Phát hiện mới về hành tinh ‘địa ngục’

10/10/2021 16:15 GMT+7

Kể từ khi phát hiện sự tồn tại của hành tinh WASP-76b, các nhà thiên văn học biết rằng đây là một thế giới có thể so sánh với địa ngục, nhưng nghiên cứu mới cho thấy thực tế còn nghiêm trọng hơn thế.

Mo
Mô phỏng hành tinh WASP-76b đang xoay quanh sao trung tâm

đại học montreal

Được phát hiện năm 2016, hành tinh siêu nóng có kích thước cỡ sao Mộc và xoay quanh sao trung tâm WASP-76 thuộc phạm vi chòm sao Song Ngư, cách trái đất khoảng 640 năm ánh sáng.

Do khoảng cách quá gần, một mặt của WASP-76b bị khóa chặt vào sao trung tâm, và chỉ mất 1,8 ngày của địa cầu là hoàn tất vòng quay. Cũng vì thế, nó hấp thụ lượng bức xạ cao gấp nhiều ngàn lần so với mức độ mà trái đất tiếp nhận từ mặt trời của chúng ta.

Ở phần đối diện WASP-76, nhiệt độ của hành tinh có thể lên đến 2.400 độ C, cao hơn ngưỡng nhiệt độ nóng chảy của sắt là 1.538 độ C. Từ đó, các nhà khoa học suy luận rằng mưa trên WASP-76b phải là những giọt sắt nóng chảy.

Giờ đây, nhóm chuyên gia do Đại học Cornell (Mỹ) dẫn đầu vừa phát hiện natri và canxi ion hóa bên trong khí quyển hành tinh. Họ rút ra kết luận trên trong quá trình sử dụng Kính viễn vọng Bắc Song Tử trên núi Mauna Kea tại bang Hawaii.

Khám phá mới cho thấy hành tinh trên thậm chí còn nóng hơn nhiều dự đoán trước đó, theo báo cáo đăng trên chuyên san Astrophysical Journal Letters.

“Nghiên cứu của chúng tôi và những đội ngũ khác đang mở đường cho công cuộc khám phá khí quyển của những hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời”, theo báo cáo.

Những hành tinh khí khổng lồ siêu nóng như WASP-76b, với phần ban ngày sở hữu nhiệt độ tương đương bề mặt của những ngôi sao nguội, đang dần lộ diện và tập hợp thành một dạng hành tinh đặc trưng.

Trước đó, các nhà thiên văn học đã ghi nhận một số cái tên thuộc nhóm này, bao gồm KELT-9b, WASP-121b và WASP-12b.

Họ cũng phát hiện đủ dạng mưa kỳ quặc, như mưa thủy tinh trên HD 189733 b và thậm chí cả mưa kim cương trên Hải vương tinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.