Một phụ nữ ở Ninh Bình mới đây (10.10) bị phạt hành chính tung tin thất thiệt về 6 người bị dương tính trên mạng xã hội |
CANB |
Đó là nội dung đang được lấy ý kiến đóng góp của dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng.
Nhiều cá nhân, hội nhóm vi phạm
Theo thống kê của Bộ Công an, chỉ tính riêng về tình hình dịch Covid-19 trong thời gian qua, cơ quan công an đã xử lý hàng trăm trường hợp tung tin sai sự thật, tin đồn thất thiệt gây hoang mang trong dư luận.
Được biết, tính đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép hoạt động cho 455 mạng xã hội (MXH) trong nước. Theo nhận định của Bộ Công an, một số MXH bộc lộ nhiều hạn chế trong quản lý, bảo mật, kiểm duyệt, kiểm soát thông tin công cộng, để cho người dùng đăng tải thông tin có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Hiện có khoảng 200 trang thông tin điện tử không phép, đăng ký “ẩn danh”, máy chủ đặt tại nước ngoài hoạt động như tờ báo tư nhân trá hình, mạo danh các cơ quan, tổ chức trong nước đăng tải thông tin không chính thống từ nhiều nguồn, tin giả, tin sai sự thật. Tương tự, nhiều hội, nhóm trên MXH có lượng thành viên lớn, cũng đăng các bài viết bịa đặt, bình luận tiêu cực về các vấn đề chính trị, xã hội..
Bộ Công an nói gì trước tin đồn 'Thủy Tiên, Công Vinh bị bắt' đang lan truyền? |
Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng không gian mạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, xảy ra ở nhiều địa phương với nhiều cá nhân bị lừa đảo với số tiền rất lớn, tình trạng truyền bá, phát tán ấn phẩm đồi trụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong, mỹ tục; hoạt động phát tán phim ảnh khiêu dâm trẻ em tiếp tục gia tăng. Phần lớn hoạt động tán phát thông tin xấu, độc, vi phạm pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên trên các nền tảng dịch vụ của Facebook, YouTube.
Phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng
Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng đã đưa ra các hình thức xử phạt hành chính cụ thể dành cho từng vi phạm mà trước đó, Luật An ninh mạng đã có những quy định nền tảng.
Một thanh niên 31 tuổi ở Đà Nẵng bị công an lập biên bản vì bình luận trên một Fanpage về bài viết xuyên tạc công tác phòng chống dịch Covid-19 hồi tháng 8 |
CA |
Chẳng hạn, phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng đối hành vi làm ra và phát tán thông tin có nội dung xúc phạm, thông tin bịa đặt, sai sự thật, làm nhục, vu khống... làm xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác. Người phát tán, tàng trữ những thông tin đó cũng bị phạt từ 20 - 40 triệu đồng. Mức phạt cũng tương tự với những người làm ra, phát tán, tàng trữ thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúi giục, kích động hoặc phá hoại thuần phong mỹ tục, đạo đức và sức khỏe cộng đồng gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng tới trật tự xã hội.
Đặc biệt, mức phạt đối với những vi phạm quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng sẽ nặng hơn. Ví dụ, phạt từ 60 - 80 triệu đồng đối với hành vi không ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại, xâm phạm đến trẻ em; đăng tải, phát tán, chia sẻ, lưu trữ, trao đổi, sử dụng thông tin, hình ảnh, âm thanh có nội dung khiêu dâm, đồi trụy, bạo lực liên quan đến trẻ em hay kích động, lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc trẻ em theo dõi, phát tán thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em... Vi phạm lần 2 là mức phạt lên 100 triệu đồng.
Hình phạt bổ sung cho các hành vi vi phạm trên là buộc xóa, gỡ cải chính thông tin trên sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn có nội dung sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm đó và công khai xin lỗi người bị hại trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Sẽ góp phần làm giảm vi phạm
Ông Ngô Minh Hiếu, một chuyên gia về bảo mật tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, nhìn nhận: "Hiện nay các trang lừa đảo, tin giả ở Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là trên Facebook và và YouTube. Ở Việt Nam việc giả mạo danh tính một ai đó không khó, thậm chí là rất dễ. Các đối tượng ngày càng tinh vi hơn, biết cách che đậy danh tính và dùng nick ảo để tung tin giả, lừa đảo... Vì thế, không gian mạng trở thành một nơi nguy hiểm mà nếu người dùng không có kiến thức, cẩn thận và tỉnh táo sẽ rất dễ bị lừa đảo, không chỉ về tiền bạc mà còn bị sai lệch về nhận thức, ảnh hưởng đến tinh thần, hành động".
Do đó, ông Hiếu - nhà đồng sáng lập dự án chongluadao.vn, một dự án cộng đồng, phi lợi nhuận giúp người dùng mạng thoát khỏi các trang web lừa đảo - cho rằng các hình thức xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng sẽ làm giảm phần nào các vi phạm đó. Tuy nhiên, để hiệu quả hơn, người sử dụng mạng cần được nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, đồng thời các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ với các nền tảng mạng xã hội để hạn chế.
Trong khi đó, luật sư Kiều Anh Vũ, Giám đốc Công ty Luật KAV, nhìn nhận: "Trên không gian mạng ngoài những thông tin có nội dung tích cực, hữu ích thì cũng không ít các thông tin mang tính tiêu cực, thậm chí vi phạm pháp luật, đăng tải, lan truyền những thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác… Bằng chứng là nhiều hành vi vi phạm đã bị các cơ quan chức năng xử lý trong thời gian qua. Nguyên nhân có thể là sự chủ quan, nhận thức không đúng đắn của người thực hiện hành vi, cho rằng chỉ chia sẻ thì không bị vi phạm...".
Luật sư Vũ cho rằng dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh mạng đã nâng cao mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi này, là hoàn toàn phù hợp và cần thiết.
"Phải có mức phạt nặng như vậy để răn đe, làm sạch không gian mạng. Điều quan trọng hơn nữa là việc thực thi, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý hành vi vi phạm để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. Khi các hành vi vi phạm bị xử lý trên thực tế thì mới làm “chùn tay” của những người khác khi có ý định sử dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Vũ chia sẻ.
Bình luận (0)