Mọi ngày đều là 20.10 khi…
Sáng sớm, chị Tô Thị Ngọc Minh (38 tuổi, Q.Phú Nhuận, shipper) đỗ xe trên vỉa hè trên đường Nguyễn Hữu Cầu (P.Tân Định, Q.1) chờ đơn “nổ”. Hơn 7 giờ sáng, sau khi chu toàn việc nhà, nấu bữa sáng cho chồng và các con, chị bắt đầu công việc giao hàng đã gắn bó với mình suốt 5 năm qua.
Chị Minh làm shipper 5 năm qua để cùng chồng nuôi con nhỏ |
CAO AN BIÊN |
Với chị ngày nào cũng là 20.10 khi các thành viên trong gia đình đều bình an |
CAO AN BIÊN |
Nữ shipper tâm sự mình vừa đi làm trở lại ngày 3.10. Suốt mùa dịch, vợ chồng chị cùng đứa con nhỏ (học lớp 2) ở yên trong nhà. Không có thu nhập, cả nhà chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và số tiền tiết kiệm bấy lâu.
“Cuối tháng 7, nhà tôi ai cũng là F0. Sau thời gian chống chọi với Covid-19, các thành viên đều vượt qua bình an hết. Nhưng sau dịch mọi thứ đều kiệt quệ, nên hai vợ chồng phải làm lại từ đầu”, chị kể.
Những ngày giao hàng trở lại, chị Minh mừng vì mình còn có một công việc để làm lúc này, tuy nhiên thu nhập của chị giảm nhiều so với trước đó nên mọi thứ càng khó khăn hơn. Nhìn vào chiếc điện thoại trên tay, chị than sáng giờ chưa có cuốc nào.
Bà Thảo sống đơn thân, mưu sinh bằng nghề bán trái cây hơn 20 năm qua |
CAO AN BIÊN |
Bà hy vọng ngày 20.10 bản thân được sức khỏe, bình an và bán đắt hàng |
CAO AN BIÊN |
Từ ngày đi làm lại, chị cày từ 7 giờ tới 20 - 21 giờ, trung bình mỗi ngày thu nhập chừng 300.000 đồng - 400.000 đồng. Cùng với thu nhập của chồng làm trong một công ty điện máy (dịch nên lương giảm 30%), cũng vừa đủ để xoay xở các chi phí sinh hoạt hằng ngày cũng như chăm lo việc học cho con.
Chị kể thêm: “Tôi chạy thì chạy, nhưng lát nữa tới giờ con học online là tắt app chạy về nhà chăm con một tí, con học xong rồi mình chạy đi làm tiếp. Con mà được học trực tiếp thì tôi yên tâm đi làm hơn”. Mọi sự cố gắng của người mẹ này đều hy vọng con mình có một tương lai tươi sáng hơn.
Túng quẫn vì dịch, bà bầu 37 tuần nhặt ve chai kiếm tiền đi đẻ |
Nói về ngày 20.10, chị Minh kể từ xưa đến giờ, chồng hay con đều chưa từng tặng chị một món quà nào trong dịp này. Tuy nhiên, khi chị muốn ăn gì, đi đâu chơi vào bất cứ ngày nào thì anh đều chiều vợ, những ngày đó với chị mới là 20.10 đúng nghĩa.
“Tùy từng gia đình thôi, gia đình tôi thì không lãng mạn gì đâu chỉ cần vợ chồng luôn yêu thương nhau, con cái khỏe mạnh thì ngày nào cũng là 20.10 rồi”, chị bày tỏ. Nói xong, cũng là lúc điện thoại vừa “nổ” đơn hàng đầu tiên trong ngày, chị mừng rỡ bắt đầu công việc.
Việc mưu sinh trong mùa dịch trở nên khó khăn hơn với nhiều phụ nữ |
CAO AN BIÊN |
Một nhóm nữ công nhân dọn dẹp công viên ở khu vực Bình Lợi (Q.Bình Thạnh) |
CAO AN BIÊN |
Bà Thảo (47 tuổi, Q.Bình Thạnh) mong ngày 20.10 các chị em đều xinh đẹp, hạnh phúc |
CAO AN BIÊN |
Gần đó, cụ bà Tạ Thị Thảo (70 tuổi, trọ ở Q.1) ngồi trên vỉa hè mời khách đi ngang mua xoài. Cụ kể mình bắt đầu bán lại 2 ngày nay, khi hẻm cụ ở hết phong tỏa. Suốt những tháng dịch vừa qua, không kiếm ra tiền, cụ sống nhờ hàng xóm và chính quyền địa phương.
