Quốc hội sẽ 'đặt hàng' doanh nghiệp

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/10/2021 06:59 GMT+7

Chiều 7.10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam trước thềm kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10.

Tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho rằng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhanh chóng khôi phục sản xuất, Quốc hội, Chính phủ cần có những quyết sách cấp bách, đột phá. Nên coi DN là chủ thể ứng phó với đại dịch Covid-19, không phải là đối tượng tham gia như lâu nay. Để “đả thông” tư duy sống chung với dịch, cần rà soát sửa đổi chính sách quy định gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, những luật có quy định chồng chéo… tránh tối đa nguy cơ chính sách lạc hậu trong bối cảnh “bình thường mới”. Ngoài ra, để “cứu” DN đang trong tình trạng kiệt quệ, cần xem xét bổ sung gói hỗ trợ cấp bù lãi suất cho DN, nhất là DN vừa và nhỏ ở mức 3 - 5%/năm so với lãi suất thị trường. Gói hỗ trợ bù lãi suất này sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh như du lịch, hàng không, vận tải, giáo dục...

Quốc hội đặt hàng DN hiến kế nhiều hơn về xu hướng kinh doanh thời hậu Covid thế nào, khai thác cơ hội ra sao. Thậm chí, những rắc rối về pháp lý, hợp đồng của DN với đối tác bị vỡ do đại dịch bị ảnh hưởng thế nào, cần nhà nước hỗ trợ ra sao…

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ

Từ thực tiễn sau 1 tuần TP.HCM mở cửa kinh tế, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (HUBA), tổng kết DN đã phải đối mặt với những thực tiễn mà rất khó có thể phục hồi nhanh được. Đó là đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động, nguyên vật liệu, giá cả các yếu tố đầu vào biến động tăng cao, dòng tiền đứt gãy, tài chính cạn kiệt. “Đây là thời kỳ khó khăn đặc biệt chưa từng có tiền lệ trong quá trình phát triển kinh tế đất nước”, ông Dũng nói và cho rằng, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 15 đã ban hành Nghị quyết 30 ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quyết định những nội dung cơ chế chính sách rất đặc biệt, trong điều kiện đặc biệt chống dịch chưa có tiền lệ, chưa có quy định pháp luật. Vì thế, để phục hồi nhanh nền kinh tế, Quốc hội có thể xem xét ban hành một đạo luật hay sắc lệnh đặc biệt hỗ trợ cung cấp nguồn vốn mới cho DN như hoãn, giãn nợ thuế đến hạn phải nộp kéo dài đến 2 năm; miễn, giảm các loại phí trong thời hạn 2 năm; củng cố quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để bảo lãnh cho DN vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh trên nguyên tắc DN phải có kế hoạch phương án cụ thể, hiệu quả và có sự giám sát của các cơ quan ban ngành… “DN cam kết với Chính phủ, Quốc hội là sẽ bảo toàn nguồn vốn vay được hỗ trợ và khoản thuế nộp chậm sẽ được hoàn trả lại sau khi phục hồi kinh tế”, ông Dũng nói.

Đại diện cho DN tại Đà Nẵng, ông Huỳnh Minh Chính, Chủ tịch Công ty dệt may 29 tháng 3, kiến nghị giảm 1% quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; trích 1% quỹ bảo hiểm thất nghiệp do người lao động và DN đóng cho lại 2 đối tượng này. Người lao động tại các DN có tiêm 1 mũi vắc xin, có thể cam kết với địa phương và thực hiện 5K đầy đủ để sản xuất, không thể áp dụng phương án 3 tại chỗ được. Về tài chính, ông Chính kiến nghị cho giãn nợ đến cuối năm 2022, trong khoảng hơn 1 năm tới, DN sẽ trả dần, còn giãn đến cuối năm nay thì DN “không thể nào trả nổi”. Ngoài ra, đa số các DN cho rằng chính sách giảm thuế không nên chỉ áp dụng với DN có thu nhập không quá 200 tỉ đồng, mà cho mọi DN vì tất cả cùng bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch Covid-19.

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐQT Deloitte Việt Nam, lại cho rằng chính sách sống chung với dịch phải được thực hiện đồng bộ ở tất cả các tỉnh, thành. Chẳng hạn, vấn đề mở cửa hàng không, 10 tỉnh thành mà có Hải Phòng và Hà Nội chưa mở, DN đi lại từ Nam ra Bắc lại gặp khó khăn… Thông điệp sống chung với dịch trong tâm thế “bình thường mới” Chính phủ đưa ra cần có giải pháp để khắc phục tại các địa phương để đạt tính kết nối, đồng thuận cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam

TTXVN

Kiến nghị mở rộng gói hỗ trợ lên 250.000 tỉ đồng

Ở góc độ vĩ mô, đại diện VCCI cũng kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xem xét nâng trần nợ công nhằm tăng quy mô gói hỗ trợ. Ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh: “Ảnh hưởng bởi Covid-19, Chính phủ đã đưa nhiều gói hỗ trợ lao động, DN như Nghị quyết 68 và mới đây là Nghị quyết 105… Tuy nhiên, quy mô của các gói hỗ trợ mới đạt 2,2% GDP. Nếu so với các nước trong khu vực như Thái Lan gói hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 đạt 15,6% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Indonesia 5,4% GDP… thì sự hỗ trợ của chúng ta còn thấp hơn họ rất nhiều. Gói hỗ trợ cần đủ lớn và kịp thời mới nắm bắt được cơ hội cho DN phục hồi kinh tế”. Từ phân tích trên, đại diện VCCI đề xuất gói hỗ trợ có thể mở rộng đến 4% GDP, tương đương 250.000 tỉ đồng.

Chia sẻ với những mất mát, khó khăn, thiệt hại to lớn của người dân và DN trải qua trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần 4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét sức chống chọi của DN là rất kiên cường. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng động viên cộng đồng DN “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, lúc này là lúc thử thách bản lĩnh doanh nhân.

Trước đề xuất của Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, bối cảnh hiện nay yêu cầu cần phải có một giải pháp kinh tế tổng thể cho phục hồi kinh tế. Tuần tới trong chương trình làm việc với các Ủy ban của Quốc hội, Quốc hội sẽ bàn về sử dụng chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích kinh tế, hỗ trợ DN trong thời gian khó khăn hiện nay. Sẽ có tính toán tài khóa và tiền tệ để thống nhất gói hỗ trợ này.

“Mọi quyết sách của Quốc hội đều vì lợi ích và đặt người dân, DN vào vị trí trung tâm”, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh và thông tin thêm, Hội nghị T.Ư 4 vừa kết thúc đã nhấn mạnh hai nhóm nhiệm vụ quan trọng, là kế hoạch tài chính 3 năm; đổi mới tư duy, nhận thức về phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh gắn với duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh để có các kịch bản, phương án phù hợp. Bên cạnh đó, các vấn đề lớn được Hội nghị T.Ư 4 đặt ra dự kiến cũng được ra bàn thảo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc ngày 20.10 tới.

“Sắp tới phải có chiến lược thích ứng đại dịch, chủ trương của Đảng và Chính phủ là thực hiện mục tiêu kép. DN kiến nghị bỏ “3 tại chỗ”, “2 địa điểm - 1 cung đường”, vậy thay thế bằng phương án nào. Quốc hội đặt hàng DN hiến kế nhiều hơn về xu hướng kinh doanh thời hậu Covid thế nào, khai thác cơ hội ra sao. Thậm chí, những rắc rối về pháp lý, hợp đồng của DN với đối tác bị vỡ do đại dịch bị ảnh hưởng thế nào, cần nhà nước hỗ trợ ra sao…”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.