Nỗ lực để thích ứng an toàn

14/10/2021 06:06 GMT+7

Nghị quyết 128 vừa được Chính phủ ban hành là cơ sở để UBND các tỉnh, thành mạnh dạn đưa ra biện pháp hành chính phù hợp nhằm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Theo đó, căn cứ vào các hướng dẫn của Bộ Y tế và các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP vận hành linh hoạt, áp dụng các biện pháp không trái với quy định của T.Ư, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh và đi lại, sinh hoạt của nhân dân...

Các quán ăn, nhà hàng ở mọi cấp độ đều được mở cửa đón khách

ngọc dương

Giao quyền linh hoạt cho cơ sở

Nghị quyết (NQ) 128 nêu rõ 4 mức độ nguy cơ của dịch bệnh, tương ứng với 4 màu: xanh, vàng, cam, đỏ; dựa trên các tiêu chí về tỷ lệ ca nhiễm mới tại cộng đồng, độ bao phủ vắc xin và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến.

Sau NQ này, Bộ Y tế đưa ra những tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch để 63 tỉnh, thành triển khai. Một trong những điểm đáng chú ý của nghị quyết là phạm vi cấp độ dịch được đánh giá từ quy mô cấp xã, đồng thời khuyến khích đánh giá quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

Chuẩn bị tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi

Ngoài ra, UBND tỉnh, thành quyết định chuyển đổi cấp độ dịch của từng địa bàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu nâng cấp độ dịch thì phải thông báo trước tối thiểu 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN) biết, có sự chuẩn bị trước khi áp dụng. Thực tế thời gian qua, nhiều tỉnh, thành công bố các biện pháp kiểm soát dịch quá gấp gáp khiến người dân “trở tay không kịp”, cuộc sống bị xáo trộn, chuỗi cung ứng hàng hóa bị đình trệ.

Sắp tới, lưu thông vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh đều được hoạt động ở cả 4 cấp độ trên phạm vi toàn quốc với điều kiện tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Các DN kỳ vọng Bộ GTVT sẽ có phương án cụ thể để tháo gỡ những bất cập về tình trạng cát cứ, cản trở lưu thông của nhiều tỉnh, thành. Trước mắt, người dân có thể thấy thoải mái khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống sẵn sàng phục vụ.

Một lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho rằng, NQ128 đã tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông, người dân đi lại thuận tiện. NQ sẽ tạo hành lang để Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể việc đi lại liên tỉnh giữa các địa phương. Dù vậy, thẩm quyền xác định cấp độ dịch bệnh ở phạm vi nhỏ thì thuộc cấp tỉnh nên rất cần sự quyết liệt, chủ động phối hợp giữa các địa phương trong vấn đề đi lại, hướng đến mục tiêu chung; nếu không sẽ tái diễn tình trạng “lệch pha” lưu thông giữa các tỉnh. Hiện TP.HCM đã gửi nhiều phương án đi lại đến các tỉnh lân cận để thống nhất.

Các quán ăn, nhà hàng ở mọi cấp độ đều được mở cửa đón khách

Ngọc Dương
Tình hình Covid-19 tại TP.HCM sau 2 tuần thực hiện Chỉ thị 18 có chuyển biến tích cực

Hà Nội cho quán ăn bán tại chỗ

Chiều qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành chỉ thị thích ứng linh hoạt từ 6 giờ ngày 14.10. Theo đó, TP cho phép cơ quan, công sở, tổ chức, DN hoạt động trở lại bình thường; thường xuyên tự đánh giá nguy cơ và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; khuyến khích làm việc trực tuyến.

Ngoài ra, xe buýt, xe taxi được hoạt động theo công suất và hướng tuyến do Sở GTVT hướng dẫn. Các bảo tàng, công viên được mở cửa đón khách trở lại với số lượng không quá 10 người/đoàn, đảm bảo khoảng cách, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch. Khách sạn, cơ sở kinh doanh lưu trú được hoạt động trở lại không quá 50% công suất, đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh lưu trú và các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định và hướng dẫn của ngành du lịch.

ĐỒ HỌA: hồng kỳ

Đặc biệt, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (trừ các cơ sở kinh doanh rượu, bia, bia hơi) được phép kinh doanh, phục vụ tại chỗ, không quá 50% chỗ ngồi và phải đảm bảo khoảng cách hoặc có vách ngăn/tấm chắn. Chủ cơ sở và nhân viên phải được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19, yêu cầu khách hàng thực hiện quét mã QR. Các hoạt động và cơ sở kinh doanh phải đảm bảo biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện nghiêm 5K, cài đặt và quét mã QR...

UBND TP cũng giao UBND các quận, huyện hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin mũi 2, ưu tiên tiêm vắc xin cho người trên 50 tuổi, công nhân các khu, cụm công nghiệp, lực lượng vận chuyển, người làm việc tại các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao như trung tâm thương mại, siêu thị… theo hướng dẫn của ngành y tế. Các sở, ngành đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN; chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tối qua, UBND TP.Hà Nội đã ra văn bản cho phép thí điểm hoạt động trở lại 7 tuyến xe khách đi, đến các tỉnh phía bắc gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La. Tần suất hoạt động bằng 5% số chuyến của các đơn vị trên tuyến theo biểu đồ đã được Sở GTVT Hà Nội công bố. Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết TP cho phép taxi truyền thống được phép hoạt động, riêng ô tô, xe máy công nghệ chưa hoạt động trở lại.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.