'Xe đạp ơi'... mùa nới giãn cách

Phạm Hữu
Phạm Hữu
03/10/2021 06:45 GMT+7

Khi nhịp sống đô thị trở lại trạng thái bình thường mới, cũng là lúc nhiều người chọn xe đạp làm phương tiện tập luyện thể thao, vừa đảm bảo sức khỏe vừa an toàn phòng dịch.

Đạp xe để sống chậm

Thời gian này TP.HCM đã nới lỏng giãn cách, những con đường bắt đầu đông đúc xe cộ hơn thường ngày. Các phòng gym, khu tập luyện thể thao bắt đầu hoạt động trở lại trong bối cảnh hạn hẹp. Nhiều người ở nhà quá lâu cảm thấy ngột ngạt, cơ thể chai lì vì bị gò bó nên chọn cách đạp xe quanh thành phố, vừa tập luyện thể thao vừa an toàn phòng dịch Covid-19.

Chơi môn xe đạp đã được nhiều năm, nhưng thời điểm dịch, Lương Trân Ngân Hà (27 tuổi, nhân viên ngành thiết bị y tế TP.HCM) mới bắt đầu đạp xe thường xuyên hơn. Tuy vậy, 4 tháng qua, cô buộc phải cất chiếc xe của mình và tự tập thể dục ở nhà. Vài ngày qua, khi thành phố bắt đầu nới lỏng giãn cách, cứ sáng sớm hoặc chiều tối, Hà lại cùng 3 người bạn hẹn nhau đạp xe tập thể dục cho khuây khỏa đầu óc.

Xe đạp đang là xu hướng tập luyện thể thao của giới trẻ

Phạm Hữu

Hà đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn rồi mới bắt đầu đạp xe. Cung đường được Hà lên lịch tùy vào sự ngẫu hứng mỗi ngày. Cô đạp vòng quanh từ đường lớn đến quận trung tâm rồi dạo các điểm nổi tiếng của thành phố. Hà bắt đầu đạp xe từ nhà ở Q.3, rồi đến đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), sau đó rẽ xuống đường Hoàng Sa vào trung tâm thành phố, cung đường cứ tiếp nối vài quận khác trong hành trình. Ngẫu hứng hơn, nhóm của cô tạo thử thách bằng cách đạp qua những cung đường khó, vượt những cây cầu lớn như cầu Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, rồi kết thúc hành trình tại nhà mình.

Còn Nguyễn Đức Tín (31 tuổi, nhân viên bất động sản ở TP.HCM) cũng chọn xe đạp là phương tiệp tập luyện thể thao. Nhờ đường sá vắng vẻ và nhất là không khí trong lành, Tín cảm thấy như mình được sống chậm, nghĩ khác khi hòa nhịp với khung cảnh yên bình của thành phố. Khi ra đường, Tín lúc nào cũng mang khẩu trang đề phòng dịch bệnh.

Theo Tín, việc lựa chọn tập thể dục bằng cách đạp xe đạp hiện nay là an toàn nhất vì không tụ tập đông người. Đây cũng là giải pháp tập luyện thể thao hợp lý trong bối cảnh sống chung với dịch.

“Thay vì ở lì trong nhà, tôi chọn cách đạp xe một mình, vừa đi được nhiều nơi, ngắm cảnh phố xá, thực hiện sở thích chụp hình, vừa tập luyện thể thao. Tôi ra đường mùa nới giãn cách nhưng vẫn thực hiện biện pháp 5K... nên cũng cảm thấy an toàn hơn”, Tín chia sẻ.

Bạn trẻ chọn cách đạp xe tập thể dục lúc nới lỏng giãn cách

Tập thể dục phải đảm bảo an toàn

Ngồi trên chiếc xe đạp có giá gần 50 triệu đồng, Nguyễn Văn Hoàng (27 tuổi, nhân viên ngành thiết bị y tế ở TP.HCM) cho biết để có thân hình đẹp như hiện tại là nhờ vào quá trình tập luyện thể thao. Để cơ thể không bị tuột dốc, Hoàng lại lôi chiếc xe đạp ngày nào của mình ra đạp cùng bạn bè để duy trì thể lực. Sở dĩ anh chọn chiếc xe đạp đắt tiền vì đạp xe lâu dài phải cần chiếc xe tốt, không bị hư vặt, đảm bảo an toàn bản thân trong mỗi hành trình.

Hoàng tiết lộ: “Tôi trang bị quần áo thể thao, đồ bảo hộ rồi nón bảo hiểm. Xe phải có đèn báo hiệu phía sau và đèn pha phía trước đề phòng khi đi ban đêm. Ngoài ra tôi còn trang bị thêm chiếc bơm xe đạp mini và bộ vá xe. Có như vậy mới giúp cho hành trình trên những cung đường cảm thấy được an toàn hơn”.

Từng chơi qua nhiều đời xe đạp, anh Lưu Hoàng Tuấn (35 tuổi, ngụ đường Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận) dường như đã ưng ý với chiếc xe giá 40 triệu đồng của mình. Anh lên đời phụ kiện cho xe thêm 8 triệu đồng. Tính ra, chiếc xe đạp hiện tại của anh gần 50 triệu đồng. “Đây là chiếc xe tôi mua để vi vu, tập thể dục trong mùa dịch này. Chiếc xe tôi ưng ý vì vừa nhẹ vừa đi tốt nhất từ trước đến nay”, anh Tuấn nói.

Đạp xe vừa ngắm cảnh vừa kết hợp tập thể thao

Để minh chứng cho lời nói của mình, anh đạp xe một mình ra Bưu điện Thành phố (Q.1), trên tay mang theo giá đỡ xe, đeo trên lưng là chiếc máy ảnh. Anh say sưa, mân mê rồi chụp từng chi tiết trên xe như thú vui riêng của người thích xe đạp. Sau đó, về nhà anh đăng tải lên mạng xã hội khoe với bạn bè vì đã lâu không gặp mùa giãn cách.

Đạp xe tập thể dục là điều tốt, nhưng thi thoảng lại rộ lên thông tin người đi xe đạp vi phạm luật giao thông. Cụ thể hơn, nhiều nhóm xe đạp tập thể dục bất chấp đi sai làn, vượt đèn đỏ.

Trên các diễn đàn, cộng đồng xe đạp, các thành viên luôn nhắc nhở nhau với thông điệp đi đúng luật Giao thông. “Đạp xe ra đường, điều ưu tiên nhất là đảm bảo an toàn cho bản thân, đạp xe để thư giãn, tập luyện chứ đâu có gấp gáp gì phải vượt đèn đỏ. Nếu là tôi thì nên tránh chạy xe sai luật như vậy”, Hà nói về cách ứng xử khi đạp xe tập thể dục.

“Người đi xe đạp tập thể thao cũng là người tham gia giao thông, không ai có thể đứng ngoài luật pháp được. Vì vậy, khi đạp xe tôi luôn dừng đèn đỏ hoặc đi đúng làn đường dành cho xe đạp. Có như thế không chỉ bảo vệ tính mạng mình mà còn bảo vệ cho người khác”, Hoàng chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.