Phú Đô mảnh đất tình người

15/02/2021 14:00 GMT+7

Em là gái Phú Đô làng. Em đi bán bún, trăng vàng theo ai...

Xóm trọ có u Cúc

Nhắc đến Phú Đô là nhắc đến làng nghề bún truyền thống nổi tiếng của đất kinh kỳ Thăng Long. Nhưng đối với tôi, Phú Đô không đơn giản chỉ là một địa danh, một làng nghề, một vùng đất, mà nơi đây còn chan chứa tình người.
Những năm tháng sinh viên khó khăn, duyên phận run rủi đưa tôi về sống ở làng bún Phú Đô. Những ngày đầu vào xóm trọ, ấn tượng của tôi không có gì đặc biệt, nhưng có một chi tiết làm cho tôi khá chú ý, đó là các thành viên trong xóm trọ đều gọi cô Cúc chủ nhà là “u”, một cái tên rất đỗi thân thương với những người xa quê như tôi.
Câu trả lời cũng sớm được tôi tìm ra, mọi người gọi u Cúc đơn giản vì u tốt tính, thương người. Hơn nữa, các anh chị em trong xóm mong muốn đẩy tình cảm lên, để mọi người có thể khất tiền phòng u mỗi khi cuối tháng khó khăn.
Tôi cũng không ngoại lệ, mối quan hệ của tôi và u dần dần được đẩy lên, lúc đầu đơn giản là câu chuyện hỏi thăm giữa chủ nhà và khách trọ, sau dần chuyển thành tình cảm yêu thương, quý mến giữa hai con người xa lạ.
Công việc chính của u là đi bán bún. Sáng nào cũng vậy, u dậy rất sớm đi lấy hàng rồi đưa lên phố bán. Công việc này u làm mấy chục năm nay, trở thành thói quen không chỉ của u mà còn của các thành viên trong xóm.
Hôm nào u ế hàng là chúng tôi cảm nhận thấy rõ. Tiếng u nói to ở giữa sân “Hôm nay ế lắm các con ạ”, rồi “ Có đứa nào ăn bún không, ra u cho một ít”. U tốt với mọi người lắm. Nhiều lúc chúng tôi ngại, không dám mang bát ra xin, u lại đích thân mang cho từng phòng, mỗi người một ít.
Chúng tôi thương u Cúc một phần vì u tốt, một phần vì hoàn cảnh của u cũng đặc biệt. U tuổi ngoài 50, nhưng hàng ngày vẫn phải chở đến cả tạ bún đi bán, ăn uống sinh hoạt thất thường. Không những vậy, con trai thứ hai của u bị suy thận, hàng tuần đầu phải đi chạy thận, tốn kém. Nhiều lúc nghe u tâm sự, chúng tôi không khỏi xót xa.
Tôi vẫn nhớ cái đêm 28 tháng Chạp năm đó, khi sinh viên về quê ăn Tết, nhà u tổ chức nấu bánh chưng ở sân chung xóm trọ. Năm đó tôi chọn ở lại làm thêm để kiếm thêm thu nhập, mua sắm cho bố mẹ ít quà, nhiều hơn thì dành dụm ít tiền cho học kỳ tới.

Đã 'vào phố', nhưng nhiều người Hà Nội vẫn chất phác, mộc mạc

Ảnh Lưu Quang Phổ

Quanh nồi bánh trưng Tết

Khi về tới xóm trọ, trời đã tối, nhìn u ngồi trông bánh trưng, lòng tôi lại thổn thức bao nỗi nhớ nhà da diết. Rồi như có sợi dây vô hình gắn kết giữa hai người, tôi ngồi trông bánh trưng với u đến khuya. Câu chuyện đưa đẩy từ chuyện học hành, làm thêm, rồi u hỏi chuyện có người yêu chưa…, sao chưa thấy đưa về xóm trọ chơi. Tiếng lục bục từ nối bánh trưng, hơi ấm từ bếp lửa làm cho không khi trở nên rất tình cảm, tôi có cảm giác như đang ngồi tâm sự với mẹ mình vậy.
Nhưng rồi giọng u chợt trùng xuống: “U bị bệnh ung thư rồi con ạ”. Tôi lúc đó hơi sốc, nhìn u mà tôi xót vô cùng. Sao một người thật thà, tốt bụng như u lại mắc phải căn bệnh quái ác như vậy? Tại sao những người chuyên làm điều xấu, hại nước, hại dân thì không bị sao. Bao nhiêu câu hỏi như chạy trong đầu tôi.
Tôi không biết làm gì để giúp u, chỉ động viên, mong u cố gắng vui tươi, sống tốt, rồi bệnh tật sẽ nhanh khỏi. Ngồi nói chuyện đến hơn 12giờ thì tôi giúp u vớt bánh, rồi xin phép u về phòng để chuẩn bị sáng mai đi về quê sớm. Nhưng những lời u nói cứ làm tôi suy nghĩ mãi, làm tôi cứ chợp chờn cả đêm.
Sáng sớm, khi tôi đang chuẩn bị lại đồ đạc thì chợt u tiến vào phòng, một tay cầm đĩa bánh trưng rán và một tay cầm theo khoanh giò. U nhẹ nhàng nói “U rán bị hơi nát, con ăn cho nóng rồi về quê ”. Nhìn đĩa bánh trưng rán mà lòng tôi không khỏi rưng rưng.
Sang năm sau, bệnh tình u càng nặng. Trước lúc mất, u muốn nhìn thấy con trai có cuộc sống tốt hơn nên gia đình quyết định xây lại khu trọ cao, to và khang trang. Và đó là lý do đẩy chúng tôi rời xa xóm trọ. Vài tháng sau u mất, còn tôi cũng chưa thực hiện được lời hứa là dẫn bạn gái về thăm u.
Chuyện đã lâu, nhưng mỗi lần nghĩ về Hà Nội, về Phú Đô, lòng tôi lại dâng lên bao cảm xúc suy tư. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.