩ về đời, và cả sự bóng gió về nghề. Trước khi Pig ra mắt, Variety đăng tải một tuyên bố của ông: "Tôi dấn thân vào vùng hoang vu và rời bỏ thị trấn nhỏ bé Hollywood". Sốc và chất. Khi mà Hollywood, ở hiện tại, vô cùng hào nhoáng với những tác phẩm tỉ USD. Thực chất mà nói, Pig là một trường hợp "character study" trong điện ảnh, tức là phim vô cùng chú trọng về nhân vật.
Vậy nhân vật của Nicolas Cage có gì? Năm xưa, ông từng là một đầu bếp cực kỳ nổi tiếng, rồi một hôm nọ bỗng mất tăm. Khi xuất hiện trở lại thành phố trong bộ dạng "người rừng", Rob nói với một đầu bếp khác, một học trò mà ông từng sa thải: Tại sao anh lại quan tâm đến sự hào nhoáng như vậy? Tại sao anh lại sống chỉ để chiều lòng người khác? Tại sao lại quan tâm đến các nhà phê bình viết gì? Tất cả những thứ đó không thật. Điều này như một sự ẩn dụ cho việc Nicolas Cage "rời bỏ thị trấn nhỏ bé Hollywood". Và từ khi là một trong những ngôi sao hành động nổi bật cuối thập niên 1990, Nicolas Cage nhiều năm sau đó hầu như ít xuất hiện trong phim bom tấn, kinh phí lớn. Nhân vật của Nicolas Cage, như một nhà phê bình từng viết, mải mê đi tìm giá trị cuộc đời, lặn thật sâu vào bên trong để mà suy ngẫm, mình là ai, cần gì, và dám từ bỏ, đi ngược lại số đông, trong khi đó, rất nhiều người ở thành phố nơi ông trở lại, bận rộn với danh tiếng, sự hào nhoáng và những thứ không thật. 
Với ý nghĩa đó, Pig như là sự đối thoại dành cho tất cả chúng ta. Riêng Nicolas Cage, ông nhìn Pig như một bài thơ haiku (một thể thơ Nhật Bản) súc tích, đòi hỏi nhiều suy tư, nhưng đồng thời cũng như bức thư ông gửi Hollywood trong hành trình đi tìm phong cách diễn cho riêng mình. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.