Ngày 19.9, thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký các quyết định phạt hành chính về hành vi xả nước thải trái phép từ quá trình chế biến, sản xuất hải sản ra sông Lạch Bạng đối với Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn, và Công ty CP thương mại vận tải và chế biến Hải Long (đều có địa chỉ tại P.Hải Bình, TX.Nghi Sơn, Thanh Hóa).
Việc xử lý hành chính 2 doanh nghiệp trên liên quan đến vụ hơn 44 tấn cá lồng của người dân nuôi trên sông Lạch Bạng chết hàng loạt từ ngày 19 - 20.7.
|
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa xác định Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn đã bơm xả nước thải từ quá trình chế biến hải sản ra sông Lạch Bạng với lưu lượng 11 m3/ngày.
Nước thải xả trái phép có chỉ tiêu TSS vượt 10,04 lần, BOD5 vượt 141,1 lần, COD vượt 89,8 lần, NH4 vượt 58,5 lần, tổng N vượt 21,4 lần, tổng P vượt 4,46 lần, dầu mỡ động thực vật vượt 18,8 lần, coliform vượt 8,6 lần.
Đối với Công ty CP thương mại vận tải và chế biến Hải Long đã xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Lạch Bạng với lưu lượng 39,6 m3/ngày. Nước thải do công ty này xả trái phép ra sông Lạch Bạng, có chỉ tiêu BOD5 vượt 2,86 lần, COD vượt 1,56 lần, NH4 vượt 1,1 lần.
|
Căn cứ vào mức độ vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định phạt hành chính Công ty CP thương mại vận tải và chế biến Hải Long tổng số tiền 104 triệu đồng; xử phạt Công ty TNHH chế biến hải sản Ngọc Sơn 882 triệu đồng.
Đồng thời, yêu cầu cả 2 công ty trên khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đã gây ra, đầu tư hoàn chỉnh công trình xử lý nước thải mới được xem xét để hoạt động lại
Trước đó, như Thanh Niên đã phản ánh, các ngày 19 – 20.7, hơn 44 tấn cá nuôi lồng, gồm các loại cá vượt, hồng mỹ, cá mú, cá sủ… to từ 1 – 3 kg của người dân nuôi trên sông Lạch Bạng chết hàng loạt. Khu vực nuôi cá bị chết nằm ở xung quanh các cống xả thải của các công ty trên.
|
Thời điểm cá chết, Sở TN-MT Thanh Hóa kiểm tra đột xuất, và phát hiện 2 công ty trên có hành vi xả thải trái phép ra sông Lạch Bạng.
Dù đã phạt hành chính, nhưng trong biện pháp khắc phục, UBND tỉnh Thanh Hóa không đề cập đến nguyên nhân hơn 44 tấn cá lồng của người dân bị chết có phải do việc xả thải của các doanh nghiệp hay không, do đó, vẫn chưa khẳng định đơn vị nào phải chịu trách nhiệm cá của người dân bị chết.
Bình luận (0)