Từ góp hàng chục ngàn tỉ đồng cho quỹ vắc xin, xây bệnh viện dã chiến thần tốc, mua thuốc điều trị Covid-19, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, kiên cường duy trì hoạt động sản xuất để giữ công ăn việc làm cho người lao động, chặn đà đứt gãy chuỗi giá trị...; khi tổ quốc cần, họ ở đó sẵn sàng sẻ chia, gánh vác.
Doanh nghiệp du lịch xây bệnh viện
Những ngày cuối tháng 5, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang chỉ trong thời gian ngắn bỗng biến thành ổ dịch phức tạp nhất cả nước với số ca nhiễm tăng chóng mặt. Dịch bệnh diễn biến căng thẳng, số ca bệnh tăng nhanh tạo áp lực lớn lên chính quyền địa phương trong việc bố trí cách ly và điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Hệ thống y tế, kinh tế và cả xã hội của 2 địa phương này chưa từng trải qua sức ép lớn đến thế. Hai trung tâm hồi sức tích cực đặt tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang và Bệnh viện đa khoa tỉnh với 58 giường nhanh chóng quá tải.
Trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng đó, Tập đoàn Sun Group đã có mặt, xây dựng Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) quy mô 100 giường trang bị đầy đủ thiết bị y tế hiện đại. Theo dự kiến ban đầu, thời gian cung cấp thiết bị và lắp đặt hoàn thành trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, Sun Group đã khẩn trương điều phối cán bộ quản lý điều hành, kỹ sư và đơn vị thi công trực tiếp vào tâm dịch Bắc Giang để lắp đặt, hoàn thành ICU trong thời gian sớm nhất. Giai đoạn cao điểm 4 ngày đầu thi công, tập đoàn này đã huy động đến 200 cán bộ, kỹ sư, công nhân làm việc tại công trường bất kể đêm ngày. Họ miệt mài quyết liệt triển khai cải tạo, sửa chữa, chỉnh trang, làm mới toàn bộ tòa nhà 5 tầng của Bệnh viện Tâm thần, cung cấp và lắp đặt trang thiết bị y tế. Kết quả chỉ sau 5 ngày thi công “thần tốc”, Trung tâm hồi sức tích cực được Bộ Y tế đánh giá là hiện đại và có quy mô lớn nhất miền Bắc với tổng vốn đầu tư 50 tỉ đồng đã chính thức được Sun Group bàn giao cho tỉnh Bắc Giang.
Nhóm thiện nguyện Nhà báo và Doanh nhân đã cung cấp gần 200 tấn rau củ quả cho người dân TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội |
Đ.Sơn |
Vài ngày sau đó, Tập đoàn Sun Group tiếp tục hỗ trợ Bắc Ninh lập trung tâm hồi sức tích cực với tổng số tiền 50 tỉ đồng. Cũng chính Sun Group năm 2020 đã khiến nhiều người thán phục khi phá vỡ kỷ lục dựng bệnh viện dã chiến 1 tuần tại Vũ Hán (Trung Quốc), khi xây bệnh viện dã chiến với thời gian chỉ bằng một nửa: 3,5 ngày, tương đương 84 giờ đồng hồ. Đó là bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) với công suất 500 giường do chính người Việt thực hiện đã chính thức vận hành. Nhanh chóng có mặt tại những điểm nóng dịch bệnh, thần tốc dựng nên những “lá chắn thép” giúp các địa phương vượt qua dịch bệnh đã xây dựng nên một hình ảnh hoàn toàn mới cho doanh nghiệp (DN) phát triển du lịch hàng đầu VN mang tên Sun Group.
