Kỳ lạ loài luân trùng sau 24.000 năm đóng băng vẫn sinh sản được

Khánh An
Khánh An
08/06/2021 10:57 GMT+7

Loài sinh vật đa bào không xương sống được phát hiện có khả năng sinh sản trở lại sau khi bị đóng băng 24.000 năm trong lớp băng vĩnh cữu.

Tờ The Guardian ngày 8.6 đưa tin một loài luân trùng khiến giới sinh học ngạc nhiên khi sống sót sau ít nhất 24.000 năm trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia và sau đó có thể sinh sản. Những nghiên cứu trước đây cho thấy loài vi sinh vật này chỉ có thể sống sót đến 1 thập niên sau khi bị đóng băng. 
Loài sinh vật đa bào không xương sống chỉ có giống cái, được gọi là luân trùng Bdelloid, vốn đã nổi tiếng vì khả năng chống lại tia phóng xạ và chịu được môi trường khắc nghiệt, không có thức ăn và ít ô xy.

Phát hiện sâu “xác sống” tồn tại 24.000 năm trong lớp băng vĩnh cửu

Chúng đã tồn tại ít nhất 35 triệu năm và hiện có thể được tìm thấy tại các ao, hồ, sông suối và các môi trường ẩm ướt như rêu, địa y, vỏ cây và đất, với kích thước khoảng 0,5 mm.
Những sinh vật nhỏ bé nhưng cứng cỏi này có ống tiêu hóa hoàn chỉnh gồm miệng và hậu môn. Chúng có thể sống trong môi trường khắc nghiệt nhờ cơ chế “đóng băng” mọi hoạt động và hầu như dừng trao đổi chất.
Theo chuyên gia Stas Malavin tại Phòng thí nghiệm SCL (Nga), đó là trạng thái tạm dừng trao đổi chất giống như “ẩn sự sống và nằm giữa trạng thái sống và chết”.
Ông Malavin và các cộng sự đã dùng phương pháp phân tích carbon phóng xạ để xác định mẫu vật khoan tại các vùng Bắc cực và xác định chúng khoảng 24.000 năm tuổi. Sau khi được rã đông trong phòng thí nghiệm, chúng lại tiếp tục sinh sản đơn tính. Theo ông Malavin, khám phá mới đem lại nhiều câu hỏi hơn câu trả lời, nhất là về cơ chế sống sót trong thời gian lâu dài như thế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.