Nhà văn Dazai Osamu 'phơi mình' trong tiểu thuyết 'Thất lạc cõi người'

17/04/2021 14:00 GMT+7

Xoay quanh nhân vật chính Oba Yozo, Thất lạc cõi người đưa độc giả đi qua một cuộc đời ngắn ngủi với đủ những bi kịch, khổ đau của một con người “sống lạc” giữa một thế giới bình thường, hay Oba Yozo không thuộc về thế giới ấy.

Thất lạc cõi người là tiểu thuyết cuối cùng của Dazai Osamu (1909-1948, tác giả của những Tà dương, Nữ sinh) trước khi chết, một cái chết tự thân khi Dazai cùng người tình Tomie trầm mình xuống hồ nước Tamagawa vì lý do đầy đau khổ trong lời trăng trối “Tôi không viết được nữa”.

Thất lạc cõi người, tấm gương soi cuộc đời Dazai Osamu

Chắt lọc tất cả sự diễm tuyệt văn chương của bản thân, Thất lạc cõi người trở thành tác phẩm để đời của Dazai không chỉ ở chỗ là tác phẩm bán chạy nhất trong lịch sử văn học Nhật Bản với hơn 10 triệu bản in được tiêu thụ, mà ở Thất lạc cõi người, ta như gặp lại tác giả qua nhân vật chính Oba Yozo. Tưởng như với chính Oba Yozo, Dazai rút ruột mình mà phơi bày tất cả nỗi lòng, trải nghiệm bi thảm của cuộc đời đầy cô đơn.
Bởi cuộc đời ngắn ngủi 39 năm trên dương thế của nhà văn thuộc dòng văn học “vô lại phái” là một đời đầy những đau thương và vụn vỡ những mộng mơ. Dazai đã tự sát đến 5 lần, sống ngập trong rượu và lệ thuộc vào thuốc giảm đau. Không chỉ thế, ông còn từng vào bệnh viện tâm thần, ly dị vợ rồi tái hôn, con trai thì tật nguyền, mộng văn chương lận đận... Trong khi ấy, nhân vật Oba Yozo cũng từng tự sát với người tình, nghiện rượu và vào bệnh viện tâm thần…
Với tất cả những sự tương hợp và cả tính dự báo ấy (Dazai đã tự sát và chết cùng người tình Tomie sau khi viết xong Thất lạc cõi người, tương tự như nhân vật Oba Yozo). Vậy nên sẽ là không nói ngoa nếu nhận xét rằng Thất lạc cõi người là dạng “tiểu thuyết tự truyện”.
Đọc Thất lạc cõi người, độc giả chìm vào một thế giới rất khác với hiện tại về không gian, và cả thời gian. Đặt trong bối cảnh Nhật Bản nửa đầu thế kỷ 20, nhân vật trung tâm Oba Yozo đưa ta vào câu chuyện tự sự của đời anh, một cuộc đời “thất lạc” giữa cõi nhân gian mà với nhân vật chính, cả một cuộc đời luôn lạc lõng và sống trong sợ hãi, sợ hãi loài người, những đồng loại.

Sợ hãi cuộc đời và lệ thuộc phụ nữ

Ngay từ nhỏ cho đến khi trưởng thành và va vấp với đời, trong Oba Yozo như đã mặc nhiên nơi bản thân sự sợ hãi, một nỗi sợ thường trực với con người, dù cho đó là cha mẹ, người thân hay những bạn học, người tình... Chỉ một hành động nhỏ nhất tưởng như bình thường đến vô thưởng vô phạt, nhưng qua lăng kính tiếp nhận và tự suy của Oba Yozo, nó trở thành vấn đề thực sự nghiêm trọng.

