Giữa năm 2021, nhiều nghệ sĩ (NS) liên tục bị gọi tên yêu cầu sao kê tài khoản làm từ thiện từ tiền mà các nghệ sĩ kêu gọi nhà hảo tâm.
Thủy Tiên trao tiền từ thiện cho người dân miền Trung |
Từ thiện cần minh bạch, đúng luật
Xuất phát từ câu chuyện của NS Hoài Linh vào cuối tháng 5.2021, mạng xã hội xuất hiện chứng nhận sao kê tài khoản của NS Hoài Linh. Từ lùm xùm này, NS Hoài Linh thừa nhận chậm trễ giải ngân 14 tỉ đồng do nhà hảo tâm quyên góp cứu trợ miền Trung từ tháng 10.202. Hoài Linh cũng xin lỗi nhà hảo tâm, khán giả vì sự chậm trễ này.
Đến tháng 6.2021, Hoài Linh mới gửi số tiền trên đến một số địa phương bị lũ lụt nói trên, đồng thời trưng ra các sao kê, chứng từ thu chi số tiền nhà hảo tâm cả nước đóng góp và nói rõ lý do chuyển khoản đi, các khoản lãi suất…
Từ cuối tháng 8 đến nay, trên mạng xã hội xảy ra tranh cãi “sao kê từ thiện” liên quan nhiều NS nổi tiếng như: Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên - Công Vinh, Trấn Thành... Các NS này đều kêu gọi từ thiện, quyên góp, cứu trợ người dân miền Trung mùa lũ năm 2020 với số tiền từ vài tỉ đến hàng trăm tỉ đồng.
Lúc này, trên mạng rộ tin đồn Thủy Tiên đã nhận quyên góp hơn 320 tỉ đồng, chứ không phải 178 tỉ đồng như công bố. Cũng có tin đồn với nghi vấn Trấn Thành kêu gọi từ thiện được 9,6 tỉ đồng hay hơn 120 tỉ đồng, Trấn Thành sau đó công bố sao kê tài khoản trên trang cá nhân với tiền quyên góp hơn 9,6 tỉ đồng và nói rằng thông tin hơn 120 tỉ đồng không đúng sự thật.
Bộ Công an yêu cầu ngân hàng sao kê tài khoản của Thủy Tiên, Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng |
Sau sự việc lùm xùm liên quan đến quyên góp từ thiện, ngày 7.9, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 1118/CĐ-TTg về đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và xử lý vi phạm trong phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo công an địa phương xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách phòng chống dịch Covid-19 và việc quyên góp, ủng hộ của nhân dân để trục lợi.
Ngay sau đó, Cục Cảnh sát hình sự (C02) - Bộ Công an vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc theo đơn tố cáo, dư luận, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc một số nghệ sĩ đã lợi dụng việc quyên góp từ thiện, cứu trợ người dân miền Trung mùa lũ năm 2020, thiếu minh bạch trong quá trình giải ngân, có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo C02, đơn vị vẫn đang phối hợp UBND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi để xác minh, làm rõ số tiền mà các cá nhân đã tiến hành cứu trợ, từ thiện tại các địa phương này.
Hiện nay, Cục C02 đã yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cung cấp các tài liệu cho CQĐT như: bản sao hồ sơ mở tài khoản; toàn bộ thông tin cá nhân liên quan đến chủ tài khoản của các tài khoản đã rà soát, xác định (nếu có); thống kê tổng số tiền giao dịch, số dư hiện có trong tài khoản; sao kê chi tiết tất cả giao dịch của tài khoản từ thời điểm mở tài khoản đến nay; thông tin họ tên, địa chỉ số tài khoản đối ứng, người nộp tiền vào và người nhận tiền từ các tài khoản của ca sĩ Thủy Tiên và Đàm Vĩnh Hưng, danh hài Trấn Thành.
C02 cũng đã mời ca sĩ Thủy Tiên và Đàm Vĩnh Hưng lên làm việc; còn Trấn Thành, CQĐT xác định nằm trong diện cần phải rà soát. CQĐT hiện vẫn đang xác minh, điều tra vụ việc này.
Bộ Công an nói gì trước tin đồn 'Thủy Tiên, Công Vinh bị bắt' đang lan truyền? |
Đầu tháng 10.2021, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM cũng đã gửi công văn đến đơn vị nghiệp vụ, Trưởng công an 21 quận, huyện, TP.Thủ Đức đề nghị kiểm tra, rà soát, cung cấp thông tin về việc tiếp nhận, phân loại và kết quả giải quyết các đơn thư tố cáo, tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến các cá nhân kêu gọi, quyên góp tiền từ thiện (như nghệ sĩ Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, Võ Hoàng Yên...) mà bà Nguyễn Phương Hằng đã phản ánh trong các buổi livestream trên mạng xã hội.
Thời gian qua, dư luận mong muốn việc NS kêu gọi từ thiện, chi từ thiện cần minh bạch và thực hiện đúng quy định pháp luật. Dư luận cũng mong muốn rằng cơ quan điều tra sớm có kết quả điều tra để thông tin được rõ.
Quy trình xử lý tố giác tội phạm ra sao ?
Luật sư (LS) Nguyễn Đức Chánh (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, theo quy định về "trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân được quy định tại Thông tư 28/2020/TT-BCA của Bộ Công an", trường hợp cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì cán bộ tiếp nhận phải lập biên bản tiếp nhận theo mẫu, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố giác, báo tin và hướng dẫn họ viết đơn trình báo. Trường hợp cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến gửi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố bằng văn bản thì cán bộ tiếp nhận phải viết giấy biên nhận theo mẫu. Một bản kèm theo tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, một bản giao cho người gửi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
Theo LS Nguyễn Đức Chánh, trường hợp tiếp nhận thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm phản ánh qua phương tiện thông tin đại chúng, qua hòm thư điện tử, báo nói, báo hình, hay phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng thì cán bộ được phân công phải tiếp nhận bằng cách sao chụp, ghi chép hoặc in bài viết ra giấy báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để xử lý. Đối với tin báo về tội phạm đã xác định được dấu hiệu tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của cơ quan, đơn vị nào thì cơ quan, đơn vị đó ghi nhận và giải quyết.
Trường hợp chưa xác định được nơi xảy ra sự việc hoặc liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà tin báo về tội phạm phản ánh thì Cơ quan CSĐT Công an cấp huyện nơi có trụ sở chính của phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải tin báo trên có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý ban đầu.
Còn đối với thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm phản ánh trên báo nói, báo hình thì cán bộ tiếp nhận viết thành văn bản báo cáo lãnh đạo, chỉ huy để xử lý.
LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) nói thêm, quá trình giải quyết tin báo, CQĐT được phép triệu tập và lấy lời khai những người tham gia tố tụng có liên quan nhằm kiểm tra, xác minh; áp dụng các biện pháp đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và các hoạt động khác thuộc thẩm quyền của CQĐT. Chậm nhất 7 ngày trước khi hết hạn kiểm tra, xác minh tin báo, Điều tra viên phải có báo cáo kết thúc việc xác minh bằng văn bản và đề xuất cụ thể theo hướng khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự; tạm đình chỉ hoặc gia hạn thời hạn xác minh.
Bộ Công an phối hợp 7 tỉnh miền Trung khẩn trương làm rõ hoạt động kêu gọi, tổ chức hoạt động từ thiện của các nghệ sĩ |
Bình luận (0)