Pirate Kings đánh dấu sự trở lại của thể loại game trên Facebook sau Dragon City và Candy Rush Saga đình đám, không cần phải nói nhiều về những hiệu ứng "khủng" mà trò chơi này gieo rắc những ngày vừa qua. Cộng đồng lại thêm một phen dậy sóng, không những vì độ hot của trò chơi mà còn vì sự... phiền toái mà nó mang đến cho người dùng của trang mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Pirate Kings: từ đâu em đến?
Mặc dù được thành lập từ năm 2011, nhưng mãi đến năm 2013 hãng Jelly Button mới tung ra sản phẩm đầu tiên của mình và cũng phải “vật vã” đến 2 năm thì Pirate Kings mới thực sự trở thành một cơn sốt khi nắm chắc trong tay lượng người chơi thuộc hàng “khủng”: hơn 5.000.000 người dùng hàng tháng thông qua nền tảng web, iOS và Android.
Thành công mà game đạt được một phần là do thiết kế nhân vật, các đảo đều có chủ đề riêng theo từng nền văn hóa đặc sắc khắp nhau trên toàn cầu. Từ vùng đất Vikings hung tàn, các cướp biển sẽ ngao du qua Châu Á kì bí, từ đó làm bàn đạp xâm chiếm luôn Vùng đất Mùa Đông và nhiều hòn đảo khác,…
Quay, cướp, bắn!
Ngay khi vừa bước vào thế giới hải tặc thì điều làm người chơi bất ngờ nhất đó là chính là lối chơi “đơn giản như đang giỡn” của game. Với một vòng quay may mắn và nút xoay (spin) ở ngay phần giới thiệu, các vua hải tặc sẽ nhanh chóng lầm tưởng đó là phần quay may mắn - một kiểu bonus thường thấy ở các game, mà không hề biết rằng, vòng xoay đó sẽ quyết định... tình bạn lẫn tình yêu ngoài đời thật của người chơi sau này.
Khi đăng nhập vào Pirate Kings, game thủ sẽ được tặng một vài lượt quay thử. Trên vòng quay có tất cả 10 ô, trong đó có 6 ô mang mệnh giá 1.000, 5.000, 10.000, 25.000, 50.000 và 100.000. Số tiền này sẽ được người chơi dùng để mua sắm và nâng cấp đảo của mình, cũng như xâm chiếm các đảo khác. Tuy nhiên các ô còn lại mới chính là sức hấp dẫn thật sự của trò chơi, bao gồm: lượt quay (spin), cướp (steal), tấn công (attack), và ô quan trọng nhất là ô phòng thủ (defend).
Mỗi khi các hải tặc quay trúng ô spin, game sẽ tự động nạp thêm 10 lượt quay cho các game thủ. Nghe tuy nhỏ nhưng đôi khi với một chút may mắn, các hải tặc có thể nhanh chóng chuyển bại thành thắng nhờ vào các ô còn lại. Lỡ như quay trúng ô steal, bạn sẽ nhanh chóng trở thành “đại gia” khi được phép cướp từ người chơi khác. Đừng vội mừng, vì trò chơi sẽ chọn ra ngẫu nhiên 3 người trong hệ thống game cho bạn “móc túi”. Tuy nhiên, bạn bè của người chơi lại là các đối tượng dễ lọt vào vùng cướp bóc dã man này nhất.
Attack và defend, 2 ô mang tầm chiến lược nhất game, nhưng cũng từ đây mà tình yêu đôi lứa nhanh chóng bị “sứt mẻ”. Với ô defend, người chơi sẽ nhận được ngay một khiên (shield) dùng để bảo vệ hòn đảo “yêu dấu” của mình, nhưng tối đa mỗi người chỉ nhận được 3 khiên cùng một lúc. Trong khi đó, Attack cho phép bạn tấn công một người chơi bất kì, có thể là từ danh sách bạn bè hoặc từ một người không quen biết. Thông thường, với mỗi lần bắn vỡ khiên của đối phương, 100.000 sẽ tự động “trôi” ngay vào ví của game thủ. Tuy nhiên, 300.000 mới là phần thưởng quý giá nhất cho kẻ nào vượt qua được shield và bắn phá các công trình kiến trúc trên đảo.
Hận... "thằng" bắn đảo
Cấu trúc chơi phụ thuộc 100% vào số lượt spin, game thủ được tặng đó 5 lượt quay mỗi… 60 phút! Vậy làm cách nào mà các game thủ có thể "bắn nhau" xuyên ngày xuyên đêm? Câu trả lời nằm ở hàng triệu lời mời (invite) tham gia chơi Pirate Kings được gửi đi mỗi ngày trên Facebook!
Mỗi khi một hải tặc lôi kéo được "bè đảng" cùng chơi, thì 20 lượt quay sẵn sàng chào đón bạn! Đây chính là nguyên nhân lý giải vì sao Pirate Kings có tốc độ lan truyền nhanh đến chóng mặt, kéo theo một số lượng lớn... anti fan đông đảo trên Facebook. Tất nhiên, người chơi có thể mua những lượt quay này bằng tiền thật.
Đối với những người biết được cách chặn thông báo trên Facebook, đây không phải là một vấn đề to tát vì tất cả thao tác để "trảm" Pirate Kings có thể được thực hiện vỏn vẹn trong vài giây. Đối với những ai chưa biết tính năng này, thì đây là một sự phiền nhiễu khá lớn khi chẳng may trong danh sách bạn bè có quá nhiều người tham gia game. Điều này dẫn đến sự phản ứng gay gắt giữa 2 bên, một bên đại diện cho phe phái “chân gỗ mắt chột” đang khát lượt quay, bên còn lại là đoàn người đấu tranh trường kỳ cho sự bình yên.
"Chỉ ngủ khi có đủ 3 shield"
Tuy có những bất cập từ việc làm phiền người khác, nhưng điều ghê gớm nhất đó là các game thủ trở nên “ăn không ngon ngủ không yên”. Thậm chí còn có cả phương châm “chỉ ngủ khi có đủ 3 shield”. Lý do chính bởi vì ngoài bạn bè, hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người chơi khác có thể dễ dàng cướp phá và “ăn hôi” của bạn. Có người còn tâm sự, chỉ vừa buông điện thoại ra 10 phút, hòn đảo thân thương đang xinh đẹp ngay tức khắc trở thành “bình địa”. Quên ăn quên ngủ chỉ vì chơi, một số trường hợp cá biệt thậm chí lục tung mọi ngõ ngách để truy lùng các bản hack Pirate Kings nhằm lấy tiền của người chơi khác. Đó là những mặt trái, những điều không đáng có trong Pirate Kings và chắc chắn nhà phát hành Jelly Buttons cũng không hề muốn như thế.
Tuy là một trò chơi ảo mang tính chất giải trí, nhưng Pirate Kings lại gây không ít tác động lên cuộc sống đời thực của game thủ. Đối với nhiều hải tặc, việc bắn phá nhau bỗng dưng hình thành sợi dây nối kết tình đồng chí. Còn số khác lại thẳng thừng tuyên bố unfriend hay... chửi bới bạn mình trên các status đầy uất hận và căm phẫn. Tuy vui thì có vui, nhưng đó là những mặt trái trực tiếp làm lệch lạc suy nghĩ của dư luận về ngành game nói chung.
Bình luận (0)