Hoạt động chính trong lĩnh vực du lịch, suốt gần 2 năm qua kinh doanh gần như đóng băng, doanh thu không có trong khi vẫn phải bỏ kinh phí khổng lồ để bảo trì, bảo dưỡng, trả lương cho nhân viên...; thế nhưng Tập đoàn Sun Group cho thấy trách nhiệm của mình với đất nước. Bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group, nói đơn giản: “Là những người con Việt Nam, Sun Group mong muốn góp một cánh tay để chia sẻ khó khăn với các địa phương. Chúng tôi hy vọng rằng sự chia sẻ, đóng góp nhỏ bé này sẽ góp phần tiếp sức cho các tỉnh, thành khống chế dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Đồng thời lan tỏa tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, để người dân, DN cả nước cùng đồng lòng vượt qua dịch, Việt Nam sẽ tiếp tục chiến thắng”.
Chỉ sau 5 ngày thi công, Trung tâm hồi sức tích cực (ICU) điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng có quy mô 101 giường bệnh với trang thiết bị hiện đại bậc nhất đã được Tập đoàn Sun Group bàn giao cho tỉnh Bắc Giang |
N.A |
Tiên phong trên khắp các mặt trận
Ngày 5.8, chuyến chuyên cơ chở 500.000 lọ Remdesivir, loại thuốc điều trị Covid-19 được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Mỹ cấp phép, đã được nhà tài trợ, Tập đoàn Vingroup thuê chở về đến Việt Nam. Với khả năng rút ngắn thời gian chữa trị và đẩy nhanh phục hồi ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị, và là một trong những loại thuốc đặc trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới. Thế nhưng trước đó, Vingroup đã đàm phán mua 500.000 lọ Remdesivir. Họ đàm phán lúc nào, kết nối ra sao... không ai biết. Chỉ đến khi chiếc chuyên cơ chở số thuốc này về tới Việt Nam, dư luận mới hay. Thuốc quý, rõ rồi. Nhưng kết quả lớn hơn lại nằm ở đằng sau. Thời điểm đó, dịch bệnh đang trong giai đoạn hết sức căng thẳng, tỷ lệ tử vong cao, thế nên mua được thuốc điều trị Covid-19 không chỉ trấn an các bệnh nhân đang nhiễm bệnh mà còn tạo sự an tâm, tin tưởng cho tất cả mọi người.
Nhưng đó không phải là lần đầu tiên tập đoàn tư nhân lớn nhất VN tiên phong đồng hành cùng đất nước trong công cuộc chống dịch. Suốt gần 2 năm kể từ khi dịch bệnh tràn đến, Vingroup luôn đi đầu, đóng góp nhiều nhất sức người, sức của ở mọi mặt trận. Một tháng trước khi Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 của Chính phủ được thành lập, Vingroup công bố tặng 4 triệu liều vắc xin, trị giá khoảng 1.800 tỉ đồng, cho chương trình phòng chống dịch của Chính phủ. Không cần biết Việt Nam sẽ đàm phán mua được vắc xin với giá bao nhiêu, không màng tới rất nhiều lĩnh vực mình đang hoạt động đang phải thu hẹp quy mô vì khó khăn, Vingroup nhận trọng trách lớn lao nhất về mình. Hành động của cánh chim đầu đàn đã dấy lên một làn sóng ủng hộ rất lớn trong xã hội. Từ cảm kích, tự hào, rất nhiều DN, hộ kinh doanh nhỏ lẻ cho tới người dân dù đang gặp khó khăn cũng đã sẵn sàng, tin tưởng ủng hộ, góp sức cho quỹ vắc xin của Chính phủ.
