Mở cửa du lịch, không thể trì hoãn: Nguy cơ kéo chậm đà hồi phục kinh tế

20/10/2021 06:25 GMT+7

Việc chậm trễ ban hành hướng dẫn mở cửa của các cơ quan quản lý có thẩm quyền không chỉ đánh mất cơ hội vàng của du lịch Việt mà còn bào mòn cả sức khỏe và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, kéo chậm đà phục hồi kinh tế.

Doanh nghiệp không còn đủ sức để chạy theo chính sách

Vui mừng khi biết thông tin Phú Quốc dự kiến thí điểm mở cửa đón khách quốc tế từ tháng 10, anh T.H, chủ một chuỗi khách sạn 3 sao ở đảo ngọc, vội vàng thuê thợ tới chỉnh trang lại cơ sở hạ tầng, dọn dẹp phòng ốc sau nhiều tháng cửa đóng then cài. Sáng đèn 3 khách sạn trong khi nhân viên cũ đa phần đã về quê, vị giám đốc trẻ điều động tạm thời 18 nhân viên là những người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin để đào tạo lại tay nghề, đón khách giai đoạn đầu.

Thế nhưng, gần 1 tháng trôi qua, việc mở cửa của Phú Quốc vẫn án binh bất động. Từ hẹn 1.10, kế hoạch thí điểm lùi lại tới giữa tháng 10 rồi giờ cơ quan chức năng “tạm chốt” cuối tháng 11, khiến anh H. vô cùng hoang mang. “Nhân viên gọi lên rồi, khách sạn khởi động rồi, chi phí nhân công, vận hành đều phải trả, trong khi doanh thu thì không biết chừng nào mới có. Nhân viên thì toàn ở các tỉnh khác, giờ đi lại khó khăn thế này, bảo về rồi đến lúc gọi lại cũng khó, chắc gì họ sẽ quay lại với mình? Mong cơ quan quản lý làm gì thì quyết nhanh, làm gọn, chứ cứ thế này, doanh nghiệp (DN) như chúng tôi khổ quá”, anh T.H bày tỏ.

Ở một vài địa phương như Nha Trang đã cho phép người dân được vui chơi, hoạt động thể thao trên biển

Phạm Bá Duy

Đồng cảm, ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch VietCircle, thẳng thắn cho biết cộng đồng DN đang dần mất niềm tin vào những kế hoạch, chính sách của lãnh đạo ngành. Kế hoạch thí điểm Phú Quốc được đưa ra lấy ý kiến từ tháng 7, Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch thời gian qua liên tục tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo khuyến khích các địa phương mở cửa du lịch đón khách, thích ứng với điều kiện bình thường mới nhưng đến giờ này lại không có hướng dẫn cụ thể khiến các DN lúng túng không biết phải làm gì và làm như thế nào.

“Suốt gần 2 năm qua, các công ty du lịch đều đã kiệt quệ nhưng các chính sách hỗ trợ cứ ban hành rồi chẳng ai tiếp cận được. Giờ mở cửa, quy định không rõ ràng, trong khi rủi ro lại quá lớn thì ai dám nhảy vào làm? Chủ động chuẩn bị rồi lại hoãn, DN mất hết niềm tin rồi. Biết bao nhân sự công ty du lịch đã phải chuyển qua bán khẩu trang, bán bia, đi cắt tóc… gọi họ lại, kêu mở văn phòng, chi một cục chi phí rồi lại chờ đợi, ai gánh cho? Như một anh lớn trong ngành từng nói, kéo pháo ra rồi lại đẩy vào, giờ mà còn mắc nữa thì pháo cũng kẹt luôn, không kéo ra nổi nữa đâu”, ông Huê thở dài.

Những du khách đầu tiên từ TP.HCM đi Tây Ninh sau giãn cách xã hội vì Covid-19

Ai chịu trách nhiệm?