Cụ Thảo sống đơn thân. Cụ kể được bán lại như vậy là hạnh phúc dù sau dịch, người ghé ủng hộ hàng xoài không nhiều. Những ngày thu nhập cao nhất là ngày rằm, nhiều người dân mua trái cây về cúng, cụ kiếm được 100.000 đồng - 200.000 đồng. Ngày bình thường thì hên xui, có khi cụ bán không được 100.000 đồng. Hỏi về ngày 20.10, cụ bảo “không biết đây là ngày gì”. Mỗi ngày, bà chỉ mong bản thân khỏe mạnh, bán đắt hàng và mong cho dịch bệnh sớm qua.
Mong ai cũng bình an vượt qua đại dịch
Trên vỉa hè đường Ba Tháng Hai (Q.10), hơn 8 giờ, bà Nguyễn Thị Vân (42 tuổi, quê Quảng Ngãi) đã có mặt, ngồi trên chiếc bạt tách từng hạt sen rồi chia vào các túi để bán. Bị kẹt ở TP.HCM nhiều tháng qua, bà cùng chồng đang cố bám trụ lại đây để kiếm tiền gửi cho đứa con nhỏ đang học lớp 11 dưới quê.
Bà Vân trụ lại TP.HCM bán hạt sen những ngày qua |
CAO AN BIÊN |
Dịp 20.10 nào bà cũng nhận được cuộc gọi chúc mừng từ con gái nên rất hạnh phúc |
CAO AN BIÊN |
Bà kể chồng bà đang bán trên đường Thành Thái, trung bình mỗi ngày hai vợ chồng kiếm được 500.000 đồng - 600.000 đồng nên đủ trang trải các chi phí. Trước dịch, ông bà cũng đi bán trái cây dạo mưu sinh, nay chuyển qua bán hạt sen, tim sen hy vọng việc buôn bán sẽ khấm khá hơn.
“Vào Sài Gòn 10 năm rồi, quen ở đây rồi thì cứ ở lại chứ về quê không biết làm gì. Buôn bán dạo cực thì có cực, nhưng quen rồi, miễn có tiền để sống, để nuôi con thì cực cỡ nào cũng chịu được”, bà chia sẻ.
Những năm gần đây, hầu như 20.10 nào, bà Vân cũng xa con. Để chúc mừng mẹ, cứ đến đúng ngày là con gái lại gọi điện thoại hỏi thăm khiến bà vui và hạnh phúc. Bà mong tất cả mọi người đều bình an vượt qua đại dịch, để Tết năm nay được về quê đoàn tụ cùng con gái.
Với bà Đào Thị Vân, 20.10 là ngày đặc biệt ý nghĩa vì được đồng nghiệp, gia đình quan tâm và yêu thương |
CAO AN BIÊN |
Bà mong chờ một bữa cơm gia đình ấm áp trong ngày đặc biệt của mình năm nay |
CAO AN BIÊN |
Bà Đào Thị Vân (40 tuổi, H.Hóc Môn) làm công nhân vệ sinh của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích Q.1 được hơn 15 năm nay. Những tháng qua, bà Vân vẫn miệt mài, thầm lặng dọn sạch đường phố TP.HCM.
Mồ hôi vã ra sau lớp khẩu trang, bà kể công việc tuy có phần cực nhọc nhưng đã nuôi sống cả gia đình mình. Với thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày, bà chính là trụ cột của cả gia đình nuôi 2 con 8 tuổi, 18 tuổi (đang học trong một trường nghề). Chồng chị cũng có công việc, song khá bấp bênh.
“20.10 nào cũng là kỷ niệm đặc biệt với tôi khi công ty tặng quà cho các chị em, chồng con cũng dẫn tôi đi đây đi đó. Năm nay dịch thì không còn được như vậy, nhưng tôi không thấy buồn, chỉ có một mong muốn duy nhất là dịch sớm qua thôi. Ngày mai gia đình sẽ làm một bữa cơm thịnh soạn mừng ngày đặc biệt này, vậy là đủ rồi”, chị cười.
Bình luận (0)