Nhà máy sản xuất vắc xin của VinBioCare sẽ đặt tại tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại KCN Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, công suất 200 triệu liều mỗi năm |
d.h |
Không dừng lại ở việc đồng hành nhanh chóng mua vắc xin cho người dân, với mong muốn người Việt được tiêm vắc xin Việt với giá thành tốt nhất, đầu tháng 8 vừa rồi, cũng chính Vingroup gây bất ngờ khi tuyến bố đã ký kết với Công ty cổ phần công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19. Arcturus Therapeutics là đơn vị nghiên cứu phát triển vắc xin phòng Covid-19 theo công nghệ mRNA - một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay. Hai năm liên tiếp gánh chịu những thiệt hại nghiêm trọng do ảnh hưởng của Covid-19, việc Vingroup sẵn sàng chi 200 triệu USD đầu tư nhà máy sản xuất vắc xin Covid-19 để “tạo bước tiến quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước tự chủ về vắc xin phòng Covid-19, kéo giá vắc xin rẻ hơn so với sản phẩm cùng phân khúc đang được chào bán trên thị trường”, theo lời chia sẻ của bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch tập đoàn, nhận được sự tri ân của nhiều người.
Đất nước cần máy thở, Vingroup sản xuất máy thở; cần vắc xin, Vingroup đóng góp mua vắc xin; bệnh nhân cần thuốc điều trị, Vingroup âm thầm đàm phán mua thuốc điều trị; cần nhân lực, họ góp nhân lực... Không ồn ào công bố, họ cứ âm thầm có mặt ở khắp mọi nơi, mọi chỗ, đồng hành cùng Chính phủ, người dân trong công cuộc chống lại đại dịch thế kỷ của nhân loại.
Đồng hành cùng đất nước chống dịch
Chắc hẳn mỗi người trong chúng ta không ai có thể quên, ngày Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong bài phát biểu của mình đã không ít lần phải dừng vì xúc động. Ngân sách nhà nước có hạn, nhu cầu có vắc xin tiêm phòng cho người dân vô cùng cấp bách, người đứng đầu Chính phủ lên tiếng kêu gọi sức người sức của. Ngay lập tức hàng ngàn DN, hàng trăm doanh nhân đã tự bỏ tiền túi với chung niềm hy vọng người Việt được tiếp cận vắc xin nhanh nhất, sớm nhất và rộng nhất.
Nutifood tặng 80.000 sản phẩm dinh dưỡng y học Värna từ Thụy Điển tiếp sức cùng y bác sĩ và bệnh nhân Covid-19 |
B.N |
Vừa chi gần 120 tỉ đồng hỗ trợ Bắc Giang, Bắc Ninh chống dịch, Sun Group tiếp tục chuyển thẳng 320 tỉ đồng tới Kho bạc Nhà nước cho quỹ vắc xin của Chính phủ. Trong 210 tỉ đồng mà Tập đoàn Tuần Châu ủng hộ, có 100 tỉ đồng là tiền túi của ông Đào Hồng Tuyển, ông chủ tập đoàn. Mạng viễn thông quân đội Viettel ủng hộ 450 tỉ đồng, VNPT 400 tỉ đồng, MobiFone 200 tỉ đồng, Tập đoàn Novaland đóng góp 100 tỉ đồng, Hòa Phát ủng hộ hàng trăm tỉ đồng...
Không chỉ với DN lớn, nhiều DN từ nhỏ đến rất nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, đã chủ động cung cấp hàng ngàn suất ăn miễn phí cho các bệnh nhân trong khu cách ly. Ngày TP.HCM chính thức siết chặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, thực hiện “ai ở đâu ở yên đó” cũng là ngày ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập kiêm CEO Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu (chủ thương hiệu cà phê trái cây Meet More) phải đau đớn đưa ra quyết định tạm đóng cửa công ty vì không kịp đáp ứng các điều kiện “3 tại chỗ”. Doanh thu không có, gánh nặng chi phí đè trên vai nhưng hằng ngày vị CEO này vẫn đều đặn cập nhật thông tin đưa các chuyến rau xanh, thực phẩm tới tận tay nhiều bà con khó khăn trong các hẻm, ngách tại TP.HCM. Hỏi thăm về quỹ thiện nguyện, ông Luận cười hiền: “Làm gì có quỹ nào, công ty giờ gồng lỗ đã đủ mệt, không còn nhiều tích lũy. Này là vợ chồng tôi tự bỏ tiền túi ra giúp bà con, làm đến khi nào không đủ sức nữa thì thôi; chứ đi mới thấy còn nhiều người khó khăn, cần mình giúp cái ăn hằng ngày”.
