Tình hình Covid-19 hôm nay 2.10: Xây dựng lộ trình thích ứng an toàn với dịch Covid-19

02/10/2021 17:46 GMT+7

Tình hình Covid-19 hôm nay: Chính phủ thảo luận, lắng nghe địa phương góp ý về lộ trình thích ứng an toàn; Thủ tướng yêu cầu đưa người dân có nguyện vọng về quê một cách an toàn…

Tình hình Covid-19 hôm nay có thông tin đáng chú ý: Chính phủ thảo luận, lắng nghe địa phương góp ý về lộ trình thích ứng an toàn với dịch Covid-19. Sáng 2.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Chính phủ dành phần đầu phiên họp để thảo luận, lắng nghe các ý kiến địa phương góp ý vào dự thảo thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch Covid-19. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất cần có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng dự thảo hướng dẫn tạm thời. Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, bên cạnh các ý kiến đồng thuận, cũng có các ý kiến khác nhau về dự thảo hướng dẫn, nên Chính phủ tiếp tục lấy thêm ý kiến các địa phương. “Không có phương án hoàn hảo, chúng ta chọn phương án tối ưu, đặc biệt không để ách tắc giao thông, ách tắc các chuỗi cung ứng mà chúng ta phải duy trì”, Thủ tướng lưu ý và đề nghị các đại biểu góp ý để nhanh chóng ban hành hướng dẫn trên phạm vi cả nước, đồng thời vẫn phù hợp với các địa bàn đặc thù như TP.HCM, Hà Nội…

Đường phố đông đúc khi TP.HCM chuyển sang trạng thái bình thường mới

ĐỘC LẬP

Thủ tướng yêu cầu đưa người dân có nguyện vọng về quê một cách an toàn. Kết luận phiên họp Chính phủ hôm nay, 2.10, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý các địa phương một số nội dung liên quan tới việc người dân trở về quê sau khi nới lỏng giãn cách tại một số địa bàn. Cụ thể, Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục vận động người dân ở lại, đồng thời triển khai các biện pháp ổn định cuộc sống, tiêm vắc xin, quan tâm giải quyết việc làm cho người dân… "Với những người thực sự cần trở về, các địa phương phối hợp, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ để đưa đón người dân một cách an toàn, trật tự, trên tinh thần tương thân, tương ái, tránh những căng thẳng không cần thiết", Thủ tướng nói, đồng thời biểu dương và đề nghị các địa phương tham khảo một số bài học kinh nghiệm tốt như Vĩnh Phúc đã đón hơn 20.000 người dân trở về bảo đảm an toàn, Tiền Giang đón người dân trở về theo hướng phân cấp, phân tán.

CSGT Đồng Nai dẫn đường đưa bà con miền Tây, Ninh Thuận, Đắk Lắk về quê

Phấn đấu đến 2025, Việt Nam sản xuất được tối thiểu 3 loại vắc xin. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký quyết định phê duyệt chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia nghiên cứu sản xuất vắc xin sử dụng cho người đến năm 2030. Chương trình phấn đấu 100% vắc xin trong nước đạt tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho Chương trình tiêm chủng mở rộng và một số vắc xin khác; từng bước đưa vắc xin Việt Nam tham gia thị trường quốc tế. Đến năm 2025, làm chủ công nghệ sản xuất 10 loại vắc xin và sản xuất được tối thiểu 3 loại vắc xin; đến năm 2030, làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại và sản xuất được tối thiểu 5 loại vắc xin.

Phấn đấu đến 2025, Việt Nam sản xuất được tối thiểu 3 loại vắc xin

Người dân TP.HCM ra, vào thành phố phải làm đơn đề nghị. Theo đó, người dân TP.HCM phải có văn bản cho phép của UBND tỉnh, thành phố nơi đi hoặc Sở GTVT TP.HCM. Cụ thể, đối với người dân TP.HCM từ các tỉnh, thành phố khác trở về TP.HCM, phải đảm bảo các điều kiện: Có giấy tờ chứng minh thường xuyên cư trú, làm việc tại TP.HCM như: hộ khẩu, giấy tạm trú, căn cước công dân hoặc chứng minh thư, giấy khai sinh (đối với trẻ em); Có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 còn hiệu lực (trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu). Theo hướng dẫn, người dân từ TP.HCM đi các tỉnh/ thành phố và ngược lại, trong một số trường hợp cấp thiết, người dân có đơn đề nghị gửi qua hộp thư điện tử của Sở GTVT TP (sgtvt@tphcm.gov.vn) trình bày lý do, kế hoạch di chuyển (hoàn cảnh, thời gian, phương tiện, số lượng người theo danh sách chi tiết...; kèm bản chụp giấy tờ tùy thân và giấy tờ liên quan; giấy tờ chứng minh) để được xem xét, giải quyết và thông báo kết quả qua địa chỉ mail trong vòng 48 giờ kể từ khi nhận được đơn đề nghị.

