Pock Rey Cho Người bắc nhịp cầu điện ảnh châu Á

28/03/2009 16:04 GMT+7

Đi lại nhiều nước như con thoi để tuyển chọn phim, Pock Rey Cho được biết đến như một nhân vật kỳ cựu và giàu kinh nghiệm chuyên tổ chức các liên hoan phim quốc tế ở khu vực châu Á. PV Thanh Niên đã có dịp trò chuyện nhân dịp bà sang Việt Nam.

Liên hoan phim quốc tế giúp nâng tầm quốc gia

* Thông thường ở Hàn Quốc, các liên hoan phim quốc tế do đơn vị nào tổ chức và bà thuộc đơn vị nào?

- Từ năm 2000 - 2005, liên hoan phim quốc tế (LHPQT) Gwangju (Hàn Quốc) do chính quyền thành phố Gwangju tổ chức. Từ năm 2005 tới nay, tôi luôn đảm nhiệm công việc tổ chức LHPQT này. LHPQT Gwangju có quy mô rất lớn chỉ sau LHPQT Pusan, được giới chuyên ngành và báo chí đánh giá là LHPQT có trình độ và chất lượng cao. Từ sau năm 2006, chính quyền thành phố này không đứng ra tổ chức LHPQT Gwangju nữa, mà giao cho người của tập đoàn tự vận hành.

* Vậy theo bà khó khăn nhất trong công việc tổ chức LHPQT là gì? Ở Hàn Quốc có bao nhiêu người chuyên làm công việc này?

- Tại Hàn Quốc hiện có khoảng 5,6 LHP có quy mô lớn. 2/3 kinh phí cho các LHP này đều do chính quyền thành phố và Bộ Văn hóa Hàn Quốc phụ trách. Chỉ có 1/3 kinh phí còn lại do các tập đoàn, doanh nghiệp hỗ trợ cho ban tổ chức LHP. Do 2/3 kinh phí tổ chức LHP là lấy từ tiền đóng thuế của toàn dân nên việc muốn hoàn toàn thể hiện được nét đặc sắc thuần túy của LHPQT nhất định rất khó. Đặc biệt là sự can thiệp quá mức của giới truyền thông và của các đoàn thể đôi khi cũng tạo nên chướng ngại nhất định cho việc tổ chức LHPQT. Việc điều tiết những tác động bên ngoài này chủ yếu phải dựa vào năng lực lập kế hoạch của người tổ chức, từ đó đưa ra những biện pháp khống chế kịp thời. Ngoài ra việc mời các diễn viên nổi tiếng trong và ngoài nước tới tham dự các LHP cũng rất quan trọng và không hề dễ dàng. Để nâng cao trình độ cũng như chất lượng của LHP, cần phải tăng cường mạnh đội ngũ nhân sự cao cấp biết vận hành thể chế hợp lý, lại được bồi dưỡng kỹ thuật và kiến thức chuyên ngành. Nhưng trên thực tế phần lớn những người tham gia tổ chức LHP đều là các trợ lý mới vào nghề. Điều này cũng làm hạn chế trình độ tổng thể của LHP.

 
Bà Pock Rey Cho (giữa) với nữ diễn viên Lunmei Kwai tại LHP Kim Mã (2006) -Ảnh: nhân vật cung cấp

* Xin bà hãy kể một chút về LHPQT nào khó quên nhất mà bà từng tham dự?

- Đó là LHPQT Pusan 2008. Điện ảnh Hàn Quốc đã nỗ lực suốt 13 năm nhằm thúc đẩy LHP này trở thành một LHP xuất sắc nhất châu Á với nội dung vô cùng phong phú, hội tụ được các nhà điện ảnh lớn trên toàn thế giới. Đồng thời LHP cũng xác định được mục tiêu bồi dưỡng một thế hệ đạo diễn mới của châu Á. Tôi rất vui khi được tham dự LHP này.

* Năm nay bà có tham gia tổ chức LHP nào không?

- Tôi đang lên kế hoạch tổ chức LHP Yeosu 2009 tại thành phố biển Yeosu (cách Seoul 455 km về phía nam) và cũng sẽ tham gia tổ chức Triển lãm thế giới Yeosu vào năm 2012 tại đây.

* Theo bà, các LHPQT mang lại những lợi ích gì?

- Việc mở các LHPQT có thể giúp nâng cao địa vị quốc gia và tên tuổi của thành phố tổ chức LHP đó. Chẳng hạn như qua việc tổ chức LHP, thành phố Cannes mới thu hút được sự chú ý của người dân toàn thế giới. Thành phố Pusan cũng vậy, cũng thông qua việc tổ chức LHPQT để từng bước mở cửa hơn nữa. Mặt khác việc tổ chức LHPQT cũng thúc đẩy sự phát triển của nền thương mại trong thành phố. Các ngành như giao thông, ăn uống, thời trang... có thể thu hút du khách tiêu dùng. Trong 10 ngày tổ chức LHP có thể nhận thấy rõ là hiệu quả kinh tế tăng vọt. Tuy nhiên muốn tổ chức LHPQT cũng cần nỗ lực từ 10 năm trước và những ủng hộ tương ứng. LHP không chỉ là nơi những nhà điện ảnh giao lưu về điện ảnh, mà còn là một cơ hội tốt để tất cả những nhà văn hóa trên mọi lĩnh vực cùng ngồi lại với nhau. Những gì họ thảo luận cũng góp phần thúc đẩy mạnh sự phát triển của việc sản xuất phim ảnh như phim truyện, phim truyền hình, phim hoạt hình, game...

