Nếu đoạt 10 - 15 HCV để lọt vào top 10 ASIAD 18, VN sẽ tạo một dấu ấn vĩ đại trong lịch sử thể thao nước nhà. Nhưng muốn lập kỳ tích đó, phải hoàn tất một kế hoạch chuẩn bị hoàn hảo.
Không để sống chết mặc bay
Chúng tôi từng rất đau lòng khi chứng kiến nhiều VĐV xuất sắc nhất VN “ngã ngựa” ở ASIAD 2010. Năm đó, VN chỉ đoạt vỏn vẹn 1 tấm HCV (đứng thứ 33/45) và có những thất bại cay đắng. Thật khó chấp nhận nếu 4 năm tới ở ASIAD 17 - 2014 tại Hàn Quốc và 7 năm nữa tại Hà Nội, “kỷ lục” đáng buồn trên không bị xóa bỏ.
Nói như một quan chức Tổng cục TDTT: “Tại ASIAD 18, đạt số lượng huy chương gấp 10 đến 15 lần so với ASIAD 2010 là mục tiêu “khủng khiếp” nhưng hoàn toàn có thể đạt được, với điều kiện sự đầu tư cũng như chiến lược phát triển phải khác với ASIAD 2010, nghĩa là phải mang tính đột phá táo bạo, có chiều sâu”. Mới đây, ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó chủ tịch Ủy ban Olympic VN, người chấp bút xây dựng đề án đăng cai ASIAD - đã trả lời Thanh Niên: “Chính phủ đã đồng ý cho Hà Nội đăng cai thì không đời nào Chính phủ để tình trạng sống chết mặc bay. Chắc chắn Chính phủ sẽ phê duyệt cho Bộ VH-TT-DL, Tổng cục TDTT có sự tham gia của Ủy ban Olympic quốc gia 1 chương trình quốc gia đào tạo đội ngũ VĐV hùng mạnh để có được thành tích vẻ vang cho dân tộc”.
|
Chính phủ không để tình trạng sống chết mặc bay. Vấn đề cốt lõi ở chỗ, ngành thể thao và các môn thuộc diện “chính sách” xây dựng lộ trình đoạt 10 - 15 HCV thế nào cho tương xứng.
Ông Vương Bích Thắng - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - trả lời báo chí: “Ngay từ bây giờ, chúng ta đã xác định nhóm mục tiêu mũi nhọn để xây dựng lực lượng, gồm các môn võ mà ta có thế mạnh (karatedo, taekwondo, vật nữ), các môn bắn súng, kiếm, bắn cung, cử tạ, đua thuyền, các môn Olympic: điền kinh, bơi, thể dục dụng cụ. Trên cơ sở đó, lựa chọn những VĐV trẻ mạnh nhất để đào tạo, tập huấn và cũng đã đàm phán xác định chuyên gia, HLV cho nhóm VĐV này. 4 trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội, TP.HCM, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu triển khai việc chuẩn bị. Chúng tôi cũng đang có kế hoạch xây dựng chế độ đãi ngộ đặc biệt. Tổng cục TDTT đã có kế hoạch chi tiết cho cả ASIAD, Olympic và SEA Games, sẽ có sự cân bằng giữa các mục tiêu”.
|
Tập huấn nước ngoài, thi đấu quốc tế...
Điền kinh - môn được giao chỉ tiêu đoạt 2 HCV - hiện mới chỉ có kế hoạch khái quát mà theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh VN - thì: “7 năm chuẩn bị là một khoảng thời gian không dài vì theo tính toán khoa học, phải mất một cữ 6 năm trở lên mới có được một chu kỳ thành tích đỉnh cao. Phải lập danh sách những VĐV có thể đoạt vàng cho VN và cho họ hưởng một chế độ đãi ngộ đặc biệt”.
“Với điền kinh, tới thời điểm đó, những thế hệ vàng như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng... đã không thể còn cống hiến trên cương vị VĐV mà phải trông chờ vào đội ngũ kế cận. VN hiện có những tài năng rất trẻ như Quách Thị Lan - nhảy rào nữ mới 17 tuổi, Huệ Hoa - nhảy ba bước, Thanh Phúc - đi bộ... Sẽ phải đưa đi tập huấn dài hạn tại nước ngoài trong vài năm, thậm chí bỏ cả giải vô địch quốc gia, chỉ về để dự SEA Games rồi lại tiếp tục “du học”. Chúng tôi sẽ nhờ Liên đoàn Điền kinh thế giới hoặc liên đoàn điền kinh các nước phát triển bậc nhất môn thể thao này giới thiệu. Dự kiến, một VĐV tập huấn nước ngoài sẽ được hưởng trước mắt 70 USD/ngày”.
Không sử dụng HLV nội mà dứt khoát sẽ thuê chuyên gia cho cả đội tuyển nam và nữ, là sự lựa chọn của taekwondo (dự tính đoạt 2 HCV ASIAD 18). Ông Vũ Tiến Thành - Trưởng bộ môn taekwondo Tổng cục TDTT - cho hay: “Chúng tôi sẽ thay đổi quan điểm đầu tư, cụ thể sẽ tập trung vào hạng cân nặng cho SEA Games và các giải Đông Nam Á. Còn muốn ăn thua ở Olympic hay ASIAD lại phải tập trung mũi nhọn vào hạng cân nhẹ và trung. Rất tiếc khi một nữ VĐV rất giỏi của VN là Chu Hoàng Diệu Linh - 17 tuổi, võ sĩ đoạt tấm vé chính thức dự Olympic London, dù đã được thuyết phục nhưng vẫn kiên quyết xin giải nghệ để tiếp tục học Đại học TDTT. Cũng may khi chúng ta còn vài gương mặt nữ khác khá xuất sắc như Lâm Thị Hà, Đoàn Thị Hương Giang, Ngô Thị Mỹ Tiên. Về nam, số 1 vẫn là Lê Huỳnh Châu và có thêm Nguyễn Hoài Nam. Đặc biệt nhất là sẽ cho các VĐV đi thi đấu quốc tế liên tục vì ngoài cơ hội cọ xát, thi đấu sẽ giúp VĐV VN tích lũy điểm. Điều này cực kỳ quan trọng bởi ở những giải lớn do Liên đoàn Taekwondo thế giới tổ chức sẽ được xếp hạt giống”.
Ông Nguyễn Đức Uýnh, Trưởng bộ môn bắn súng, khá lạc quan về lực lượng VĐV: “VN không thiếu nhân tài”, nhưng lại tỏ ra rất lo lắng ở khía cạnh khác: “Trường bắn xây dựng từ SEA Games 22 nên giờ xuống cấp và nếu không hỏng cũng khó sử dụng vì không còn phù hợp với yêu cầu quốc tế do luật thi đấu đã thay đổi. Trang thiết bị, súng đạn cho VĐV trọng điểm cũng thiếu nhiều. Nhưng dù khó khăn đến mấy, chúng tôi vẫn quyết tâm đầu tư, kêu gọi xã hội hóa để có thêm kinh phí và cố gắng đoạt chỉ tiêu 1 HCV với bắn cung và 2 HCV với bắn súng”.
Qua thành tích tại ASIAD 18, nâng cao vị thế của VN trên diễn đàn thể thao quốc tế là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của ngành thể thao. Hy vọng đó không là câu khẩu hiệu suông.
Lan Phương
Bình luận (0)