Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ đổi tên thành ĐH UEH trong tương lai? |
Đ.N.T |
Vì sao lấy tên ‘Đại học UEH’?
Hôm nay (3.10), trao đổi với Thanh Niên, GS-TS Nguyễn Đông Phong, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho biết một hội nghị trực tuyến với gần 800 viên chức, người lao động triển khai Đề án tái cấu trúc nâng cấp Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thành một đại học vừa diễn ra cuối tháng 9. Trong các nội dung cụ thể về đề án tái cấu trúc, hội nghị lấy ý kiến toàn trường về tên gọi 'Đại học UEH' của đại học này trong tương lai.
Theo đó, hội nghị đã lấy ý kiến về tên gọi của đại học trong đề án nâng cấp Trường Đại học Kinh tế TP.HCM thành một đại học đa ngành. Kết quả, có gần 96% giảng viên, viên chức và người lao động đề xuất lấy tên ‘Đại học UEH’ trong tương lai.
Theo GS-TS Nguyễn Đông Phong, UEH xuất phát là từ tiếng Anh viết tắt của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM (University of Economics Ho Chi Minh City – PV). Tuy nhiên, khi đổi tên thành ‘Đại học UEH’, lúc này tên gọi này là một tên riêng, giống như một số trường ĐH khác tại Việt Nam như RMIT, FPT…
“UEH là tên viết tắt của trường đã sử dụng từ lâu, thể hiện truyền thống 45 năm phát triển của nhà trường. Vì vậy, đề xuất lấy tên ‘Đại học UEH’ này quen thuộc với nhiều thế hiện giảng viên, viên chức, người lao động, người học và các đối tác của trường”, GS Phong chia sẻ.
Cũng theo GS-TS Nguyễn Đông Phong, tên gọi mới này đã được Đảng uỷ thông qua 100% trong cuộc họp ngày 2.10. Trong tuần tới, Hội đồng trường sẽ có cuộc họp để thông qua đề án, trong đó có tên gọi mới. “Hiện đề án tái cấu trúc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, hình thành Đại học UEH đã được chuẩn bị xong. Dự kiến, cuối tháng 10 trường sẽ công bố việc thành lập 3 trường thành viên.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong thư viện |
Hà ánh |
"Đại học UEH" với 5 trường thành viên sẽ hoạt động ra sao?
Theo thông tin từ Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn, quá trình phát triển của "Đại học UEH" từ nay đến năm 2030 có 2 giai đoạn tái cấu trúc.
Giai đoạn 1 (2021-2025), hình thành "Đại học UEH" đa ngành, đa lĩnh vực về kinh tế, kinh doanh quản lý, khoa học xã hội và công nghệ trên cơ sở tái cấu trúc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM hiện nay. Đại học này sẽ hình thành 3 trường thành viên gồm: Trường Kinh doanh; Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước; Trường Công nghệ và Thiết kế.
Ở giai đoạn 2 (2026-2030), "Đại học UEH" hình thành thêm Trường Quốc tế và nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường đại học ở khu vực ĐBSCL. Giai đoạn này, ĐH sẽ đẩy mạnh đào tạo quốc tế và phát triển mở rộng ở địa phương, hướng tới được công nhận trong khu vực châu Á với xếp hạng trong 500 trường ĐH tốt nhất châu Á.
Ngay trong năm 2021, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM sẽ bắt đầu với mô hình hoạt động của 3 trường thành viên. Trường thành viên sẽ có các đơn vị chuyên môn thuộc trường như các khoa đào tạo, các viện nghiên cứu, viện nghiên cứu và đào tạo, 1 đơn vị đào tạo các chương trình ngắn hạn.
Đặc biệt, ở mỗi trường thành viên sẽ thành lập phòng Tổng hợp để thực hiện các chức năng hành chính, quản trị, hỗ trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, truyền thông, kết nối đối tác và các công tác nhân sự, tài chính. Ngoài ra, phòng Tổng hợp còn có 1 chuyên viên đặc trách tại mỗi khoa, viện đào tạo làm nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ người học, kết nối, phối hợp hoạt động giữa các khoa, viện với phòng Tổng hợp, đảm bảo theo sự điều hành của lãnh đạo trường thành viên và định hướng của UEH.
Với sự thay đổi này, theo GS-TS Nguyễn Đông Phong, sẽ có tác động lớn tới người học. Với sự phát triển đa ngành, mô hình đại học này sẽ tạo cơ hội cho người học được học tập theo xu hướng liên, xuyên ngành thay vì chỉ đơn ngành chuyên sâu như hiện nay. Xu hướng phát triển này nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực trong thời đại mới dưới sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bình luận (0)