Một số LHPQT do Pock Rey Cho tổ chức từ 2003-2008:

Tuần lễ phim Hàn Quốc tại LHP Kim Kê Bách Hoa Trung Quốc lần thứ 12 tổ chức tại thành phố Gia Hưng, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc (tháng 11.2003), LHPQT Gwangju lần 4 tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc (từ 29.8 – 7.9.2004), Tuần lễ phim Hàn Quốc tại LHP Kim Kê Bách Hoa Trung Quốc lần thứ 13 tại thành phố Ninh Hạ, Ngân Xuyên, tỉnh Triết Giang (tháng 11.2004), LHPQT Gwangju lần 5 tại thành phố Gwangju, Hàn Quốc (từ 26.8 – 4.9.2005), Tuần lễ phim Hàn Quốc nhân kỷ niệm 100 năm điện ảnh Trung Quốc tại ba thành phố Thiên Tân, Thượng Hải, Tân Cương (từ 20.3-4.4.2005), LHP Việt Nam-Hàn Quốc, Hà Nội-Sài Gòn (từ 8.12-17.12.2006), Tuần lễ phim Hàn Quốc thuộc Tuần phim thể dục thể thao quốc tế Bắc Kinh lần 4 (từ 28.6-5.7.2008)...

* Bà đánh giá ra sao về điện ảnh Hàn Quốc trong một, hai năm qua?

- Bắt đầu từ năm 2007, tiền đầu tư vào điện ảnh Hàn Quốc đã không còn được như ý vì so với tiền làm phim, giá cát-sê diễn viên cũng tăng cao hơn. Điện ảnh Hàn Quốc tuy vẫn chưa phát triển tới giai đoạn phim thương mại Hollywood nhưng đã tạo được ưu thế mạnh. Bước vào năm 2009, các diễn viên và nhà sản xuất phim Hàn Quốc đã bắt đầu nhìn lại, kỳ vọng vào uy lực của điện ảnh nước mình để từ đó tạo đột phá hơn nữa.

Ấn tượng về điện ảnh việt

* Lần đầu tiên bà tiếp xúc với phim Việt Nam là khi nào? Điện ảnh Việt Nam đem lại cho bà những ấn tượng gì?

- Người Hàn Quốc hầu như đều đã xem các phim của đạo diễn  Trần Anh Hùng sống tại Pháp như Mùi đu đủ xanh..., sau năm 2005 được xem Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh sinh sống tại Việt Nam ở LHPQT Gwangju. Và tới năm 2008 lại được xem phim Sống trong sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và Chuyện của Pao của đạo diễn Ngô Quang Hải trên truyền hình. Phim có rất nhiều tình tiết giống với người Hàn Quốc. Hy vọng rằng ngày càng có nhiều phim Việt Nam được chiếu ở Hàn Quốc hơn nữa. Tôi cũng hy vọng Cục Điện ảnh Việt Nam có thể ủng hộ việc tổ chức Tuần lễ phim Việt Nam tại Hàn Quốc.

* Đạo diễn Việt Nam đầu tiên mà bà tiếp xúc là đạo diễn nào?

- Tại LHPQT Gwangju 2005, tôi đã trực tiếp mời đạo diễn Đặng Nhật Minh tham dự và ông đã được nhận giải Thành tựu trọn đời tại LHP này. Tháng 3.2006 tại tuần lễ phim ở Hà Nội, tôi có tiếp xúc với một số đạo diễn có đóng góp lớn cho việc thúc đẩy sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam như đạo diễn Nguyễn Hải Ninh...

*  Thường xuyên tiếp xúc, làm việc với đạo diễn nhiều nước, bà đánh giá ra sao về điện ảnh của các nước châu Á nói chung?

- LHPQT Hồng Kông liên tục được mở vào tháng 3 hằng năm. Rất nhiều nhà phát hành phim đã tề tựu trên thị trường phim. LHPQT Malaysia tổ chức vào tháng 11 và LHPQT Kim Mã tổ chức vào tháng 12 hầu như không hề thay đổi. LHPQT Pusan phát triển mỗi năm, LHP Tokyo cũng nỗ lực vứt bỏ thời kỳ khô khan. Cả thế giới đều rất quan tâm tới nền điện ảnh Trung Quốc. Tôi cho rằng LHPQT Thượng Hải tổ chức vào tháng 6 hằng năm cũng không phụ sự quan tâm ngày càng tăng của công chúng. Nhưng để LHPQT phát triển, chính phủ cũng cần ủng hộ mạnh mẽ, cần có những nhân tố nhất định để biến LHPQT trở thành một công cụ tuyên truyền - giao lưu văn hóa hiệu quả.

*  Từng tổ chức các tuần lễ phim Hàn Quốc tại Việt Nam, bà có cảm giác ra sao?

- Có lẽ do chịu tác động của “cơn sóng” Hàn Quốc, tôi có thể nhận thấy những phản ứng rất lớn ở mỗi rạp phim. Tôi đã tổ chức tuần lễ phim Hàn Quốc đầu tiên vào năm 2006, và bắt đầu từ tuần lễ phim thứ hai do Thông tấn xã Hàn Quốc thực hiện. Hy vọng những tuần lễ phim này hằng năm có thể xuất hiện với hình thức giao lưu Việt – Hàn thuần túy.

* Năm nay bà có định tổ chức tiếp tuần lễ phim Hàn Quốc ở Việt Nam không?

-  Có, tôi cũng rất muốn. Hiện tôi đang thảo luận chuyện này với tập đoàn giao lưu văn hóa quốc tế của Hàn Quốc là Kofice.

* Cám ơn bà rất nhiều và xin chờ đợi các bộ phim hay của Hàn Quốc. 

 Nguyễn Lệ Chi
(Thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.