Người dân đi bộ về quê: Ấm lòng những chuyến xe trung chuyển

06/10/2021 12:12 GMT+7

Thất nghiệp, hết tiền, hàng ngàn người dân ở các tỉnh phía Bắc phải rời Bình Dương bằng cách… đi bộ. May sao, trên hành trình hồi hương, bà con được các chuyến xe trung chuyển đưa rước từ tỉnh này qua tỉnh khác.

Đáng thương cảnh mẹ cõng con đi bộ về quê

hoàng bình

“Đánh liều” về quê

Ngày 6.10, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk vẫn túc trực, bố trí phương tiện, đồ ăn, nước uống… để sẵn sàng tiếp nhận, trung chuyển những công dân thất nghiệp, phải đi bộ từ Bình Dương về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Đắk Lắk, từ ngày 2.10 đến nay, có khoảng 2.000 người đi bộ về quê đã được tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận, hỗ trợ trung chuyển qua tỉnh Gia Lai.

Trước đó, vào chiều 5.10, có thêm khoảng 300 người, chủ yếu là công dân các tỉnh phía Bắc đã được các chuyến xe trung chuyển đưa về tập kết tại Trường THCS Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Trước khi đến được Đắk Lắk, bà con đã trải qua 3 chuyến xe trung chuyển khác từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông.

Thất thểu bước trên chuyến xe trung chuyển từ Đắk Nông đến Đắk Lắk, em Vàng Minh Sính (17 tuổi, quê Hà Giang) tỏ ra rất đau đớn vì ngón chân bị sưng, đi lại khó khăn.

Người lao động từ Bình Dương được tỉnh Đắk Lắk bố trí xe trung chuyển qua Gia Lai

HOÀNG BÌNH

Theo Sính, em đã thất nghiệp 3 tháng nay ở Bình Dương. Đến nay hết tiền, không trụ nổi Sính đành theo bạn bè cùng về quê. “Ở lại khổ quá nên em đành đi bộ về quê, chấp nhận đánh liều một phen. Cũng may, đoàn của em đi bộ vài km thì có xe đón, hỗ trợ đồ ăn, nước uống”, Sính kể.

Mẹ đơn thân đẩy xe tự chế, đưa con đi bộ 250 km về quê

Cũng vừa trên chuyến xe trung chuyển bước xuống, chị Nang M’nía (40 tuổi, quê Kon Tum) tranh thủ lấy ổ bánh mì ra ăn lót dạ. Sau 3 chuyến xe trung chuyển qua 3 tỉnh thành, chị M’nía và 9 người trong nhóm ai nấy đều tỏ vẻ rất mệt mỏi.

Theo chị M'nía, ngày 3.10, cả nhóm bắt đầu đi bộ từ Bình Dương hướng về Kon Tum. Khi đi được khoảng 3km, nhiều người trong nhóm mệt mỏi nên bàn lùi, quyết định trở lại phòng trọ. “Khi quay lại, chủ trọ không đồng ý cho chúng tôi trở vào nữa. Hết cách, chúng tôi đành hạ quyết tâm về quê. Đi đến đâu mệt thì nghỉ, đêm 4.10 chúng tôi phải ngủ lại cây xăng. Sau đó, chúng tôi may mắn mới có xe đón trung chuyển liên tiếp 3 chuyến mới về Đắk Lắk”, chị M’nía kể.

Đầu năm 2021, chị M’nía và nhóm bạn kéo nhau xuống Bình Dương làm thuê ở các quán nhậu. Lương ba cọc ba đồng nên chỉ tích góp được một ít để phòng thân, chứ không ai tin nổi sẽ bám trụ được nhiều tháng mùa dịch. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, chị M’nía thất nghiệp mấy tháng liền, vừa lo tiền ăn, tiền trọ nên trở về quê trong tình trạng không còn một xu dính túi.

Tỉnh Đắk Lắk tận dụng nhiều loại xe để hỗ trợ đưa người lao động về quê

HOÀNG BÌNH

Tương tự, anh Sùng A Ký (32 tuổi, quê Sơn La) cũng là một công nhân thất nghiệp từ Bình Dương phải hồi hương bằng cách… đi bộ. Theo anh Ký, trước khi quyết định rời nhà trọ “cuốc bộ” về quê anh rất sợ sẽ gặp trắc trở dọc đường. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh bắt buộc, không thể trụ lại Bình Dương nên anh phải chấp nhận.

Anh Ký chia sẻ: “Tôi từng nhiễm Covid-19, phải cách ly điều trị và cũng thất nghiệp suốt mấy tháng trời nên hết sạch tiền. Hôm qua, vợ chồng tôi theo bà con về quê nhưng vừa đi vừa lo. Dọc đường, vợ chồng tôi được bà con chia cho miếng bánh, chai nước… đi được khoảng 5km thì có xe đưa rước”.

Đưa thẳng về quê là không thể

Theo tìm hiểu của PV, sau khi tiếp nhận những công dân không có phương tiện về quê, tỉnh Đắk Lắk sẽ huy động xe khách, xe tải để tiếp tục trung chuyển từ điểm cầu 14 (giáp Đắk Nông) về đến cầu 110 (giáp Gia Lai) và bàn giao cho lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai tiếp tục trung chuyển qua Kon Tum…

Vì lượng người đổ về quá lớn nên nhiều tỉnh không thể bố trí xe chạy liền mạch đưa họ về quê mà phải đi trung chuyển qua từng tỉnh

HOÀNG BÌNH

Nếu tình hình cứ trung chuyển qua địa bàn từng tỉnh một như hiện tại, bà con các tỉnh phía Bắc phải mất thêm nhiều ngày, trải qua ít nhất 14 chuyến xe trung chuyển nữa mới có cơ hội về đến quê hương.

Còn ông Võ Văn Cảnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết ở điều kiện hiện tại, tỉnh Đắk Lắk không thể đưa bà con quê phía Bắc về quê bằng các chuyến xe hành trình dài mà bắt buộc phải lựa chọn hình thức trung chuyển.

Theo phân tích của ông Cảnh, mỗi ngày có khoảng 4.000 - 5.000 người từ các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh… trở về tỉnh Đắk Lắk. Ngoài ra, cũng có khoảng 4.000 người từ các tỉnh phía Nam hồi hương, đi qua địa bàn tỉnh.

Do đó, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các cấp từ tỉnh đến xã, lực lượng y tế tại Đắk Lắk phải căng mình hoạt động suốt ngày đêm để tiếp nhận, phân loại, xét nghiệm, đảm bảo công tác phòng chống dịch, hỗ trợ bà con các tỉnh khác đi qua địa bàn…

“Công dân của Đắk Lắk từ các tỉnh phía Nam trở về mỗi ngày đều rất lớn, tỉnh phải tập trung toàn bộ nhân lực phòng chống dịch trên địa bàn. Hơn thế, lực lượng tài xế được tiêm vắc xin Covid-19 của tỉnh còn rất ít, không đủ điều kiện đi đường dài, không đảm bảo quy định phòng chống dịch. Còn nhiều lý do nữa, nhưng tóm lại, ở điều kiện hiện tại, Đắk Lắk không thể hỗ trợ bà con về thẳng quê bằng các chuyến xe đường dài”, ông Cảnh thông tin.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.