Nhiều ngành đứng trước nguy cơ thiếu nhân lực

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
05/10/2021 07:59 GMT+7

Trong khi các ngành “nóng” thu hút quá đông thí sinh thì nhóm ngành về nông lâm nghiệp, địa chất, khí hậu, môi trường có quá ít thí sinh nộp hồ sơ khiến cho các chuyên gia lo lắng một số lĩnh vực sẽ thiếu hụt nguồn nhân lực trong tương lai.

Hậu dịch Covid-19, nguy cơ thiếu nhân lực cho cung ứng cho nhiều doanh nghiệp

lê thanh

Tỷ lệ nhập học rất thấp

Toàn cảnh tuyển sinh ĐH năm nay cho thấy xu hướng thí sinh vẫn tiếp tục bị thu hút bởi nhóm ngành y dược, kinh tế, công nghệ thông tin và các ngành về ngôn ngữ, truyền thông...

Trong khi đó, đối lập với tình trạng này, lại có những nhóm ngành điểm chuẩn hạ xuống mức thấp nhất, chỉ 15 điểm. Chẳng hạn, tại Trường ĐH Tài nguyên và môi trường Hà Nội, các ngành truyền thống của trường như biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, thủy văn học, khí tượng và khí hậu học, kỹ thuật trắc địa bản đồ, quản lý biển, quản lý tài nguyên nước, quản lý tài nguyên và môi trường... lại chỉ lấy 15 điểm.

Tương tự, Trường ĐH Tài nguyên và môi trường TP.HCM có ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh điểm trúng tuyển tới 24, nhưng các ngành truyền thống của trường như địa chất học, khí tượng và khí hậu học, kỹ thuật trắc địa bản đồ, tài nguyên nước, kinh tế tài nguyên thiên nhiên, quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo... cũng chỉ 15 điểm là đậu.

Đổ xô vào lựa chọn ngành “nóng” dẫn đến một số lĩnh vực sẽ thiếu hụt nguồn lao động trong tương lai. Trong ảnh: Lao động trẻ tìm việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM

Lê Thanh

Các ngành về nông, lâm nghiệp, môi trường tại Trường ĐH Lâm nghiệp 15 điểm đã đậu, còn các ngành công nghệ chế biến lâm sản, lâm học, lâm nghiệp đô thị, quản lý tài nguyên rừng, khoa học môi trường... của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có mức điểm chuẩn thấp so với nhóm ngành kinh tế, công nghệ... chỉ 16 điểm.

Tại trường “tốp trên” như ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, các ngành như hải dương học, công nghệ kỹ thuật môi trường chỉ 18 điểm là đậu, còn địa chất học, kỹ thuật địa chất là 17 điểm, khoa học môi trường là 17,5 điểm. PGS-TS Phạm Trung Hiếu, Trưởng khoa Địa chất Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho hay: “Trong mấy năm gần đây, các ngành về địa chất ngày càng khó tuyển. Năm nay chỉ tiêu là hơn 100 nhưng nhập học chỉ 30 thí sinh”.

Từ năm 2020, thống kê của Bộ GD-ĐT đã cho thấy 5 nhóm ngành có tỷ lệ nhập học thấp nhất, chỉ từ 41 - 65%, trong đó có khoa học tự nhiên, nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, môi trường và bảo vệ môi trường.

Lo ngại khủng hoảng nguồn nhân lực

Theo PGS-TS Phạm Trung Hiếu, địa chất là một trong những ngành thuộc lĩnh vực khoa học trái đất, cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay, trên toàn cầu chứ không riêng một quốc gia nào. “Mới đây, hội thảo của Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã nêu lên các bất cập và lo ngại nguồn nhân lực thiếu hụt khi tỷ lệ người học về địa chất, môi trường, tài nguyên thiên nhiên... quá ít trong vài năm gần đây”, PGS-TS Trung Hiếu chia sẻ.

Tương tự, nhiều ngành khác về lâm nghiệp, khí tượng khí hậu, thủy văn, môi trường... vô cùng quan trọng đối với việc phát triển bền vững và cũng rất thiếu nhân lực. Tiến sĩ Mai Hải Châu, Phó giám đốc phân hiệu Trường ĐH Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, nhìn nhận: “Công tác tuyển sinh khối ngành truyền thống như nông lâm nghiệp, tài nguyên - môi trường, khai khoáng… gặp rất nhiều khó khăn, với tỷ lệ nhập học thấp. Tất cả điều này sẽ dẫn tới quy hoạch bị phá vỡ, tạo ra sự khủng khoảng về nguồn nhân lực, nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế...”.

Chưa có sự kết nối giữa dự báo nhân lực và đào tạo

Ông Lê Hải Bình, nhà sáng lập Công ty cổ phần AXYS (12 Núi Thành, Q.Tân Bình, TP.HCM), cho rằng:

“Bộ LĐ-TB-XH và Bộ GD-ĐT phải có sự phối hợp, kết nối với nhau, tính toán để đưa ra những con số dự báo nhân lực các ngành nghề, trình độ trong vòng 5 - 10 năm tới, sau đó phân bổ chỉ tiêu về các trường ĐH, CĐ, trung cấp theo dự báo đó, tránh tình trạng các trường mở ngành theo xu hướng rồi đào tạo rất nhiều chỉ tiêu. Hậu quả là sau 4 - 5 năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp quá nhiều trong khi nhu cầu lúc đó giảm”.

“Bộ GD-ĐT cũng cần điều chỉnh quy định mức trần về mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục ĐH. Trên cơ sở dự báo nhu cầu nguồn lực quốc gia, đã đến lúc các trường ĐH cũng nên xây dựng văn hóa “trách nhiệm xã hội” trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chất lượng đào tạo và học phí. Đối với các trường đào tạo các ngành nghề truyền thống, khó tuyển sinh thì cũng cần sớm đổi mới nội dung chương trình đào tạo, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và một nền kinh tế số”, tiến sĩ Mai Hải Châu đề xuất.

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, ước tính mỗi năm ngành tài nguyên môi trường cần khoảng 10.000 người có trình độ đại học trở lên và khoảng 50.000 người có trình độ kỹ thuật viên và công nhân lành nghề. Những lĩnh vực đang thiếu nhân lực nghiêm trọng là biển và hải đảo, đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, địa chất khoáng sản và một số chuyên ngành mới… Tuy nhiên số lượng người học tại các trường ĐH hiện rất ít.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.