Làm sao “chặn” người lạ phá rối trong lớp học trực tuyến ?

Hà Ánh
Hà Ánh
12/10/2021 07:19 GMT+7

Nhiều lớp học trực tuyến bị người lạ phá rối liên tục xảy ra thời gian qua không chỉ gây bất bình với sinh viên mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng môi trường học tập.

Theo các chuyên gia, để có môi trường học tập trực tuyến an toàn, cần có nhiều yếu tố từ kỹ thuật đến kỹ năng cho người tham dự lớp học.

Lớp học trực tuyến tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM bị kẻ lạ phá rối

Kiểm soát lớp học bằng... email trường cấp

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hình thức học trực tuyến đã trở nên phổ biến với sinh viên (SV) các trường ĐH. Bên cạnh hệ thống quản lý học tập của trường, đa số các lớp học trực tuyến đều diễn ra trên các phần mềm như Zoom, Google Meet, Microsoft Teams…

Để tham dự các lớp học này, SV bắt buộc thực hiện các bước đăng nhập lớp học theo quy định của giảng viên tùy theo từng nền tảng. Tuy nhiên, tình trạng lớp học trực tuyến bị người lạ phá rối đã liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân là do chính SV chia sẻ hoặc để rò rỉ thông tin về cách thức tham gia lớp học. Tình trạng này thường xảy ra trong các lớp học mà giảng viên ít chú ý đến việc quản lý lớp học.

PGS-TS Phạm Trần Vũ, Trưởng khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết nhà trường đang triển khai dạy học trực tuyến trên nền tảng Google Meet. Khi tham gia lớp học này, SV bắt buộc sử dụng địa chỉ email (thư điện tử) do trường cấp. Trường chỉ cấp địa chỉ email này cho SV chính thức đã nhập học, sau khi SV tốt nghiệp sẽ thu hồi lại. Do vậy, việc người lạ không phải SV của trường tham gia lớp học này là không thể, trừ khi được chính giảng viên mời vào.

“Kinh nghiệm cá nhân khi sử dụng một số phần mềm trực tuyến cho thấy không nên sử dụng chế độ đăng nhập bằng tài khoản và mật khẩu vì dễ dàng chia sẻ nên tính bảo vệ không cao”, PGS-TS Vũ nói.

Lớp học trực tuyến của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội bị người lạ vào phá rối

Đồng quan điểm, tiến sĩ Đinh Tiên Minh, Trưởng bộ môn marketing, Khoa Kinh doanh quốc tế - marketing Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết đang áp dụng hình thức đăng nhập bằng thư điện tử trường cấp cho SV ở lớp học trực tuyến.

Tiến sĩ Minh thông tin: “Trường dạy học trực tuyến trên Microsoft Teams, giảng viên tạo lớp học trên email và những SV có tên trong danh sách mới được tham gia lớp học. SV chỉ được sử dụng địa chỉ email trường cấp, không được dùng địa chỉ thư cá nhân khi tham gia lớp học. Do vậy, chỉ khi chính SV cung cấp đường link và thông tin thư điện tử của mình cho người khác thì người khác mới vào được”.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Minh, việc người học cung cấp địa chỉ thư điện tử này rất khó xảy ra vì ngoài mục đích tham gia lớp học, hộp thư này còn gắn với toàn bộ quá trình học tập tại trường với các thông tin cá nhân quan trọng của người học.

Các nhóm học bằng Zalo cũng bị kẻ lạ phá rối

CHỤP MÀN HÌNH

“Chìa khóa” trong tay giảng viên

Bên cạnh quản lý thông tin đăng nhập, theo nhiều ý kiến, vai trò của giảng viên trong việc quản lý lớp học quyết định việc học diễn ra như thế nào.

Cần một lớp bảo vệ vòng ngoài để gia tăng độ an toàn

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại, nghiên cứu viên liên kết, Phòng Thí nghiệm liên ĐH về giáo dục và truyền thông (ĐH Strasbourg, Pháp), cho rằng các ứng dụng lớp học ảo hay hội thảo truyền hình trực tuyến chỉ là một công cụ quản lý một phòng học.

“Mật khẩu kết nối giống như chìa khóa mở cửa phòng học, càng nhân bản nhiều và cung cấp rộng rãi càng gia tăng rủi ro bị tiết lộ ra bên ngoài, do cả vô tình hay cố ý. Chưa kể những trường hợp tấn công mạng có chủ đích để lấy cắp mật khẩu với các ý định xấu”, ông Đại nói.

Do đó, theo ông Đại, dù ứng dụng có tên gì đi nữa thì rất cần một lớp bảo vệ vòng ngoài để gia tăng độ an toàn. Cụ thể, các hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) đều có chức năng tích hợp các phòng học ảo hay hội thảo truyền hình một cách trực tiếp hay gián tiếp. Khi giáo viên tạo phòng học hay cung cấp đường dẫn ngay trong LMS, thì người học không cần phải chia sẻ các đường dẫn ấy bên ngoài nữa. Tất cả chỉ cần sử dụng mã định danh cá nhân trên LMS để truy cập hệ thống, rồi đến đúng không gian dành riêng cho mỗi khóa học, vào bên trong phòng học mà giáo viên đã tạo sẵn.

“Như thế sẽ không chỉ có lợi ích ở việc tăng độ an toàn mà còn giảm bớt các thủ tục điểm danh thủ công vì mọi dấu vết vào ra phòng học đã được ghi lại đầy đủ trên LMS. Thầy cô chỉ cần tập trung vào chuyên môn, còn danh sách điểm danh bất cứ lúc nào cũng có thể bấm nút xuất ra đầy đủ và nhanh chóng”, chuyên gia này phân tích.

Thạc sĩ Thái Doãn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng chính giảng viên là người quản lý lớp học, sẽ quyết định các diễn biến của lớp học trực tuyến. Ở tất cả các phần mềm đều có những chức năng cho phép người quản lý lớp học quyền kiểm soát, phân quyền cho các thành viên và những hoạt động diễn ra. Chẳng hạn, giảng viên có quyền mời vào hoặc mời ra khỏi lớp học, kiểm soát quyền được phát biểu, chia sẻ màn hình, chia sẻ link tới người khác. Ngay cả khi phát hiện người lạ, âm thanh, hình ảnh không phù hợp, giảng viên đều có thể kịp thời xử lý để lớp học không bị quấy rối.

“Một giảng viên không nắm các thao tác kỹ thuật trên phần mềm sẽ khó để kiểm soát tốt lớp học. Do vậy, bên cạnh ý thức người học thì giảng viên cũng cần trang bị những kỹ năng công nghệ và kỹ năng xử lý tình huống cần thiết trên các lớp học ảo. Trong trường hợp giảng viên chưa thực sự thành thục, các trường cần có bộ phận kỹ thuật sẵn sàng hỗ trợ các lớp học khi cần thiết”, ông Thanh nêu ý kiến.

Tiến sĩ Đinh Tiên Minh cũng cho rằng giảng viên được quyền chủ động trong việc quản lý lớp học này. Đứng trước những tình huống phát sinh, nếu giảng viên không kịp thời và khéo léo xử lý có thể dẫn tới những điều ngoài ý muốn. “Do vậy, ngoài phương pháp sư phạm cần có thì ở lớp học trực tuyến, thầy cô còn cần hiểu tâm lý SV, kiểm soát được cảm xúc bản thân và thành thạo nền tảng công nghệ để xử lý các sự cố phát sinh trong lớp học”, tiến sĩ Minh bày tỏ. .

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.