'Cuộc gọi video' - thói quen liên lạc mới của người Việt Nam sau đại dịch

07/10/2021 14:00 GMT+7

Các nền tảng cuộc gọi video đã giúp làm việc từ xa trở nên khả thi và phổ biến trong đại dịch Covid-19.

Nó không chỉ cho phép các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động mà còn hỗ trợ người tiêu dùng duy trì kết nối dù ở xa nhau, điều này dẫn đến việc áp dụng rộng rãi các cuộc trò chuyện video trên toàn cầu.

Theo báo cáo của Research and Markets, thị trường cuộc gọi video ở châu Á - Thái Bình Dương ước đạt hơn 3,4 triệu đô la Mỹ năm 2027 và được dự đoán tăng trưởng ở mức tăng trưởng kép hằng năm là 11,4% giai đoạn 2020-2027. Điều này có nghĩa là, dù được yêu thích hay không, các cuộc trò chuyện video vẫn sẽ được duy trì.

Nguồn: Pexels

Tăng sức mạnh cho sự hợp tác, kết nối và liên tục

Chúng ta đã được trải nghiệm và hiểu rõ cách các cuộc trò chuyện video giúp chúng ta kết nối trong thời gian đại dịch. Nhìn từ góc độ cá nhân, chúng ta đang không ngừng tìm cách duy trì sự gắn bó khi bị giới hạn trong nhà, xa đồng nghiệp, bạn bè và gia đình. Ở cấp độ chuyên nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn và tổ chức giáo dục trên toàn khu vực buộc phải đưa trực tuyến vào hoạt động của họ bởi các biện pháp thắt chặt và hạn chế được thực hiện do Covid-19.

Ngành giáo dục đã thích nghi tốt với những cuộc gọi video, đóng góp vào xu hướng nâng cao kỹ năng, tái kỹ năng và học tập điện tử với việc đóng cửa các cơ sở giáo dục trên toàn cầu. Lĩnh vực trải nghiệm khách hàng (CX) cũng đang đi theo hướng tương tự. Với những thay đổi liên tục về hạn chế đi lại, truy vấn vắc xin, vấn đề chăm sóc sức khỏe và mua sắm trực tuyến, ngành công nghiệp tiếp tục nhận được một lượng lớn các cuộc gọi cả âm thanh và video từ người tiêu dùng.

Vượt qua sự bất tiện và những thách thức trong cuộc gọi video

Trò chuyện video luôn đòi hỏi sự tập trung hơn nhiều so với tương tác trực tiếp vì tâm trí chúng ta phải làm việc và tiêu tốn năng lượng nhiều hơn để xử lý các tín hiệu phi ngôn ngữ như nét mặt, giọng điệu, cao độ của giọng nói và ngôn ngữ cơ thể.

Kết quả khảo sát người tiêu dùng Việt Nam về các cuộc trò chuyện video cho thấy 32% người được hỏi cảm thấy họ không được lắng nghe, 30% cho rằng họ bị hiểu sai về biểu cảm trên khuôn mặt, và 36% e ngại không biết những người trong cuộc gọi có tham gia hay không.

Khó đọc các tín hiệu phi ngôn ngữ một cách hiệu quả (23%) và khó theo dõi các cuộc trò chuyện khi xem màn hình (17%) cũng được xem là những vấn đề chính.

Người dùng Việt Nam cũng thừa nhận đã làm việc riêng trong suốt các cuộc gọi video, bao gồm lướt web, xem YouTube và phát trực tuyến, mua sắm trực tuyến, lướt mạng xã hội và dọn dẹp nhà cửa.

Cải thiện trải nghiệm cuộc gọi với Trí tuệ nhân tạo

Hiểu được lợi ích của các cuộc trò chuyện video, nhưng chúng ta vẫn phải tìm cách giảm thiểu mức độ thất vọng nhằm tạo ra sự thấu hiểu, tương tác và đồng cảm tốt hơn, làm cho cuộc gọi video trở nên hiệu quả và thú vị hơn.

Giải pháp chính là kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để xác định mức độ cảm xúc và mức độ tương tác trong thời gian thực, tăng cường giao tiếp và thúc đẩy kết quả kinh doanh tốt hơn. Các cuộc trò chuyện video được hỗ trợ bởi AI có thể giúp người sử dụng lao động và người lao động giữ kết nối trong thời điểm mà làm việc từ xa và giãn cách xã hội đã trở thành một phần trong cuộc sống của chúng ta. Điều này được thực hiện bằng cách sử dụng công nghệ theo dõi chuyển động của mắt và nhận dạng cảm xúc khuôn mặt để nắm bắt và phân tích các tương tác qua video trong thời gian thực nhằm tăng cường sự tương tác giữa mọi người.

Tự động hóa cũng có thể giải quyết các vấn đề về dịch vụ khách hàng nhanh hơn, đặc biệt là vấn đề kỹ thuật như cài đặt, cung cấp phiên âm trên màn hình giúp giảm giọng của người nói trong các cuộc gọi hoặc thuyết trình. Điều này sẽ giúp phát triển các kết nối sâu sắc hơn với khách hàng và hỗ trợ trong việc kết thúc các giao dịch mua bán hoặc kinh doanh.

Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước để tạo ra các tương tác ảo liền mạch và hiệu quả như các cuộc trò chuyện trực tiếp - nhưng chúng ta đang đạt được điều đó. Sự kết hợp mạnh mẽ giữa phân tích giọng nói và video sẽ giúp người dùng cảm thấy được thấu hiểu hơn, truyền tải thông tin liên lạc phi ngôn ngữ một cách chính xác, ngăn ngừa sự phân tâm trong khi gọi và duy trì động lực cũng như mức độ tương tác.

Tóm lại, chúng ta có thể biến việc sử dụng cuộc gọi video thành một trải nghiệm thú vị cho tất cả mọi người bằng cách giải quyết những khó khăn và thách thức trong giao tiếp, tất cả đều có sự trợ giúp của các công cụ bổ sung để nâng cao mức độ hiểu biết giữa người với người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.