Doanh nghiệp - Chính phủ đồng lòng mở cửa kinh tế an toàn

Chí Hiếu
Chí Hiếu
13/10/2021 04:52 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn sự đóng góp của các doanh nhân và chia sẻ rằng sự đồng lòng, tin tưởng của các doanh nghiệp khiến Chính phủ, Thủ tướng càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, với cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Đó là thông điệp được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nhiều lần khi phát biểu trước các doanh nghiệp tiêu biểu tại buổi gặp mặt giới doanh nhân nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân VN (13.10) diễn ra hôm qua 12.10.

Doanh nghiệp chờ chương trình tổng thể phục hồi kinh tế

Điều dễ nhận thấy nhất là hầu hết các phát biểu của doanh nghiệp đều thể hiện sự đồng lòng với Chính phủ về công tác phòng chống dịch trong thời gian vừa qua cũng như sự chuyển hướng, khôi phục lại hoạt động sản xuất. “Cộng đồng doanh nghiệp dù chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhưng đều đồng lòng ủng hộ các chủ trương, chính sách, giải pháp phòng chống dịch và có nhiều đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch”, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup, bày tỏ.

Thủ tướng chúc mừng các nữ doanh nhân

NHẬT BẮC

Cụ thể hơn, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, cho rằng trong phòng chống dịch, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các địa phương quán triệt chiến lược cách ly hẹp nhất nhưng chặt nhất như tại TP.Phủ Lý (Hà Nam) vừa qua, điều này sẽ giúp hạn chế ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Cùng với đó, bà Nga đánh giá việc chuyển hướng chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh là đúng đắn, cần thiết, sẽ giúp các địa phương khôi phục và thúc đẩy sản xuất.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, thì mong muốn mở cửa trở lại an toàn nhanh nhất có thể để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy sản xuất. Trong khi đó, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, đánh giá cao việc liên tiếp trong tháng 8 và 9, Thủ tướng đã tổ chức 2 hội nghị lớn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành lập Tổ công tác đặc biệt xử lý nhanh các vấn đề phát sinh…

Dù vậy, các doanh nghiệp cũng bày tỏ một số kiến nghị cụ thể, mong chính quyền tập trung tháo gỡ để giải quyết các nút thắt khi doanh nghiệp bắt tay vào quá trình phục hồi sản xuất.

Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, đề nghị Chính phủ nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. “Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2,5% giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay”, ông Sơn nói.

Còn mối quan tâm của bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Deloitte, là VN lúc này, bên cạnh việc thích ứng an toàn với dịch bệnh là việc quản trị nguồn lực lao động, quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng. “Bên cạnh sự nỗ lực của từng doanh nghiệp, doanh nhân, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước về các vấn đề này, thông qua các hiệp hội doanh nghiệp”, bà Thanh đề xuất. Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng VN, cũng thừa nhận doanh nghiệp khối xây dựng đang đối mặt với bài toán khó khăn trong việc tuyển dụng lao động trở lại. Cùng với đó ông mong muốn được nhà nước hỗ trợ xử lý các vướng mắc trong các quy định của pháp luật khi xử lý các tranh chấp do tác động của dịch bệnh gây nên…

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới chắc chắn sẽ mất nhiều năm. Vì vậy, doanh nghiệp cũng mong mỏi các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng được ổn định và có thời hạn phù hợp.

Bên cạnh kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng; nâng cao trách nhiệm giải trình, đối thoại…, ông Công cho hay các doanh nghiệp rất kỳ vọng sẽ sớm có một chương trình tổng thể phục hồi kinh tế được thiết kế khoa học, có tính khả thi cao, làm cơ sở để các địa phương, các ngành và các doanh nghiệp xây dựng phương án phục hồi của mình.

Kích cầu cả tiêu dùng, đầu tư

Phát biểu kết luận cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn đội ngũ doanh nhân luôn đồng hành cùng đất nước, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước và nhất là đóng góp tích cực, kịp thời, hiệu quả trong phòng chống dịch Covid-19.

“Chúng tôi cũng rất cảm ơn sự động viên, tin tưởng của doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và trước điều này, chúng tôi càng thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nhiều hơn với đất nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng chia sẻ điều này và nhắc lại không dưới 2 lần.

Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận, thời gian qua, có những việc đã làm được, có những việc chưa làm được do nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là phần nhiều. “Chính phủ nhìn nhận điều này một cách khách quan và thẳng thắn, tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, cố gắng làm tốt hơn vì quốc gia, dân tộc, nhân dân, trong đó có doanh nghiệp”, Thủ tướng nói và mong muốn doanh nghiệp chia sẻ, cảm thông với đất nước trong điều kiện hiện tại.

Người đứng đầu Chính phủ cho hay trong nhiều cuộc làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp mới đây, ông ghi nhận được mong muốn lớn nhất của nhiều doanh nghiệp là tiêm vắc xin cho người lao động.

“Chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ vắc xin chậm nhất trong quý 4/2021 với các đối tượng ưu tiên, trước hết là tiêm hai mũi, trong đó ưu tiên người trên 50 tuổi, người có bệnh nền, các lực lượng tuyến đầu, người lao động trong các doanh nghiệp”, Thủ tướng thông tin và cho rằng chúng ta đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế bảo đảm an toàn dịch bệnh; Chính phủ đang khẩn trương trình cấp có thẩm quyền về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải thông suốt, tránh ách tắc… Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, quá trình mở cửa trở lại, phục hồi và thúc đẩy sản xuất phải bảo đảm lộ trình an toàn, không chủ quan.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, đất đai, hạ tầng, nhân lực, tiết giảm chi phí cho sản xuất kinh doanh; tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách; nghiên cứu thử nghiệm một số chính sách về du lịch, thương mại và dịch vụ, từng bước mở cửa du lịch an toàn, áp dụng hộ chiếu vắc xin để đón chuyên gia và du khách, bảo đảm an toàn; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, lãi suất, hiệu quả trên cơ sở kết hợp giữa các chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để giữ vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, vừa hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ phòng, chống dịch.

Ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất 27.000 tỉ đồng

Tại buổi họp báo diễn ra ngày 12.10, Ngân hàng Nhà nước cho biết, lũy kế từ 23.1.2020 đến cuối tháng 9.2021, tổng số tiền lãi tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 khoảng 27.000 tỉ đồng. Riêng 16 ngân hàng thương mại (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thực hiện có kết quả việc giảm lãi suất cho vay cho khách hàng theo cam kết với Hiệp hội Ngân hàng, tổng số tiền lãi đã giảm lũy kế từ 15.7 đến cuối tháng 9 là 11.813 tỉ đồng, đạt 57,31% so với cam kết.

Về kết quả triển khai cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 9 vừa qua, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỉ đồng, lũy kế giá trị nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng từ 23.1.2020 khoảng 531.000 tỉ đồng.

Tiêu Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.