Ở Đức và một số nước châu Âu khác, có hơn 75.000 viên đá Stolpersteine, theo DW. Đây là những tấm đồng nhỏ được lắp đặt trên vỉa hè để ghi tên các nạn nhân bị Đức Quốc xã giết hại.
Tuy nhiên, theo một phản ánh của DW mới đây, trong số những viên Stolpersteine ở Đức, chỉ có 4 tấm dành cho những nạn nhân da đen của Đức Quốc xã. Và số Stolpersteine chỉ vừa tăng từ 2 lên 4 trong thời gian gần đây. Vào ngày 29.8, thêm 2 tấm Stolpersteine được đặt ở thủ đô Berlin của Đức để tưởng nhớ Martha Ndumbe và Ferdinand James Allen.
Số người da đen ở Đức dưới thời Đức Quốc xã
Marianne Bechhaus-Gerst, giáo sư Nghiên cứu Châu Phi tại Đại học Cologne, nói người gốc Phi là những nạn nhân Đức Quốc xã bị lãng quên. Bà cũng nói thêm rằng việc họ bị đàn áp dưới thời Đức Quốc xã chưa được quan tâm đầy đủ.
Rất khó để ước tính số người da đen đang sống ở Đức khi Đức Quốc xã nắm quyền vào năm 1933. Nhiều người trong số đó đến từ các nước thuộc địa của Đức ở Châu Phi. Tuy vậy, cộng đồng này đa dạng hơn như vậy nhiều, giáo sư Robbie Aitken chuyên về lịch sử người Đức da đen của Đại học Sheffield Hallam (Anh) cho biết. "Khoảng năm 1933, một số người đàn ông da đen và gia đình đã rời Đức vì sự trỗi dậy của Đức Quốc xã".
|
Một thành phần quan trọng khác trong nhóm người Đức gốc Phi được gọi là "Lũ khốn Rhineland". Đây là cách gọi phân biệt chủng tộc và xúc phạm Đức Quốc xã dành cho những đứa trẻ có cha là lính Pháp gốc Phi đóng quân ở Rhineland sau Thế chiến 1.
“Nếu tính cả 600-900 đứa trẻ da đen ở Rhineland thì có khoảng 1.500-2.000 cư dân da đen ở Đức vào thời điểm đó”, ông Aitken nói. Cjhuyên gia này cho biết thêm rằng nhiều đàn ông và phụ nữ da đen làm công việc biểu diễn, vận động viên hoặc nhà ngoại giao cũng tạm thời sống ở Đức vào lúc đó.
Cái tên trên những viên đá
Gunter Demnig, nghệ sĩ nảy ra ý tưởng về Stolpersteine, đã tham gia buổi lễ đặt 2 viên đá tưởng niệm mới nhất dành cho người da đen ở Berlin vào ngày 29.8. Ông đã cẩn thận đặt các viên đá trước nơi nạn nhân sinh sống trước khi họ bị Đức quốc xã bắt giữ.
Một viên đá trong số đó dành cho Martha Ndumbe, chết tại trại tập trung Ravensbrück. Nghi lễ đặt Stolpersteine cho bà Ndumbe bắt đầu tại số 24 Max-Beer Strasse, ngôi nhà bà sống trước khi bị giam cầm.
Bà Martha Ndumbe sinh năm 1902 tại Berlin. Cha bà, Jacob Ndumbe, là người Cameroon, và mẹ bà, Dorothea Grunwaldt, là người Đức quê ở thành phố Hamburg.
Cha của bà Martha đến Đức để tham gia Triển lãm về các thuộc địa Đức lần thứ nhất ở Berlin. Sau triển lãm, ông ở lại Berlin, nơi bà Martha được sinh ra.
Khi bà Martha lớn lên, sự phân biệt đối xử khiến tình hình kinh tế và xã hội đối của người da đen ở Đức trở nên khó khăn. Bà Martha không thể tìm được một công việc tử tế. “Bà ấy chuyển sang làm gái mại dâm và trộm cắp vặt để kiếm sống”, chuyên gia Aitken cho biết.
Đức Quốc xã đã bỏ tù bà với cáo buộc bà làm "tội phạm chuyên nghiệp chống đối xã hội". Ngày 9.6.1944, bà bị đưa đến trại tập trung Ravensbrück và qua đời tại đó vào ngày 5.2.1945.
|
Viên đá thứ hai trong ngày 29.8 được đặt tại số 176-178 Torstrasse, nơi cuối cùng Ferdinand James Allen (sinh năm 1898) sinh sống.
Cha ông, James Cornelius Allen, là một nhạc sĩ da đen người Anh đến từ vùng Caribbean và sống ở Berlin. Mẹ ông, Lina Panzer, là một phụ nữ Đức đến từ Berlin.
Ông Ferdinand cũng có cuộc sống khó khăn vì là người da đen. Bên cạnh đó, ông còn bị động kinh.
Ông bị triệt sản theo Luật phòng chống bệnh di truyền năm 1933 của Đức Quốc xã. Theo chuyên gia Aitken, ông Ferdinand bị Đức Quốc xã giết tại bệnh viện tâm thần Bernburg vào ngày 14.5.1941 do vấn đề sức khỏe tâm thần.
Ngoài hai viên Stolpersteine mới được lắp vào ngày 29.8, thành phố Berlin còn có một Stolpersteine khác. Viên đá này được lắp đặt vào năm 2007 để tưởng niệm Mahjub bin Adam Mohamed.
Mahjub bin Adam Mohamed sinh năm 1904 tại Dar es Salaam, trung tâm tài chính của Tanzania. Vào thời điểm đó, thành phố này là một phần của Đông Phi thuộc Đức, bao gồm Tanzania, Rwanda và Burundi ngày nay. Tại quê nhà, ông làm việc cho quân đội thuộc địa Đức và sau đó chuyển đến Berlin vào năm 1929, ngay trước khi Đức Quốc xã nắm quyền vào năm 1933.
Ông Mahjub cũng gặp khó khăn về kinh tế do bị phân biệt đối xử. Người đàn ông này phải làm nhiều việc, như giáo viên tiếng Swahili, bồi bàn trong các khách sạn và diễn viên trong nhiều bộ phim thuộc địa.
|
Đức Quốc xã buộc tội ông "vi phạm các rào cản chủng tộc" vì có quan hệ với phụ nữ Đức và tống ông đến trại tập trung Sachsenhausen vào năm 1941. Ông qua đời tại đó vào ngày 24.11.1944.
Viên đá tưởng niệm ông Mahjub được đặt trước ngôi nhà số 193 Brunnenstrasse ở Berlin, nơi ông bị bắt.
Ba viên Stolpersteine trên đều nằm ở quận Mitte của Berlin. Đây là nơi hầu hết người da đen ở Berlin sinh sống vào thời điểm đó, theo ông Robbie Aitken.
“Đó chủ yếu là các cộng đồng da đen nghèo. Dù có tiền, họ cũng không được chào đón nếu sống ở những nơi khác”, nhà hoạt động người Tanzania tại Berlin, Mnyaka Sururu Mboro, chỉ ra.
Viên Stolpersteine thứ tư được đặt tại số 9 Marburgerstrasse, thành phố Frankfurt. Viên đá này tưởng nhớ Hagar Martin Brown, một người Nam Phi.
Brown sinh năm 1889 và được đưa đến Đức để làm người hầu trong một gia đình quý tộc. Trong thời Đệ tam Đế chế, các bác sĩ đã dùng ông để thử nghiệm các hóa chất y tế và khiến ông qua đời vào năm 1940.
Bình luận (0)