Ngại mỗi nơi một kiểu

Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch VietCircle, nói: Mỗi bộ, ngành ban hành một văn bản không thống nhất; mỗi địa phương triển khai chỉ đạo một kiểu; thậm chí mỗi huyện, xã trong một địa phương lại có cách ứng xử khác nhau, khiến các công ty du lịch vô cùng ái ngại. Rồi thời hạn triển khai liên tục phải dời hẹn khiến DN càng thêm hoang mang. Trong giai đoạn này, chi phí để xây dựng, tổ chức một tour thì tăng nhưng giá bán lại thấp, DN xác định nếu có hoạt động lại cũng chắc chắn không có lời. Cứ thế này thì ai dám làm nữa?

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, từ đầu năm 2020 đến nay, các chỉ số tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng. Hiện nay, lượng DN xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30%, chỉ còn khoảng 2.000 DN có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc. Đáng chú ý, lĩnh vực kinh doanh lưu trú, chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch VN cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách, trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Là ngành kinh tế đa ngành, du lịch được kỳ vọng khi khởi động sẽ kéo theo dịch vụ, thương mại, giao thông, sản xuất... phục hồi. Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt bùng dịch vừa qua, TP.HCM cũng là một trong những địa phương năng nổ nhất thúc đẩy khôi phục du lịch. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của TP, có tỷ lệ đóng góp vào GRDP của TP từ 10 - 12% trong giai đoạn trước dịch bệnh. Với đặc trưng là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp nên tập trung phục hồi du lịch sẽ kéo theo sự phục hồi của các ngành nghề khác. Dẫn chứng sự phục hồi du lịch ở Thái Lan, bà Thắng cho hay tổng thu từ du lịch tính riêng trong tháng 7 năm nay tại Phuket là 828 triệu baht (gần 600 tỉ đồng), nhưng chi tiêu của khách đã giúp tạo ra đến 1,92 tỉ baht (gần 1.300 tỉ đồng) cho nền kinh tế địa phương cả trong và ngoài ngành du lịch. Do đó, việc xây dựng và triển khai hiệu quả kế hoạch phục hồi hoạt động ngành du lịch TP là cực kỳ cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Thế nhưng, nếu Bộ VH-TT-DL không sớm ban hành hướng dẫn về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong lĩnh vực du lịch để có cơ sở triển khai thống nhất trên toàn quốc; đề án thí điểm đón khách quốc tế tới Phú Quốc không nhanh chóng được triển khai và rút kinh nghiệm, thì nỗ lực mở cửa du lịch của TP.HCM hay các tỉnh, thành đủ điều kiện khác cũng khó có thể bấm nút.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, khẳng định trong kinh tế có những lĩnh vực “mở hé” cũng là mở, chẳng hạn như kinh doanh thực phẩm, không cho bán tại chỗ thì bán mang về vẫn ổn. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và du lịch, không thể có khái niệm “mở hé”. Một khách sạn muốn vận hành đủ công suất để đón khách thì phải đảm bảo đủ chi phí tương ứng. Một tour cũng phải đủ dịch vụ, đủ các yếu tố mới có thể tổ chức. Thế nên, các bộ, ngành, địa phương nói là mở nhưng nếu cứ hé hé kiểu nửa vời thì DN không thể khởi động được vì triển khai còn tốn chi phí, khổ hơn nằm chờ.

Lý giải sự chậm trễ của cơ quan chức năng, ông Hiển cho rằng nguyên nhân do sự cẩn trọng quá mức. Chủ trương chung là mở cửa nhưng bộ, ngành nào cũng sợ rủi ro, nếu xảy ra mất an toàn thì phải chịu trách nhiệm. Cứ đùn qua, đẩy lại, bộ này trông chờ bộ kia, lúng túng dẫn đến chậm trễ. “Nhưng chậm trễ dẫn tới mất cơ hội, kéo chậm đà phát triển của kinh tế. Vậy thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc này? Vì vậy, xác định mở cửa thì cần thông báo thời gian cụ thể để các thành phần kinh tế có thể yên tâm chuẩn bị cùng đồng hành. Không thể đưa những quyết định không thực tiễn, hứa hẹn rồi lại thay đổi, chỉnh sửa. Cứ như vậy sẽ bào mòn sức lực và niềm tin của DN, ảnh hưởng cả kế hoạch phục hồi kinh tế của các địa phương”, ông Hiển nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.