Bình Dương mở lại sản xuất, kinh doanh. Theo văn bản của UBND tỉnh Bình Dương, từ 1.10, thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh an toàn, hiệu quả. UBND tỉnh Bình Dương cho phép các cơ quan đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị xã hội của T.Ư đóng trên địa bàn và địa phương được đi làm việc trở lại (khi đủ điều kiện phòng dịch) tập trung từ 80-100% số lượng công chức, viên chức. Các hoạt động tập trung trong nhà như hội họp, tập huấn tập trung tối đa không quá 10 người, nhưng nếu có 90% số người tham gia đã tiêm đủ liều vắc xin thì được tập trung tối đa 60 người. Hoạt động ngoài trời tối đa là 15 người, tiêm đủ liều vắc xin là 90 người. Đám cưới, đám tang, tín ngưỡng, tôn giáo được tập trung trong nhà không quá 10 người, nếu có 90% số người tiêm đủ liều vắc xin được tập trung không quá 60 người.

Thanh Hóa có gần 300 người liên quan ổ dịch Bệnh viện Việt Đức. Ngày 2.10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản khẩn yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai ngay việc rà soát số người dân liên quan đến ổ dịch Bệnh viện hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), để áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Theo rà soát bước đầu, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa ghi nhận từ ngày 15 - 30.9, có 294 người dân địa phương này đến điều trị, khám bệnh tại Bệnh viện hữu nghị Việt Đức. Tuy nhiên, đây chỉ là số liệu người khám, điều trị, có thể còn nhiều người dân khác trong thời gian từ 15 - 30.9 đến Bệnh viện hữu nghị Việt Đức thăm hỏi, hoặc công tác...

Vĩnh Long tiếp nhận, đưa đi cách ly hơn 750 công dân về quê bằng xe máy. Ngày 2.10, ông Văn Công Minh, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, cho biết đến sáng cùng ngày, tỉnh đã tiếp nhận và đưa đi cách ly tập trung hơn 750 công dân. “Hiện tại, cơ sở cách ly tập trung đủ đáp ứng nhu cầu nhưng hôm nay tỉnh tiếp tục đón hơn 200 công dân ở TP.HCM về quê. Và số người về quê tự phát sẽ còn tăng nên tỉnh đã thành lập thêm một số khu cách ly tập trung để thực hiện đảm bảo phòng chống dịch”, ông Minh thông tin thêm. Cũng trong ngày 2.10, tỉnh Vĩnh Long tổ chức đón hơn 200 công dân đang gặp khó khăn ở TP.HCM về quê bằng xe khách, do Công ty cổ phần xe khách Phương Trang hỗ trợ. Những người này thuộc đối tượng ưu tiên và không phải là F0, F1.

Tình hình Covid-19 hôm nay, hàng nghìn lao động đã nhận được tiền hỗ trợ thất nghiệp qua tài khoản. Theo BHXH Việt Nam, Nghị quyết 116, Quyết định 28 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1.10. Mức hỗ trợ được chia theo 6 mức, từ 1,8 - 3,3 triệu đồng. Thống kê tại 20/63 tỉnh, thành phố trong ngày đầu thực hiện, đã có 3.570 NLĐ được chi trả tiền hỗ trợ với tổng số tiền hơn 10,3 tỉ đồng. Ngoài ra, có 137.826 NSDLĐ được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% vào quỹ BHTN trong thời gian 12 tháng (từ 1.10.2021 đến 30.9.2022) cho khoảng hơn 4,4 triệu NLĐ với tổng số tiền gần 3.470 tỉ đồng. BHXH Việt Nam cho biết, dự kiến có gần 13 triệu NLĐ và 386.000 doanh nghiệp được thụ hưởng từ chính sách này. Tổng số tiền hỗ trợ lên tới 38 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.