"Nguy cơ" của đô thị Hà Nội

10/12/2009 15:37 GMT+7

Sáng 9.12, kỳ họp thứ 19 HĐND TP Hà Nội bước sang ngày làm việc thứ 2. Tại kỳ họp này, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)...

Đại biểu Bùi Thị An góp ý: TP cần phải có quy hoạch tổng thể "dài hơi" về giao thông đô thị để chống ùn tắc, chứ cứ triển khai các giải pháp tình thế theo kiểu phân luồng như hiện nay, tốn tới 60 tỉ đồng mà đường sá vẫn ùn tắc.

Đại biểu Ngô Văn Ny nói: "Ô nhiễm môi trường đang là bức xúc lớn ở Hà Nội, với đủ loại ô nhiễm: bụi bặm, rác thải từ lòng đường tới hè phố, ô nhiễm không khí...". Ông Ny kiến nghị thêm về vấn đề ATVSTP: "Cần phải làm rõ trách nhiệm của các cấp, ngành và cả chính quyền cấp cơ sở trong các vụ việc mất ATVSTP vừa qua".

Về vấn đề lập quy hoạch xây dựng thủ đô, ý kiến của Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh gây được sự chú ý của các đại biểu. Ông Hanh phân tích rằng, công tác quy hoạch đô thị của Hà Nội đang là "nguy cơ" của vài năm nữa khi việc triển khai xây dựng quy hoạch đô thị hiện nay mới đang khởi xướng những định hướng lớn chưa được ổn định, chưa tạo được tiền đề cho các bước quy hoạch tiếp theo. 

Sau khi đại diện UBND TP tiếp thu ý kiến các đại biểu, HĐND TP đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP năm 2010 với đa số đại biểu tán thành. Theo đó, các đại biểu nhất trí, mục tiêu tổng quát của năm 2010 là tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn, bền vững hơn; bảo đảm an sinh xã hội, phát triển có chất lượng các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế… và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; giải quyết tốt những vấn đề dân sinh bức xúc…

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, các đại biểu thống nhất đề ra các nhóm giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành và nội ngành; chú trọng đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là đối với các hộ dân bị thu hồi đất; hoàn thành xây dựng Chiến lược phát triển tổng thể kinh tế - xã hội thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, quy hoạch chung xây dựng thủ đô; ưu tiên và dành các nguồn lực Nhà nước và xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu trong bộ máy quản lý nhà nước; tranh thủ tối đa cơ hội và thực hiện có hiệu quả các nguồn lực đầu tư, sự ủng hộ, hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương trong việc huy động vốn đầu tư thực hiện các dự án xây dựng trên địa bàn, nhất là các công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, công trình phục vụ dân sinh…

Tại kỳ họp HĐND khóa V hôm qua, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trình đề án thành lập TX Hương Thủy, thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế trên cơ sở H.Hương Thủy. Đây là TX cửa ngõ phía nam của tỉnh Thừa Thiên - Huế với 12 đơn vị hành chính gồm 5 phường và 7 xã. Đợt này, UBND tỉnh cũng trình đề án thành lập thêm 3 phường thuộc TP Huế gồm: Thủy Biều, Hương Long, Thủy Xuân, trên cơ sở 3 xã cùng tên. (Bùi Ngọc Long)

Tại kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa VII hôm qua, ông Hứa Văn Tuấn - Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng cho biết: Trước bức xúc của người dân và du khách, lãnh đạo tỉnh giao cho Sở làm việc với Cục Đường bộ và Bộ GTVT đề nghị dừng thu phí trạm Bảo Lộc từ 1.1.2010 đến khi sửa chữa xong đèo Bảo Lộc. Thế nhưng đến nay Bộ GTVT vẫn chưa có quyết định chính thức vì 2 lý do: Trạm được phân chỉ tiêu thu ngân sách và chưa giải quyết được số lao động làm việc tại trạm thu phí này. Như Thanh Niên đã nhiều lần phản ánh, đèo Bảo Lộc đang được nâng cấp mở rộng, thường xuyên gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền nhưng ở ngay đầu đèo lại có trạm thu phí nhếch nhác rất phản cảm và làm nản lòng du khách. (Lâm Viên)

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Ninh Thuận hôm qua, ông Lê Kinh Hùng - Giám đốc Sở Công thương cho biết hiện tiến độ xây dựng các KCN trên địa bàn tỉnh rất chậm, ảnh hưởng đến đời sống, công ăn việc làm của người dân trong vùng dự án (DA). Cụ thể: DA đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Du Long có tổng diện tích trên 407 ha (tổng vốn đầu tư hơn 700 tỉ đồng) do Công ty TNHH liên doanh Hoa Cheng Long Đức Phong - Hoàng Quân đầu tư, khởi công tháng 5.2008, nhưng đến nay vẫn "nằm yên". DA khu liên hợp thép Cà Ná có tổng vốn đầu tư 9,8 tỉ USD do liên doanh hai tập đoàn Lion Group - Vinashin đầu tư, tiến hành động thổ giai đoạn I vào ngày 13.11.2008, dự kiến hoàn thành cuối năm 2010. Tuy nhiên đã hơn một năm qua, DA này vẫn trong tình trạng "đóng băng". DA KCN Phước Nam khởi công tháng 10.2007, trên diện tích 151 ha (giai đoạn I) nhưng đến nay mới thi công được 30% khối lượng... Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Trương Xuân Thìn đề nghị UBND tỉnh rà soát, tìm hiểu nguyên nhân và phải kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư đối với những DA cố tình dây dưa, chậm triển khai. (Thiện Nhân)

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.