Doanh nhân bất động sản lặn lội đi mua rau củ về cho bà con TP.HCM; những nhà hàng, quán cà phê sang trọng trở thành bếp dã chiến nấu cơm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; các khách sạn 4 - 5 sao trở thành nơi nghỉ ngơi cho y bác sĩ; những chuyến bay đưa lực lượng hỗ trợ từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước vào TP.HCM chi viện... Không thể kể hết những tấm lòng, những sự sẻ chia lớn nhỏ của người dân, DN.
Hai năm Việt Nam kiên cường chống dịch cũng là 2 năm hàng trăm ngàn DN lớn nhỏ trên khắp cả nước luôn luôn đồng hành, sát cánh, hỗ trợ Chính phủ trên mọi mặt trận. Khi đất nước cần, họ sẵn sàng đón nhận trách nhiệm!
Đại dịch để chúng ta thấy rõ vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân với đất nước
Hoạt động của DN gặp rất nhiều khó khăn trong mùa dịch nhưng họ vẫn cố gắng hỗ trợ cộng đồng xã hội, chung tay góp sức cùng Chính phủ phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần tự nguyện. Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, các DN không những vừa phải đương đầu chống dịch, bảo toàn lực lượng lao động mà còn chung tay cùng Chính phủ, toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác phòng chống dịch. Trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế hiện nay, vai trò của DN càng quan trọng hơn. Họ không chỉ là tuyến đầu chống dịch mà còn là tuyến đầu phục hồi kinh tế. DN xây dựng kế hoạch hỗ trợ người lao động khi trở lại bằng những chương trình về sức khỏe, y tế, an toàn, thu nhập, giải quyết bài toán an sinh xã hội cho nhà nước. DN xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất, giúp nền kinh tế dần cựa quậy và mở cửa. Đại dịch chính là thời điểm để chúng ta thấy rõ vai trò của khối DN tư nhân, DN nhỏ và vừa quan trọng như thế nào. Chính vì vậy, Chính phủ cần có chương trình tuyên dương, ghi nhận những đóng góp của DN, doanh nhân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Giám đốc Trung tâm vốn của Viện Khoa học quản trị DN nhỏ và vừa
Doanh nghiệp cũng là tuyến đầu chống dịch
Từ trước đến nay, tôi luôn nhấn mạnh quan điểm phải coi DN là tuyến đầu chống dịch. Thứ nhất, công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 là cuộc chiến rất dài hơi và tốn sức, nhà nước không thể có đủ nguồn lực để đi hết hành trình. Nguồn lực này bắt buộc phải tới từ DN, từ hoạt động sản xuất. DN hoạt động, đóng thuế cho ngân sách là nguồn lực chính. Thứ hai, sự tuân thủ của bản thân DN chính là một phần công tác phòng, chống dịch. DN bảo vệ an toàn cho công nhân của họ là cùng nhà nước đảm bảo an toàn cho người dân. DN sắp xếp tiêm vắc xin càng sớm càng tốt cho người lao động là cùng nhà nước đẩy nhanh quá trình bao phủ vắc xin, tiến tới miễn dịch cộng đồng. DN đảm bảo thu nhập cho lao động cũng là đỡ cho nhà nước trong việc đảm bảo cuộc sống, an sinh cho họ. Nói vậy để thấy, bên cạnh những đóng góp về công, về của, bản thân mỗi DN chính là tuyến đầu chống dịch. Qua đại dịch, hy vọng niềm tin của chính quyền đối với khu vực DN, đặc biệt là khối DN tư nhân sẽ được củng cố hơn, đẩy mạnh hơn để xây dựng những chính sách phù hợp hơn trong giai đoạn bình thường mới.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông
Bình luận (0)