Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 127 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2021 trực tuyến toàn quốc với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2021. Trong đó nêu rõ: “Tổ chức dạy và học trực tiếp tại những vùng kiểm soát được dịch Covid-19 và bảo đảm an toàn ngay từ tháng 10.2021”.
Nghị quyết giao Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan liên quan tiếp tục sản xuất, phát sóng các chương trình dạy học trên truyền hình và nền tảng số; phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định bổ sung nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện.
Bộ GD-ĐT cũng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan liên quan rà soát, có giải pháp cụ thể, hiệu quả, quan tâm hơn đến công tác tuyển sinh hệ cao đẳng; phối hợp chặt chẽ với Bộ TT-TT triển khai kịp thời, hiệu quả Chương trình “Sóng và máy tính cho em”, bảo đảm đúng đối tượng, hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên khó khăn có đủ điều kiện học tập trực tuyến.
Số địa phương cho học sinh đến trường học trực tiếp hiện đang giảm so với đầu năm học |
n.t |
Theo tổng hợp của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 23 địa phương cho 100% học sinh đến trường học trực tiếp, giảm 2 tỉnh, thành so với thời điểm đầu năm học; 9 địa phương đang kết hợp giữa dạy trực tuyến và trực tiếp.
Cả nước vẫn còn 31 tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì học trực tuyến do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó có Hà Nội, TP.HCM, Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và nhiều tỉnh thành khu vực phía nam.
Báo cáo tại cuộc làm việc mới đây với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ GD-ĐT đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện những giải pháp ứng phó với dịch Covid-19, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022; chủ động xây dựng kịch bản ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong trường hợp học sinh chưa được đến trường hoặc học sinh đang học mà phải tạm dừng đến trường.
Cũng theo ông Độ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh sớm ổn định và tiếp tục học tập tại địa phương nơi cư trú, Bộ GD-ĐT đã 2 lần có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc tiếp nhận và tạo điều kiện học tập cho học sinh di chuyển về cư trú tại địa phương.
Các địa phương đều tạo điều kiện thuận lợi tiếp nhận học tập cho các học sinh ở các tỉnh khác đang tạm trú trên địa bàn do thực hiện giãn cách không kịp về nơi cư trú hoặc học sinh di chuyển về nơi cư trú tại địa phương sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.
Bình luận (0)