Nhà văn Dazai Osamu

ẢNH: SOHU

Tuổi thơ Yozo bất hạnh trong vỏ bọc vui vẻ, hạnh phúc. Yozo mất niềm tin hoàn toàn vào con người, kể cả mẹ cha, những người yêu mình. Ngay cả thần linh cũng không phải là sự cứu rỗi với tâm hồn của chàng trai trẻ. Chính con người “thất lạc” này đã từng đau khổ tâm sự: “Đối với con người lúc nào tôi cũng sợ run cầm cập, tôi lại không chút nào tự tin về hành vi cử chỉ của mình với tư cách là một con người”.
Để đối phó với nỗi sợ tự thân ấy, cậu khoác tấm áo của anh hề vui vẻ, chọc cười mọi người, bên ngoài thể hiện sự lạc quan, tự tin ghê gớm nhưng bên trong luôn là sự bất an, lo sợ, mẫn cảm với bất cứ một sự việc bình thường nào từ những người xung quanh, kể cả người thân. Và vì sống với hai gương mặt, nên cậu luôn nơm nớp lo sợ bị ai đó phát hiện, “lột mặt nạ” vai hề của mình. Tự ti trong lòng, tự tin bên ngoài, Oba Yozo thực sự sống lạc trong một thế giới không thuộc về mình.
Xuyên suốt truyện, dễ nhận thấy Yozo rất "sát gái", cái số đào hoa đến tự nhiên khi không phải Yozo có tài tán tỉnh gì, mà ở bản thân Yozo, một ma lực nào đó khiến cho nữ giới, từ cô gái đồng trinh cho đến phụ nữ có gia đình, đều sẵn sàng ngả vào lòng anh chàng. Nhưng cũng chính nữ giới làm chàng trai sợ sệt, và cả khổ đau tột cùng về sau.
Ngay từ khi còn là cậu học sinh, Oba Yozo đã được nhiều bạn nữ cảm tình; đến khi đi học ở Tokyo, từ cô gái bán cà phê, phục vụ bàn cho tới gái lầu xanh, phụ nữ có chồng hay góa chồng đều thích Yozo, sẵn sàng chiều lòng, sống chung với anh. “Cái mùi “sát gái” đã ngấm vào người tôi […] Đó là “phần thưởng” của việc ngâm mình trong cái không khí bỉ lậu, mất danh dự”, Yozo đã phải tự thuật như thế. Đào hoa đấy, nhưng đó cũng là khổ đau, khi Oba Yozo ngày càng lệ thuộc, làm chồng hờ, sống dựa, sống gửi vào sự thương yêu của phụ nữ, quên mình trên bầu ngực của những cô gái bất hạnh yêu thương anh.
Và cũng chính vì thế, Yozo sống vô định, không mục đích, không chí hướng, sống gửi, sống tạm, vùi trong rượu và say sưa bên phụ nữ để tìm quên thực tại.
Rời bỏ gia đình, đánh mất nguồn trợ cấp, sống gửi ở đàn bà, đó đã là bi kịch của kẻ làm trai, nhưng không chỉ thế, Yozo còn bế tắc đến mức cùng người tình Tsuneko trầm mình tự tử, “nhưng nàng thì chết, chỉ có tôi là được cứu”, anh rơi vào vòng lao lý và ám ảnh suốt đời về kỷ niệm đen tối ấy, và đời Yozo cứ thế trượt dài. Bi kịch hơn, giấc mộng sự nghiệp làm họa sĩ tầm cỡ cũng nhanh chóng tan biến khi để mưu sinh, anh phải nhận làm thợ vẽ tranh vô danh cho một tạp chí trẻ em, thậm chí là vẽ tranh cho những tạp chí “người lớn” để có tiền quên sầu trong rượu.
Giữa những bi kịch tự thân hoặc trên trời rơi xuống với Oba Yozo, thì đâu đó vẫn có những cái đẹp le lói trong đời chàng. Ấy là khi Yozo gặp, yêu và kết hôn với Yoshiko, một cô gái trinh trắng và nhìn đời đầy màu hồng. Nhưng niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, biến cố đêm trăng khi thấy vợ mình bị kẻ khác làm nhục mà không kịp ra tay giúp đã ngược chiều số phận, đưa Yozo trở lại bi kịch cuộc đời, rồi sau đó là rượu, là morphine và rồi là… bệnh viện tâm thần, Oba Yozo hoàn toàn “thất lạc” giữa thế giới loài người. Lúc ấy, nhân vật chính 27 tuổi, cái tuổi đương xuân nhưng răng rụng, tóc bạc đến nỗi nhân dạng như một trung niên hơn 40.
Truyện kết thúc ở đây hay là ngòi bút Dazai Osamu đã vắt kiệt bầu tâm sự lòng mình. Gấp lại Thất lạc cõi người, ta có thể tự vấn rằng, đời Oba Yozo đã là đỉnh điểm của bi kịch phận người, hay là sự lạc lối của cá nhân không hiểu thế giới?
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.